12g. Chợ Đông Ba tấp nập người qua lại, bà Mầu khắc khổ, đang gồng mình bế con trai từ chiếc xe lăn ngả lưng trên tấm bạt bên vỉa hè. Hai mẹ con bà ăn chung một suất cơm bụi giá 10.000 đồng. Bà đút từng thìa cơm cho con trai và dành hết thức ăn cho cậu, phần còn lại bà mới ăn. Bà nói chủ quán cơm thương gia cảnh mẹ con bà nên thường cho thêm ít cơm và chén canh rau, bà ăn cũng vừa đủ.
Ngồi quạt cho con ngủ trưa bên hè phố, bà ứa nước mắt khi kể về cuộc đời đau khổ của mình. Bà là chị cả trong gia đình nghèo có năm người con. Nhà nghèo, bà không được đến trường học chữ, từ nhỏ phải đi ở đợ cho nhà giàu kiếm cơm và đỡ đần cha mẹ. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó khiến bà mải miết làm lụng rồi quên luôn chuyện chồng con. “Cha tui mắc bệnh hiểm nghèo, nằm một chỗ suốt mấy năm trời, gia đình kiệt quệ. Tui cứ đi ở đợ cho nhà này đến nhà khác kiếm tiền thuốc men, phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Rứa rồi già lúc mô không biết...” - giọng bà nghẹn lại.
Lau nước mắt, bà thủ thỉ: “Bước qua tuổi 40, tui thấy mình đơn độc, bạn bè cùng trang lứa đều con bế con bồng, gia đình sum vầy thấy mà thèm. Nghĩ tới nghĩ lui, tui mới quyết định kiếm một đứa con để bầu bạn, mong cậy nhờ lúc tuổi già”. Bỏ qua những lời đàm tiếu chuyện “chửa hoang”, bà Mầu mừng chảy nước mắt khi con trai khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời. Đứa bé mang họ mẹ, tên là Hoàng Văn Minh.
Thế nhưng lên 2 tuổi bé Minh vẫn không đi được, không nói được, chân tay bắt đầu co quắp. Ròng rã suốt ba năm trời, bà Mầu bồng đứa con tội nghiệp đi khắp nơi để chữa trị nhưng bác sĩ nói con trai bà bị di chứng chất độc da cam. Suốt một thời gian dài đêm nào bà cũng ôm con khóc, khóc thương con trai tật nguyền, khóc cho mình phận bạc.
Bà kể 24 năm qua, hằng ngày bà đẩy xe lăn cùng người con tật nguyền đi bán bánh mì, trầu cau ở một góc chợ Đông Ba kiếm miếng ăn qua ngày. Rồi khi ban quản lý chợ dẹp việc bán hàng rong, bà đành phải chuyển sang bán vé số.
Hai năm nay bà Mầu phải đẩy con trở về thôn Trúc Lâm xin ở nhờ nhà đứa cháu con dì. Từ 4g sáng, bà lọ mọ thức dậy chuẩn bị đồ đạc, rồi bật đèn pin đẩy Minh vượt chặng đường dài 10km về chợ Đông Ba nhận vé số đi bán. Trời xế chiều, bà đẩy chiếc xe lăn cót két chở con trai về nhà lúc tối mịt.
Bà kể mỗi ngày bán được ba bốn chục tờ vé số, tiền lời được hưởng ba bốn chục ngàn đồng. Chị Út, một người bán hàng rong ở chợ Đông Ba, nói rằng hiếm thấy ai thương con như bà Mầu, suốt hai mươi mấy năm trời bà chăm bẵm Minh như một đứa trẻ mới lọt lòng. Có người nói rằng Minh là “cục nợ đời” của bà Mầu, còn bà Mầu cho rằng Minh là số phận của đời bà.
Phóng to |
Hằng ngày bà Mầu đẩy xe lăn chở con trai đi bán vé số mưu sinh - Ảnh: Nguyên Linh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận