Những con rạch phía ngoài cống đập Ba Lai thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri thường xuyên cạn kiệt do bồi lắng nhanh - Ảnh: Ngọc Tài |
>> Kỳ 1:
Hơn mười năm trước, người ta đã xây cống đập Ba Lai chắn ngang dòng sông. Từ đấy cuộc sống của người dân bắt đầu thay đổi...
Đổi khác một vùng rừng ngập mặn
Những năm đầu thập niên 1970, hạ nguồn sông Ba Lai là ranh giới của hai huyện, hữu ngạn là huyện Bình Đại, tả ngạn là huyện Ba Tri. Tuy chỉ ngăn cách một con sông nhưng thổ nhưỡng lại hoàn toàn khác.
Phía bờ huyện Ba Tri là những cánh đồng trù phú, mênh mông một dãy. Người dân chủ yếu tận dụng nguồn nước biển làm muối. Phía bên kia sông thuộc huyện Bình Đại lại là những vạt rừng ngập mặn xanh ngắt.
Nhà báo Hàn Vĩnh Nguyên (Bến Tre) từng có hai năm “nằm vùng” tại rừng ngập mặn thuộc bốn xã Bình Đại, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức (huyện Bình Đại) kể trước đây vùng đất này trời ban tôm cá “nhiều như nước sông”.
Chỉ cần ra các con tắc (kênh rạch nhỏ) chờ nước rút lội xuống mò một chút là cá, cua đủ cho cả xóm ăn! “Có lần đi công tác với anh Thanh Liêm khi ấy là chánh văn phòng Huyện ủy Bình Đại, thấy nước cạn anh em rủ nhau giăng lưới.
Mới thả một tay lưới chừng hơn chục thước, quay lại gỡ cá mỏi tay vẫn chưa hết. Thế là cả cơ quan có một bữa cá đuối no nê” - ông Nguyên nhớ lại.
Bây giờ những vạt rừng trong ký ức của nhà báo Vĩnh Nguyên đã thành những vườn dừa, vuông tôm thẳng tắp. Cuộc khai khẩn bắt đầu mạnh mẽ từ sau khi đập Ba Lai hình thành (năm 2002).
Công trình nằm sừng sững, uy nghiêm hiện hữu đã hơn một thập niên qua chứng kiến bao đổi khác của mảnh đất cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
Dòng nước cuộn tròn phù sa hay những lượt ghe tàu chở sản phẩm nhà vườn tấp nập nối đuôi nhau vào ra cửa Ba Lai ngày nào giờ chỉ còn là ký ức của nhiều người dân sinh sống hai bên bờ sông này. Thay vào đó, sông Ba Lai giờ trôi yên ả, hiền hòa như chính con người nơi đây.
Ông Hà Văn Vĩ (Hai Vĩ, 82 tuổi), ngụ xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) chìa đôi bàn tay sần sùi và đôi bàn chân vàng ngoét cả 10 ngón, miên man kể về sự đổi khác của một vùng quê:
“Cảnh vật bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi. Hồi trước cây mắm mọc khắp nơi. Bước chân ra khỏi nhà là phải đùm cơm và muối hột theo để khi nào đói thì ăn chớ quay về coi như mất nửa buổi. Ngày đi khai hoang tối về dụm lửa nấu cơm, gian khó kể sao cho hết” - ông Hai Vĩ nhớ lại.
Rồi cũng như bao nông dân khác trong vùng, ông Hai Vĩ đào ao, lên liếp để sáu tháng mùa khô nước mặn theo cửa Ba Lai lấn sâu vô ông nuôi cua biển, thả tôm thiên nhiên.
Sáu tháng mùa mưa, nước ngọt từ thượng nguồn sông Ba Lai về nhiều, đẩy lùi nước mặn thì ông trồng bầu, bí, rau màu các loại. Chịu khó chuyển đổi thời vụ nuôi trồng theo tự nhiên gia đình ông cũng đủ ăn, đủ xài. Cho tới ngày con đập Ba Lai hình thành...
“Người dân chúng tôi thật sự được giải cơn khát ngọt! Từ sáu tháng mặn giờ chỉ còn 1-2 tháng (vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi nước mặn men theo kênh nhánh từ sông Hàm Luông thông qua), nên không còn phải nặng lo cảnh thiếu nước sinh hoạt. Việc trồng trọt có thể diễn ra liên tục, sướng bụng lắm” - ông Hai Vĩ khoe.
Chưa hết, nước ngọt về nhiều, vườn dừa của ông trở nên sung mãn đến lạ. Rồi như để chứng minh, ông Hai Vĩ dẫn chúng tôi ra sau vườn, gọi người cháu dùng móc “giật” mấy quả xuống đãi khách.
“Dừa khô lên giá, chủ vườn lên đời. Nhờ trúng mùa, trúng giá mà không ít gia đình đã có nhà cửa tươm tất, lo cho con cái học hành đàng hoàng” - ông Hai Vĩ khoe.
Cống đập Ba Lai - Ảnh: Ngọc Tài |
Cơn khát mặn - ngọt
Dù đập Ba Lai đã và đang mang lại lợi ích cho số đông người dân, nhưng nó cũng sinh ra một cơn “khát mặn” âm ỉ trong nhiều năm qua.
Dạo giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng theo chiều thẳng đứng, có khi năm sau cao gấp đôi năm trước, nhiều nông dân như “ngồi trên đống lửa”, chỉ muốn phá hết vườn tược, đào ao nuôi tôm.
Thực tế cho thấy chỉ một vài năm trước đây thôi, bất chấp “lệnh cấm” nuôi thủy hải sản nước mặn trong vùng ngọt hóa, người dân vẫn đào hàng ngàn ao với tổng diện tích hơn 1.000ha để nuôi tôm.
Đi liền theo đó, người ta cũng âm thầm khoan trái phép hàng ngàn cây nước để lấy nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng. Rồi cơ quan chức năng siết việc nuôi trồng theo quy hoạch.
Khắp các làng quê của ba huyện về Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm (Bến Tre), đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán, lo lắng vì thời hạn Nhà nước cấm nuôi tôm đang đến gần trong khi lợi nhuận từ con tôm vẫn như một giấc mơ đổi đời với nhiều nhà vườn.
Có người còn ví von rằng ba đời trồng dừa không bằng một vụ tôm trúng giá.
Thế rồi do phát triển “nóng” quá, không riêng gì người dân nuôi tôm ở Bến Tre đã phải nếm trái đắng vì giá tôm lên xuống thất thường, dịch bệnh phát sinh ngoài tầm kiểm soát.
Từ chỗ phất lên làm giàu như diều căng gió, nhiều chủ vuông thở dài thườn thượt: Nuôi tiếp không được mà lấp ao cũng chẳng xong, vì hễ dấn vô nuôi thì sợ lỗ, sợ phạt mà lấp ao thì không đủ tiền.
Việc chuyển đổi kinh tế từ mặn sang ngọt xem ra trở thành bài toán khó giải. Ông Lê Văn Em, đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre, tặc lưỡi chia sẻ:
“Giờ mười người nuôi chỉ có hai người lời, ba huề và năm người lỗ đứt đường. Hồi trước chính quyền các cấp ra sức cản ngăn nhưng người dân bất chấp, giờ họ mới hiểu”.
Chưa hết, do hiện tượng bồi lắng nhanh làm cản dòng chảy nên tình trạng thiếu nước ngọt đang có dấu hiệu tái phát, nhất là khu vực phía dưới đập Ba Lai. Hơn 20.000 đồng/m3 nước ngọt là số tiền mà hàng trăm hộ dân của xã Tân Xuân và Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) nhiều khi phải gồng gánh giờ tiếp diễn trở lại.
“Từng gáo nước ngọt đều được tính bằng tiền nên định kỳ mỗi tháng hai bận (giữa và cuối tháng), đập Ba Lai xả nước ngọt là người dân khát ngọt phía hạ nguồn vui như tết vì được tắm gội thoải mái” - ông Ba Độ, ngụ xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, cho biết.
Rồi ông Độ đưa chúng tôi ra sau nhà, chỉ vào một đoạn kênh gần đập Ba Lai, nói:
“Từ ngày đập Ba Lai hình thành, con kênh này cũng thường kiệt nước hơn vì tốc độ bồi lắng rất dữ. Nhớ lúc chưa có đập, chỉ cần lội ra chừng chục thước là nước lút đầu. Bây giờ cũng lút đầu nhưng không phải nước mà là sình nhão”.
Thời thế là vậy nhưng ông Ba Độ tỏ ra an nhiên: “Tùy cơ ứng biến thôi, đất bồi thì người ta nuôi sò. Ngó vậy mà tiền không đó...”.
Cống đập Ba Lai chắn ngang dòng sông Ba Lai, cách cửa biển khoảng 10km, được khởi công vào tháng 1-2000, hoàn thành tháng 4-2002. Đây là một trong chín hạng mục của dự án ngọt hóa vùng Bắc Bến Tre, với tổng kinh phí dự toán trên 1.200 tỉ đồng. Theo quy hoạch, dự án có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo khoảng 115.000ha đất tự nhiên, trong đó 88.500ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành và TP Bến Tre. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều hạng mục khác vẫn chưa hoàn thiện, có thời điểm nước mặn vẫn theo một số kênh nhánh thông với sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông đi vào sông Ba Lai, rồi ngược ra phía biển nên Ba Lai bị nhiễm mặn. |
__________
Kỳ tới: Đổi đời ở cửa Trần Đề
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận