13/08/2017 16:34 GMT+7

'Ba má còn đây, đừng đứa mô tính bỏ học'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Hai con gái đầu của ông Nguyễn Trợ (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã vào đại học, một cậu con trai cũng vừa vô Sài Gòn nhập học. Khổ đến mấy vợ chồng ông cũng quyết không để con đứt gánh con chữ.

Những đứa con lần lượt vào giảng đường, gánh nặng học hành lại hằn lên đôi vai người cha mang dáng hình nhỏ bé. Trong ảnh ông Trợ và con trai út trở về nhà sau giờ bóc keo - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Ông Trợ và con trai út trở về nhà sau giờ bóc keo - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nuôi 4 đứa con tới trường

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Trợ (57 tuổi) được xây theo diện hỗ trợ con em liệt sĩ, nằm khuất sau bìa núi Linh Cang. Ở khuất nẻo vậy nhưng nói đến nhà ông Trợ, người dân xứ núi ai cũng biết vì mấy đứa con chăm ngoan học giỏi có tiếng.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Trợ và con trai út Nguyễn Trường Hưng đang đi bóc vỏ keo thuê cách nhà 3km đường rừng. Giữa hơn chục người đang làm lụng trên bãi keo, khó nhận ra ông Trợ bởi vóc dáng nhỏ thó như một học trò ốm yếu.

“Mấy bữa anh lên đây thì gặp luôn cả 4 bà con nhà tôi, nhưng hôm qua thằng Toản theo chị ra Đà Nẵng mua vé tàu vào Sài Gòn nhập học. Mẹ nó sáng nay cũng đi nấu đồ đám cưới thuê nên chắc tối mịt mới về nhà”, ông Trợ giải thích trong khi đưa tay quẹt mồ hôi trên trán.

Câu chuyện tiếp tục bên bìa rừng, nơi ông Trợ một tay cầm rựa, một tay cầm đầu khúc cây to liên tục tứa vỏ ra thành từng miếng. Người nhỏ trông chừng chỉ bằng phân nửa gốc cây đang chẻ, nhưng đôi tay ông nhanh thoăn thoắt như thể nhắm mắt cũng làm được. Ở phía sau, cậu con trai út  mới lớp 8 cũng không kém cạnh.

Ông Trợ nói vì nhà nghèo, đông con nên đứa nào cũng biết lao động sớm. Trời thương, cả 4 đứa con ông Trợ đều vừa lanh con chữ vừa chăm việc nhà.

“Hồi xưa bé Huyền rồi đến bé Trang đi học tôi cũng không phải lo chuyện sách vở vì các cháu năm nào cũng học giỏi lãnh phần thưởng. Tới hè thì mấy đứa rủ nhau lên rừng hái rau mang về bán kiếm tiền mua áo quần. Cũng nhờ con thương cha mẹ lao động sớm, vợ chồng tôi mới nuôi nổi 4 đứa đến trường, chứ chúng nó mà ăn chơi theo bạn chắc mình cũng "bó tay", ông Trợ thật thà kể.

Hè này hai chị em Nguyễn Thị Thu Huyền và Nguyễn Thị Thu Trang cũng không về nhà vì ở lại Đà Nẵng làm thêm. Huyền vừa tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế, nhận việc tại nhà hàng để kiếm thêm thu nhập và rèn nghiệp vụ trong thời gian xin việc. Trang đang học năm tư Trường ĐH Bách khoa thì nhận ba suất gia sư từ sáng đến tối để gom tiền cho năm học mới.

Cậu con thứ ba Nguyễn Trường Toản Toản thì mới xin nghỉ lấy tiền công khăn gói đi Sài Gòn nhập trường.

Trời lững chiều, hai cha con ông Trợ trở về nhà, trên lưng là bó củi góp nhặt từ buổi sáng. Dáng ông sụp xuống nhưng chân bước rất khỏe. Nhiều năm qua, những que củi ấy cùng niềm tin mạnh mẽ, người cha ấy đã giữ cho những đứa con đường tới trường mỗi ngày.

Bốn đứa con của ông Trợ đều là học sinh giỏi từ cấp 1 đến cấp 3. Riêng Toản còn “hái” được giải thưởng cấp tỉnh như giải nhì cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh”, Huy chương bạc Olympic vật lý 24-3 tỉnh Quảng Nam, giải ba cuộc thi thí nghiệm thực hành môn vật lý cấp tỉnh năm 2016, giải nhì cuộc thi giải toán Casio môn vật lý cấp tỉnh năm 2017.
Hành trang mang theo của Toản lên giảng đường là những giọt mồ hôi và niềm tin của cha mẹ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.
Hành trang mang theo của Toản lên giảng đường là những giọt mồ hôi và niềm tin của cha mẹ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Mấy chị làm được, em cũng làm được

Nuôi 4 đứa con tuổi ăn học, trong đó 3 đứa trọ học xa nhà ngay từ những năm cấp 3, là gánh nặng mà mấy sào ruộng trên núi không thể lo đủ. Vì thế mà nhiều năm qua, vợ chồng ông Trợ không từ chối nghề gì miễn là kiếm đủ tiền lo cho các con.

Mấy năm trước, bà Tảo, vợ ông Trợ, ra Đà Nẵng trọ chung với con để gánh cá thuê ở cảng Thọ Quang. Mùa đông năm ngoái, bà Tảo không may trượt chân ngất xỉu phải vào viện rồi quay về nhà.

Thương mẹ, cô con gái Thu Trang bỏ học cả tuần để đi làm thêm. Biết chuyện, ông Trợ bắt xe hơn 80km ra tận Đà Nẵng để hỏi chuyện con.

Trang nói: “Mẹ con đau, nhà mất người làm, chị Hai còn năm nữa ra trường, hai em cũng đang tuổi ăn học, nên con muốn bảo lưu kết quả một năm để cùng ba làm việc nuôi cả nhà. Năm sau nhà mình đỡ hơn, con sẽ lại vô học”.

Nghe thế ông Trợ mắng con: “Người ta hoàn cảnh mất cha, mất mẹ mới phải đứt gánh đường học. Ba má còn đây, đừng đứa mô tính chuyện bỏ học. Thiếu thì ba vay mượn, bán heo bán bò. Ba má phấn đấu cả đời không thấy mệt là vì nghĩ rằng mấy đứa được ngồi sung sướng trên giảng đường. Nên con mà nghỉ học thì ba má càng buồn hơn”.

Nghe đến đây, hai cha con ôm nhau khóc. Trang nghe lời ba quay lại trường học.

Năm nay, Toản trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với 26 điểm. Ông Trợ bán con nghé hơn một năm tuổi, gom góp được hơn 6 triệu đồng cho con lên thành phố nhập học.

Gặp Toản trước ga tàu, em nói đây mới là lần đầu tiên vô Sài Gòn nhưng em không hề lo lắng. “Vô đó rồi em kiếm vài suất dạy thêm để trang trải tiền trọ học. Mấy chị làm được, em cũng làm được. Em chỉ lo ở nhà ba sức khỏe yếu mà cứ lam lũ vậy thì không kham nổi”, Toản nói.

Trong thư gởi đến chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, Toản bày tỏ: “Từ khi được nhà nước xây cho căn nhà trú mưa trú gió, ba con đã tự rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Do vậy mấy chị em không còn được miễn giảm học phí như trước nữa. Sức khỏe mẹ yếu, còn ba bệnh hở van tim nên con biết gánh nặng dồn về vai ba mẹ lại như nặng thêm bội phần... Tụi con hiểu được nỗi khổ của ba mẹ nên tự hứa với nhau không chơi game, không mê mua sắm, không uống bia rượu để lo tập trung học hành bù lại mồ hôi ba mẹ”.
TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp