"Chuyện bác Ba Phi" nơi cuối đất
Tờ mờ sáng, những chiếc vỏ lãi từ cánh rừng xé nước chui ra vàm sông Cửa Lớn, con sông vắt qua một phần bán đảo Cà Mau, nối biển Tây và Biển Đông. Trên ghe, những dáng người trùm kín áo cao su để chống lạnh, bên những chiếc can nhựa chứa ba khía. Chẳng ai nói với ai lời nào, họ chỉ mong nhanh đến vựa bán mớ ba khía để về nhà lo miếng cơm manh áo cho con...
Một đêm trắng trong rừng ngập, cái lạnh của sương gió len lỏi vào người Hai Mia (xã Đất Mới, huyện Năm Căn, Cà Mau). Mấy mươi năm sống bằng nghề bắt ba khía, với anh thì mùa ba khía hội chính là mùa Tết thứ hai.
Hằng năm, cứ vào tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, mùa nước rong, giống loài ba khía rời nơi trú ẩn để tìm bạn tình. Đêm rằm hoặc 30 tối trời, hải triều dâng cao cũng là những ngày bội thu của dân bắt ba khía. "Nếu như tôi kể chuyện của nhiều năm trước, nhiều người sẽ nói tôi kể chuyện... bác Ba Phi. Chứ thiệt tình, từ lúc tôi còn nhỏ cho đến bây giờ, đây là mùa ba khía hội có ít ba khía lên nhất.
Ngày xưa mình không cần đi xa vào rừng đâu. Tới mùa, chúng bò lên kín bờ sông, đầy sân, bò vô nhà. Nhiều chân đước ba khía bu kín nhiều đến mức không thấy đước đâu... Hồi đó, mình không hơi sức đâu mà bắt. Ghe lớn từ vùng trên xuống mua ba khía rồi muối về trển bán, họ mua cũng rẻ lắm.
Xem người dân đặt bẫy bắt ba khía ở Cà Mau
Nhưng mỗi mùa ba khía hội, nhà nào làm siêng bắt bán cũng kiếm được vàng lượng, vàng cây để dành, tới mùa dông gió thì bán ra mà ăn...", Hai Mia rổn rảng kể chuyện. Hồi trước anh đi bắt ba khía đến khi nào khẳm xuồng thì về, chứ không phải kiếm đỏ mắt như bây giờ.
Dân xứ rừng Năm Căn còn kể nhau chuyện ba khía từ rừng vào nhà ăn... ba khía. Số là tới mùa ba khía hội, chúng bò lềnh khênh vào nhà dân, bò lên bộ sạp ăn cơm. Chủ nhà đi làm về thấy ba khía sống trong mâm cơm đã giật mình, không lẽ ba khía muối nó... sống dậy?
Đó là câu chuyện kể cho vui, những hóm hỉnh của người dân ở vùng đất cuối trời Tổ quốc để thấy rằng có thời ba khía nhiều và dạn đến mức không... đếm xỉa gì tới con người. Hai Mia nói: "Bởi vậy, những người không phải dân xứ này, nghe kể chuyện cứ nói tụi tui nói dóc...".
Năm nay đã 88 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Thị Lan (ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) vẫn nhớ như in cái thời ba khía lềnh khênh, bò tràn ra đường mỗi mùa hội ba khía. Cụ bà cho biết từ đời ông cha ngày xưa đã gắn bó với nghề bắt ba khía trong rừng khuya. Thời trẻ, chồng đi làm xa nhà, một mình cụ Lan gánh gồng nuôi chín người con nhờ bắt ba khía, bắt ốc, bẻ nấm... đem bán.
Theo cụ, cứ tới con nước rằm là ba khía gạch son nhiều dữ thần. "Hồi đó đi bắt bằng bao tay, đem về muối ăn rồi bán, có bữa bắt cả trăm ký. Ba khía hội hồi đó là dịp rằm, nó bò ra đen hết trơn, rồi ngày 30 âm lịch cũng vậy. Tui bắt bán cho ghe, có ghe lại mua là bắt bán hoặc đem muối ba khía. Lội vô rừng bắt, bị trầy xước hoài", cụ Lan nhớ lại.
Cụ tâm sự ba khía Rạch Gốc có tiếng là vì con ba khía xứ này chắc thịt, còn mấy nơi khác hay bị ốp. Đối với cách muối của người xưa, cụ cho biết cứ 3kg ba khía sẽ dùng 1kg muối.
"Rửa sạch con ba khía, bỏ vô nước muối cho nó uống rồi vớt ra cho ráo, xếp vô khạp, lắng nước muối cho trong rồi đổ vô. Ghe người ta vô mua sống thì muối một ghe vậy rồi chở đi, nhà giờ hết bắt bán rồi, bắt ít muối ăn thôi", cụ kể thêm mấy người con trai mình cũng từng bắt ba khía làm kế sinh nhai.
Mùa ba khía... buồn
"Ở Cà Mau không chỉ có hội ba khía đâu, hồi trước có hội cá đường. Tới mùa, cá đường nổi lên mặt nước để ăn trái mắm. Chúng nổi trắng sông, dân ở đây bắt bán không hết. Người ta hủy hoại đến mức bắt cá đường chỉ lấy mỗi bong bóng (bao tử cá) bán. Còn thịt cá thì bỏ. Xác cá nổi đầy sông.
Lúc đó, đâu ai nghĩ rằng làm ăn kiểu đó thì đến một ngày không còn cá đường nữa. Mà thiệt, con cá đường nhiều vô số kể trên sông Cửa Lớn ngày trước, nay đâu còn nữa. Hội cá đường cũng vắng lâu rồi. Đến hội cá kèo, mùa tôm tống... cũng không còn như xưa.
Giờ còn mỗi hội ba khía vùng rừng Cà Mau này. Nhưng năm nay bắt đầu thấy dấu hiệu không vui rồi", anh Huỳnh Hoàng Hôn (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Cà Mau) nói thêm chỉ cần để chừa ít hôm không bắt ba khía cái khi chúng nhả trứng thì vài năm, "chuyện bác Ba Phi" về hội ba khía có thể phục hồi.
"Hồi xưa mình bắt gần nhà, bắt trong vuông tôm, chỉ lo ba khía nhiều quá, không có xuồng ghe mà chở. Còn bây giờ vào rừng cũng phải chia từng khu vực để không đụng nhau, đi sớm giành chỗ. Có nơi đèn soi ba khía đỏ rừng hết", bà Đồng Thị Hoàn (62 tuổi, nhà ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho chúng tôi xem mớ ba khía mà vợ chồng bà xuyên đêm bắt được.
"Năm rồi ba khía cũng còn nhiều. Không hiểu có chuyện gì mà năm nay ba khía vắng luôn", ông Trần Quốc Toản (64 tuổi), chồng bà Hoàn, nói ở xóm ông nhiều người đi làm nghề khác, tới mùa ba khía hội thì lại về đi bắt ba khía. Nhưng năm nay chỉ được một, hai hôm thì người ta lại bỏ đi.
Ven thị trấn Rạch Gốc, có những xóm dân mà phần lớn là những người từ nơi khác đến, họ sống với nghề vào rừng bắt ba khía. Đến mùa ba khía hội, cứ chờ ở một vựa ba khía, không gặp dân ở xóm Ốc Len, Đường Kéo thì cũng là dân ở Đường Đào, Dinh Hạn...
"Ít là so với ngày xưa thôi. Chứ tới mùa ba khía hội thì một gia đình chịu khó, làm siêng một chút thì mỗi đêm cũng kiếm được vài triệu đồng...", chị Hồng Đạm, chủ vựa ba khía lớn ở Rạch Gốc, nói.
Dù vậy, ba khía thiên nhiên ngày càng ít cũng là một nỗi lo. Ở Cà Mau, nhiều sản vật rừng đã nuôi được. Chưa kể đến tôm, cua, giờ cả ốc len, vọp, cá kèo, hàu... đều đã được nuôi trong môi trường thiên nhiên.
"Tôi nghe đâu tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các chuyên gia ở Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu tạo giống nuôi con ba khía, không biết họ đã làm thành công hay chưa", chị Đạm chia sẻ và hy vọng dự án nuôi ba khía sẽ sớm thành công để kịp thời "giải cứu" ba khía trước nguy cơ cạn kiệt dần.
Nói về những ngày hội ba khía, một lãnh đạo của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tâm sự ông đã bắt đầu nghĩ tới câu chuyện bảo tồn sinh vật dưới tán rừng. Không chỉ ba khía mà còn ốc len, thòi lòi, vọp, cá bống sao... "Để cho thế hệ sau biết một thời thiên nhiên giàu có, hấp dẫn thế nào", vị này chia sẻ.
Ba khía từng mang tiếng oan
Anh Châu Ngọc Sang, chủ vựa ba khía Châu Sang, cho biết ba khía muối tầm 4 - 5 ngày ăn là ngon, quá 10 ngày sẽ mất thịt dần. "Làm nghề muối ba khía, người ta khác nhau là liều lượng và nguồn muối. Có người làm chưa đúng, hoặc ba khía muối gặp phải nước mưa là có mùi khai.
Vì vậy mà có thời người ta kháo bậy bạ nhau bí quyết làm ba khía ngon của dân Rạch Gốc là cho phụ nữ còn trinh... tiểu vào khạp muối ba khía", anh Sang cho hay lời đồn bậy này sau đó đã bị bác bỏ vì không đúng sự thật, gây tiếng oan cho con ba khía.
-----------------
Kỳ tới: Ba khía đi máy bay
Tay ngang kinh doanh, gia đình không ai tin tưởng bởi "cho ăn học đàng hoàng mà về bán ba khía", sau sáu năm vợ chồng này đã đưa thương hiệu ba khía của mình đạt chuẩn OCOP đầu tiên và duy nhất đến nay tại Cà Mau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận