07/04/2024 09:25 GMT+7

Ba gói thầu vành đai 3 TP.HCM nguy cơ chậm 11 tháng, nhà thầu Định An đề xuất gì?

ĐỨC PHÚ
và 1 tác giả khác

Theo nhà thầu, không thay đổi giải pháp xử lý nền, hạng mục cầu cạn vành đai 3 qua Thủ Đức có thể phải tới tháng 9-2026 mới xong.

Công trường vành đai 3 (thuộc gói thầu XL3, qua TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công trường vành đai 3 (thuộc gói thầu XL3, qua TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hạng mục cầu cạn gói thầu vành đai 3 có thể trễ 11 tháng

Liên danh nhà thầu của 3 gói thầu thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn TP Thủ Đức vừa kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư dự án thành phần 1) về giải pháp xử lý nền đất yếu ở một số vị trí.

Theo các nhà thầu, dự kiến công tác xử lý nền cần 14 tháng. Vì vậy dự kiến hạng mục cầu cạn phải tới tháng 9-2026 mới hoàn thành.

Trong khi theo hợp đồng, hạng mục cầu cạn phải xong trong tháng 10-2025 để thông xe phần cao tốc trong năm 2025.

Cụ thể gói thầu XL3 có giá trị 2.068 tỉ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.018 ngày. Gói thầu do Công ty TNHH tập đoàn Định An - Công ty cổ phần xây dựng cầu 75 - Công ty cổ phần tổng công ty cơ khí xây dựng Thăng Long - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thái Yên - Công ty cổ phần Phúc Thành An thực hiện. Gói thầu khởi công vào tháng 7-2023 và đến đầu tháng 4-2024, sản lượng đạt hơn 15,9%.

Theo Công ty Định An (đại diện liên danh XL03), đoạn Km18+141 đến Km18+419 thuộc tuyến song hành phải và song hành trái được xử lý nền đất yếu với giải pháp bấc thấm (PVD) kết hợp đắp gia tải. Tổng thời gian thi công xử lý nền đất yếu 14 tháng.

Theo quy trình, phạm vi tiếp giáp giữa PVD và trụ cầu cạn cao tốc sẽ thi công xử lý nền trước, sau đó mới tiến hành thi công phần móng trụ cầu cạn.

Do vậy các trụ của cầu cạn từ T109 đến T115 chỉ được thi công sớm nhất từ tháng 8-2025 sau khi nền đất yếu được xử lý xong.

Với tiến độ này, dự kiến đến tháng 9-2026, hạng mục cầu cạn mới có thể thi công hoàn thành. Bên cạnh đó, hiện tại việc cung cấp cát cho gói thầu gặp khó khăn, khó đáp ứng được tiến độ đề ra của dự án.

Vì vậy liên danh đề xuất thay đổi giải pháp xử lý nền đất yếu từ bấc thấm kết hợp đắp gia tải tại các lý trình như trên bằng giải pháp thi công cọc xi măng đất (CDM). Nếu triển khai theo phương án này có thể đồng thời thi công cọc khoan nhồi từ trụ T109 đến T115, đảm bảo kế hoạch đến tháng 10-2025 hoàn thành hạng mục cầu cạn và cơ bản hoàn thành đường cao tốc năm 2025.

Đổi giải pháp, đơn giá sẽ tăng?

Còn gói thầu XL2 có giá trị hợp đồng 1.727 tỉ đồng do liên danh Tập đoàn Định An - Trung Chính - Khang Nguyên - Hà Đô 1 thực hiện.

Gói thầu khởi công từ tháng 1-2024, khối lượng đạt hơn 1,25%. Cũng với lý do thiếu cát và thời gian xử lý nền 14 tháng nên dự kiến đến tháng 9-2026 mới có thể thi công hoàn thành cầu cạn.

Trong khi đó gói thầu XL1 có giá hợp đồng 2.213,5 tỉ đồng, dự kiến cũng chậm tiến độ. Gói này do liên danh Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần xây dựng cầu 75 - Công ty TNHH tập đoàn Định An - Công ty cổ phần Hà Đô 1 triển khai.

Gói thầu XL1 có hợp đồng 1.018 ngày, bắt đầu khởi công từ tháng 1-2024, hiện đã đạt khối lượng 0,42%.

Để đảm bảo tiến độ, Định An thay mặt liên danh cũng đề xuất giải pháp xử lý nền bằng cọc xi măng đất ở một số vị trí.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia giao thông cho hay cọc xi măng (CDM) đất là cọc gia cố nền đất tại nơi xây dựng.

Xi măng được phun xuống dưới nền đất bởi thiết bị khoan phun. Mũi khoan được khoan xuống làm đất tơi ra cho đến khi đạt độ sâu lớp đất cần gia cố thì quay ngược lại. Trong quá trình chuyển dịch lên, xi măng sẽ được phun vào nền đất.

Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nền đất yếu nhanh. Tuy nhiên, đơn giá xử lý nền bằng cọc xi măng đất hiện nay đắt hơn giải pháp xử lý nền bằng bấc thấm từ 2-3 lần.

Lập tổ công tác giải quyết nguồn cát cho vành đai 3

Việc thiếu cát của dự án vành đai 3 TP.HCM hiện nay rất cấp bách. Ngay ở đoạn khu vực cầu cạn sử dụng ít cát san lấp hơn đã khó thì ở các gói thầu làm đường bằng đoạn qua huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn lại càng khó hơn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc nguồn cát cho dự án vành đai 3 và các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đường vành đai 3 TP.HCM: Thiếu cát, nguy cơ chậm tiến độĐường vành đai 3 TP.HCM: Thiếu cát, nguy cơ chậm tiến độ

Do thiếu cát nên một số gói thầu tuyến đường vành đai 3 TP.HCM phải nằm chờ. Mặt bằng dọn dẹp nhiều lần nhưng chưa thể thi công, đường công vụ không có nên máy móc, thiết bị khó tiếp cận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp