03/02/2010 02:37 GMT+7

Ba lần gặp Bác Hồ

NGUYỄN SƠN (nguyên phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM)
NGUYỄN SƠN (nguyên phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM)

TT - Cách đây hơn nửa thế kỷ, lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Sau đó tôi còn được gặp Bác hai lần nữa.

Oi3YphHZ.jpgPhóng to

Tác giả Nguyễn Sơn (người thứ hai kể từ bên trái của Bác) lúc phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần 3 ở bộ phận trung tâm báo chí - Ảnh tác giả cung cấp

Lần đầu tiên là một buổi chiều giáp Tết Đinh Dậu (tháng 1-1957), đoàn viên thanh niên lao động các cơ quan trung ương, trong đó có tôi là bí thư chi đoàn cơ quan Ban tuyên huấn trung ương, được tập hợp đông đủ để đi chúc tết Bác.

Chúc tết Bác Hồ

Ngay tại sân sau Phủ Chủ tịch, kế bên vườn cây xanh rợp bóng mát, chúng tôi mừng vui hồ hởi, mắt chăm chú nhìn lên khung cửa lớn, mặt phía sau tòa dinh thự Phủ Chủ tịch.

“Bác Hồ muôn năm!”. Mọi người đồng loạt reo lên khi nhìn thấy Bác xuất hiện trong khung cửa, từ trên cao thoăn thoắt bước xuống các bậc thềm đá hoa.

Đồng chí phụ trách đoàn các cơ quan trung ương đọc lời chúc tết Bác. Nghe xong, Bác chỉ phát biểu khoảng ba phút. Bác dặn dò: “Các cháu ở gần trung ương, phải luôn luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, học tập, sinh hoạt Đoàn, đoàn kết nội bộ. Vui tết phải tiết kiệm”.

Bác hỏi tiếp: “Ở đây có cháu nào quê miền Nam không?”. Một bạn khác cùng tôi nhanh chân bước lên gần Bác. Bác hỏi tôi: “Cháu ra miền Bắc có nhớ miền Nam không?”.

- Kính thưa Bác, cháu rất nhớ bà con và quê hương miền Nam.

- Các cháu là tương lai của miền Nam. Càng nhớ miền Nam, các cháu càng phải ra sức công tác và học tập thật tốt để sau này về xây dựng quê hương.

Bác quay lại nói với mọi người: “Bác cảm ơn các cháu đã đến chúc tết Bác. Nhân dịp này Bác tặng các cháu một ít quà”. Đó là kẹo.

Trước khi bảo mang kẹo ra chia cho các cháu, Bác lấy hai gói kẹo trực tiếp trao tận tay hai chúng tôi. Gói kẹo Bác cho được tôi cất giữ như một vật quý trong nhiều năm, mãi đến khi kẹo sắp chảy nước tôi mới đem chia cho bạn bè và người thân.

Gọi là Bác hay đồng chí đều được

Lần thứ hai tôi được gặp Bác Hồ tại Hội nghị trưởng ban tuyên huấn toàn miền Bắc tháng 5-1957. Lúc đó, tôi là đoàn viên duy nhất, là cán bộ trẻ nhất của Vụ Thời sự chính sách (sau này được đổi thành Vụ Tuyên truyền) Ban tuyên huấn trung ương nên được dự thính hội nghị.

Đồng chí Tố Hữu, phó trưởng Ban tuyên huấn trung ương, cùng đi với Bác và giới thiệu Bác với hội nghị. Cả hội trường không ngờ Bác đến, đứng dậy vỗ tay kéo dài.

Bác mặc bộ đồ nâu quen thuộc, trông như một lão nông, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống và bắt đầu phát biểu. Bác nói đại ý: “Trong Đảng ta hiện nay có một vài đồng chí chịu ảnh hưởng của Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, đã đặt vấn đề phải chống tệ sùng bái cá nhân ngay trong Đảng ta. Các đồng chí đó yêu cầu phải gọi Bác là đồng chí Hồ Chí Minh chứ không gọi Bác Hồ, và Bác cũng không được gọi các cháu là các cô, các chú.

Về vấn đề này, Bộ Chính trị và Bác đã có nhận định là trong Đảng ta không có và không hề dung dưỡng tệ sùng bái cá nhân. Cách xưng hô giữa Bác và các cháu là xuất phát từ tình cảm trong sáng, ai muốn gọi Bác là đồng chí hay Bác Hồ thì tùy suy nghĩ và tấm lòng của mỗi người. Cách xưng hô như lâu nay không phải là do sùng bái cá nhân Bác. Về phía Bác thì Bác vẫn tiếp tục xưng hô với các cháu như từ xưa tới nay”.

Cả hội trường nhất loạt đứng dậy vỗ tay kéo dài, biểu thị sự nhất trí cao nhất với quan điểm và những lời nhắn nhủ thắm thiết tình cảm cách mạng cao quý của Bác.

Sau đó Bác đi vào nội dung chính của hội nghị là truyền đạt những quan điểm chỉ đạo của hội nghị Bộ Chính trị, kiểm điểm tình hình công tác sửa sai bước 1 trong cải cách ruộng đất và một số điểm mới bổ sung chính sách sửa sai.

Ân cần với mọi người

Lần thứ ba tôi được gặp Bác Hồ tại Đại hội Đảng lần 3 (tháng 9-1960). Lúc đó tôi là cán bộ Vụ Báo chí Ban tuyên huấn trung ương, được phân công phục vụ ở trung tâm báo chí đại hội.

Đại hội họp tại Trường Nguyễn Ái Quốc trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia). Toàn thể học viên của trường được nghỉ hè hoặc được hoãn tựu trường. Bác Hồ và toàn thể đại biểu đại hội ăn ở và làm việc tại các phòng, các tòa nhà lớn của trường.

Tôi được mang phù hiệu phục vụ đại hội nên thường xuyên có mặt tại hội trường, được nhìn thấy Bác đọc diễn văn khai mạc, diễn văn bế mạc đại hội và ngồi trên chủ tịch đoàn điều khiển đại hội.

Sau khi đại hội làm lễ bế mạc (ngày 10-9-1960), Bác đã xuống sân trước thềm tòa nhà hội trường chụp ảnh kỷ niệm chung với từng đoàn đại biểu các tỉnh, các ngành. Sau cùng Bác vẫn không quên dành thì giờ chụp ảnh với từng bộ phận phục vụ đại hội: báo chí, bảo vệ, văn thư, hậu cần. Các cán bộ của trung tâm báo chí đại hội, trong đó có tôi được vinh dự chụp ảnh kỷ niệm chung với Bác, bên cạnh các nhà báo trong và ngoài nước đưa tin và viết bài về đại hội. Tôi đã tranh thủ đứng sát bên Bác, bên tay trái của Bác là một nhà báo trong nước, rồi đến tôi.

Ba lần được gặp Bác Hồ và những lời dặn dò của Bác là những kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi, là nguồn sức mạnh diệu kỳ giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt hơn nửa thế kỷ phấn đấu, để luôn xứng đáng là người cán bộ của Đảng, của dân và xứng đáng là cháu Bác Hồ.

NGUYỄN SƠN (nguyên phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp