26/05/2019 09:20 GMT+7

Bà May và di sản Brexit đổ vỡ

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Ngày 24-5, trên những bậc thềm của tòa nhà số 10 phố Downing, nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh Theresa May đã khóc khi phát biểu từ chức.

Bà May và di sản Brexit đổ vỡ - Ảnh 1.

Bà May rơi lệ khi tuyên bố từ chức ngày 24-5 - Ảnh: AFP

Bà nói việc làm thủ tướng nước Anh là "vinh dự trong cuộc đời" và "biết ơn to lớn và sâu sắc vì đã được có cơ hội phục vụ đất nước". Nhưng có lẽ bà sẽ được nhớ đến với những lời thừa nhận nghẹn ngào từ tận đáy lòng trong bài phát biểu: "Điều đáng tiếc và sẽ luôn luôn là điều đáng tiếc lớn đối với tôi là đã không thể hoàn thành được Brexit".

Vị thủ tướng bất đắc dĩ

Là một nghị sĩ lâu năm của Đảng Bảo thủ trong Quốc hội Anh, những tưởng sự nghiệp chính trị của bà May sẽ kết thúc ở vị trí bộ trưởng nội vụ khi được bổ nhiệm năm 2010 trong nội các của thủ tướng Cameron. 

Vị trí bộ trưởng nội vụ, vốn phải xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, hay gây nhiều tranh cãi; do đó thường là dấu chấm hết cho sự nghiệp của nhiều chính trị gia.

Tuy nhiên, không những trở thành vị bộ trưởng nội vụ nắm giữ chức vụ lâu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Anh với 6 năm nắm quyền, bà May còn khẳng định mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn và quyết đoán, một nhân vật hoàn hảo cho các thời khắc khủng hoảng.

Tháng 7-2016, sau thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh nên ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), thủ tướng Cameron buộc phải từ chức, đặt nước Anh trước một viễn cảnh không hề có sự chuẩn bị gì cho cuộc "ly hôn" với EU.

Với những gì đã thể hiện trong 6 năm làm bộ trưởng nội vụ, bà May đã được lựa chọn để cứu vãn nước Anh ra khỏi những đống đổ nát mà thủ tướng Cameron đã để lại. Trở thành thủ tướng trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, bà May được kỳ vọng có thể giúp đưa nước Anh ra đi trong "trật tự".

Lực bất tòng tâm

Lên làm thủ tướng với một nhiệm vụ duy nhất là đưa con thuyền nước Anh ra khỏi cơn bão Brexit, một nhiệm vụ mà bà May gọi là "thách thức lớn nhất trong thời bình mà một chính phủ gặp phải". Nhưng có lẽ bà May cũng không ngờ việc đưa nước Anh ra khỏi EU lại phức tạp như vậy.

Trong tiến trình này, bà phải đối mặt với 3 mặt trận cùng một lúc: đàm phán thành công một thỏa thuận về Brexit với EU, thuyết phục được các thành viên trong Đảng Bảo thủ và trong nội các chấp nhận thỏa thuận và giành được sự ủng hộ của các đảng phái khác trong Quốc hội để thông qua thỏa thuận này.

Nhưng có lẽ đàm phán với các nhà lãnh đạo khác trong EU còn dễ hơn là thuyết phục các đồng nghiệp trong Đảng Bảo thủ và trong Quốc hội Anh. Sau nhiều vòng đàm phán, tháng 11-2018 bà đạt được một thỏa thuận về Brexit với EU. Nhưng bà đã thất bại trong việc thuyết phục Đảng Bảo thủ và thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua cho dù đã 3 lần đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu.

Những người ủng hộ việc Brexit thì vẫn mơ về một thỏa thuận Brexit hoàn hảo trong đó nước Anh không bị thiệt hại gì. Còn những người muốn nước Anh ở lại trong EU thì vẫn nuôi hi vọng còn có cơ hội để nước Anh ở lại EU. 

Sau những nỗ lực cuối cùng thất bại, không còn nhận được sự tin tưởng của Đảng Bảo thủ, của Quốc hội và ngay chính trong nội các của bà khi một loạt bộ trưởng ra đi, bà May buộc phải từ chức.

Ai nhận di sản của bà May?

Việc bà May từ chức và một thủ tướng mới lên thay sẽ tạo động lực thúc đẩy đối thoại trong chính trị nội bộ Anh, tìm kiếm được đồng thuận về thỏa thuận Brexit. Nhưng thời gian càng trôi qua, khả năng có được một thỏa thuận ngày càng xa hơn.

Với một đảng Bảo thủ cầm quyền bị chia rẽ và một quốc hội đầy mâu thuẫn, việc giành được sự ủng hộ của cả hai phía dường như là một nhiệm vụ không dễ vượt qua. Như một nghị sĩ lâu năm của Đảng Bảo thủ đã nói "chỉ cần tôi và thêm 6 đồng nghiệp nữa là đủ để có thể ngăn chặn bất cứ điều gì xảy ra".

Người được xem là ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế bà May hiện nay là ông Boris Johnson. Mặc dù là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, nhưng nhiều người xem ông Johnson có khả năng linh hoạt về chính trị hơn so với bà May để giúp nước Anh thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan lúc này.

Bà May đã có quãng thời gian khó khăn trong nhiệm kỳ của mình và nhiệm vụ của người thay thế bà cũng sẽ không dễ dàng hơn. Ông Johnson có thể sẽ đề nghị EU đàm phán lại thỏa thuận Brexit, nhưng các nhà lãnh đạo EU khó mà có thể đồng ý với đề nghị này.

Tình hình này có lẽ sẽ phải cần đến một giải pháp cực đoan hơn là nước Anh rút ra khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân mới, hoặc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để có một quốc hội và chính phủ mới.

Dù điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, một thực tế là cho đến nay Brexit đã buộc 2 thủ tướng Anh phải từ chức. Nếu thủ tướng Cameron sẽ đi vào lịch sử là vị thủ tướng đã đưa nước Anh đến bờ vực của Brexit thì bà May sẽ được nhớ đến như là người đã thất bại trong việc đưa nước Anh ra khỏi EU.

Phạm nhiều sai lầm về Brexit

Ngoài những lý do khách quan, bà May cũng được cho là đã phạm nhiều sai lầm trong xử lý vấn đề Brexit, thiếu những kỹ năng chính trị cần thiết, cứng nhắc trong cách tiếp cận, khó đàm phán và ít chịu tìm kiếm những điểm tương đồng. Khi bà nhận ra điều này để tìm kiếm sự đồng thuận từ các đảng phái trong Quốc hội Anh thì đã quá muộn.

Cuộc đua tranh chức thủ tướng Anh ngày càng đông

TTO - Một ngày sau khi thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức, đã có ít nhất bảy ứng viên tham gia tranh ghế thủ tướng với những quan điểm khác nhau về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp