HĐXX công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử - Video: TUYẾT MAI
Hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã dành thời gian buổi sáng ngày 8-5 để thẩm vấn lý lịch 27 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín.
Tuy được triệu tập hợp lệ nhưng bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, vẫn vắng mặt.
Luật sư đề nghị tạm đình chỉ vụ án đối với bà Phấn
Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ - luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn - cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng và Viện KSND Tối cao chưa xem xét khiếu nại của luật sư và các bị cáo.
Theo luật sư Thơ, nhiều luật sư khác đã làm đơn xin HĐXX hoãn phiên tòa để thu thập chứng cứ và trong quá trình điều tra các luật sư đã nhiều lần làm đơn xin tạm đình chỉ vụ án đối với bà Hứa Thị Phấn vì bà này bị tổn thương sức khỏe 93% nhưng không nhận được phản hồi.
27 bị cáo tại tòa sáng 8-5 - Ảnh: TUYẾT MAI
Luật sư Lưu Văn Tám cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, có dấu hiệu vắng mặt vì lý do bất khả kháng, ngoài bản giám định pháp y cách đây 1 năm từ giai đoạn điều tra thì không có giám định mới, việc đưa bị cáo ra xét xử không đảm bảo quyền lợi của bị cáo.
Luật sư Tám cho rằng theo luật phải tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ giám định tư pháp xác định bị cáo mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có căn cứ về giám định tư pháp bị cáo Phấn có bị bệnh hiểm nghèo hay không, cần có ý kiến của bị cáo về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Luật sư Tám đề nghị HĐXX tạm đình chỉ để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Phấn và đảm bảo quy định pháp luật.
Ngoài ra một số luật sư còn đề nghị tòa triệu tập thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Vắng bà Phấn không ảnh hưởng đến xét xử
Hội đồng xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm - Ảnh: TUYẾT MAI
Trả lời về việc giải quyết khiếu nại trong quá trình điều tra, Viện KSND TP.HCM cho rằng Viện KSND Tối cao đã tiếp nhận thông tin và Viện KSND Tối cao đã thể hiện quan điểm của mình thông qua bản cáo trạng.
Trả lời đề nghị của luật sư về giám định sức khỏe bị cáo, HĐXX cho rằng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định pháp y đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và đã có kết quả giám định sức khỏe của trung tâm giám định pháp y. Vì vậy luật sư bào chữa cho bị cáo yêu cầu giám định lại tình trạng sức khỏe của bị cáo là không có căn cứ.
Về việc xin hoãn phiên tòa vì bị cáo Phấn không có mặt, HĐXX cho rằng quyết định đưa vụ án ra xét xử đã tống đạt cho bị cáo tại bệnh viện nơi bị cáo điều trị. Cũng tại buổi làm việc này, bác sĩ điều trị cho bị cáo Hứa Thị Phấn xác nhận với HĐXX bị cáo trong trạng thái tỉnh táo song đôi khi mới tiếp xúc được.
Theo HĐXX bị cáo Phấn có bệnh béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… Do tình trạng sức khỏe của bị cáo nên HĐXX không thực hiện áp giải bị cáo đến phiên tòa, nhưng xét thấy việc vắng mặt không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án.
HĐXX không căn cứ vào việc vắng mặt hay có mặt của bị cáo, không căn cứ vào lời khai của bị cáo khác để xét xử bị cáo mà căn cứ vào tất cả các chứng cứ sẽ được thẩm tra,tranh luận công khai tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, tại phiên tòa này bị cáo Hứa Thị Phấn có 5 luật sư bào chữa cho mình, việc vắng mặt bị cáo không ảnh hưởng tới việc xét xử vụ án, quyền lợi của bị cáo không bị ảnh hưởng. Do đó việc giám định lại sức khỏe cũng như xin hoãn phiên tòa trong trường hợp này không được HĐXX chấp nhận.
Ngoài ra HĐXX còn cho biết bị cáo Hứa Thị Phấn sau khi làm việc với cơ quan điều tra, khi chưa bị khởi tố có luật sư của mình tham gia cùng, đã khai rất rõ ràng. Tuy nhiên sau đó bị cáo phải nhập việc để điều trị, trong thời gian này bị cáo có 1 lời khai nhưng không trình bày cụ thể mà nói rằng sẽ trình bày tại CQĐT sau.
Sau 3 tháng, chính bị cáo Hứa Thị Phấn có đơn tố cáo đề nghị đổi điều tra viên với lý do làm việc với điều tra viên này rất áp lực, ngoài ra không có lý do nào khác. Cho nên không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Sau đó, chính bị cáo ký đơn tố cáo, kháng cáo các bản án, quyết định của cơ quan tòa án áp dụng đối với bị cáo. Vì vậy HĐXX không chấp nhận yêu cầu của luật sư bào chữa cho Hứa Thị Phấn.
Tòa cho vắng mặt, bị cáo từ chối rồi ôm con đến
Ngoài ra một số luật sư khác đề nghị triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước và bà Đặng Thị Như Lý với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng HĐXX cho rằng trong quá trình thẩm vấn sẽ triệu tập nếu thấy cần thiết.
Về việc một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan xin vắng mặt, HĐXX xét thấy họ đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.
Về sức khỏe của bị cáo Bùi Thị Kim Loan, HĐXX chia sẻ về tình hình sức khỏe của bị cáo nên HĐXX đã cử thẩm phán và thư ký phiên tòa trực tiếp đến nhà gặp bị cáo Loan, có mặt luật sư của bị cáo.
Nội dung cuộc tiếp xúc này thể hiện: Vì tình trạng sức khỏe sinh sản của bị cáo HĐXX có thể cho bị cáo xin xử vắng mặt nhưng bị cáo không đồng ý. Trong những ngày không liên quan đến hành vi của bị cáo HĐXX có thể cho bị cáo vắng mặt nhưng bị cáo cũng không đồng ý.
HĐXX cho rằng lý do sinh sản không phải là lý do để hoãn phiên tòa. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX đã yêu cầu có bác sĩ sản nhi tại phiên tòa để đảm bảo sức khỏe của bị cáo và con bị cáo.
HĐXX cho bị cáo vắng mặt những phần không liên quan đến bị cáo còn nếu bị cáo không đồng ý thì HĐXX đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục để đảm bảo sức khỏe của bị cáo khi tham dự phiên tòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận