23/09/2022 10:24 GMT+7

Ba giáo sư Việt nghiên cứu lượng tử tại Mỹ

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Nhóm ba giáo sư Nguyễn Ngọc Tú, Đinh Ngọc Thắng, Vũ Văn Tuyên nhận giải thưởng hơn 600.000 USD từ Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ lượng tử vào vận hành hệ thống lưới điện thông minh ở Mỹ.

Ba giáo sư Việt nghiên cứu lượng tử tại Mỹ - Ảnh 1.

Từ trái qua: GS Vũ Văn Tuyên, GS Nguyễn Ngọc Tú, GS Đinh Ngọc Thắng - Ảnh: NVCC

Đây là cái bắt tay của ba nhà khoa học người Việt hiện đang công tác ở các đơn vị khác nhau tại đất nước xứ cờ hoa, cũng là hành trình tiếp nối từ việc hợp tác phát triển hệ thống mạng 5G, lưới điện thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) từ trước đó.

Những bước đi đầu tiên

GS Nguyễn Ngọc Tú (ĐH Kennesaw State) - trưởng nhóm dự án - cho biết các nhà khoa học người Việt nhận thấy hiện đại hóa lưới điện ở Mỹ phát sinh vấn đề quản lý để tránh thất thoát, gian lận điện năng, tiết kiệm nhân lực và chi phí. 

Do vậy, nhóm bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng của công nghệ lượng tử để tăng tốc độ tính toán, từ đó máy tính phải giải được vô số bài toán cùng một thời điểm.

Với kết quả ban đầu, nhóm nghiên cứu đã đăng ký nhận tài trợ của NSF. Các giải thưởng từ NSF luôn có yêu cầu, tiêu chuẩn rất khắt khe do cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu mạnh khác đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Stanford, Học viện Kỹ thuật California (Caltech).

Theo GS Vũ Văn Tuyên (ĐH Clarkson), các nhà khoa học cùng nhiều sinh viên trong các phòng thí nghiệm mất nhiều tháng trời chạy lọc kết quả mô phỏng, thực nghiệm, lên kịch bản phản biện đề tài trước hội đồng chuyên gia độc lập, thậm chí là đổi hoàn toàn hướng tiếp cận. 

"Chúng tôi phải trao đổi rất nhiều để khớp nối ba khối kiến thức riêng biệt từ ba nhóm nghiên cứu. Nhiều hôm họp tới đêm muộn, có khi là cả cuối tuần để hoàn thiện đề cương dự án" - GS Tú chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, tháng 8 vừa qua, dự án nghiên cứu về ứng dụng tính toán lượng tử và mạng lượng tử vào hệ thống lưới điện thông minh được NSF trao giải thưởng trong chương trình hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ trong năm 2022. Dự kiến dự án cần ba năm (2023 - 2026) để thực hiện.

Sự kết hợp hài hòa, tính chuyên nghiệp của các thành viên giữ vai trò rất quan trọng để có thể triển khai và tạo nên kết quả dự án này.

GS NGUYỄN NGỌC TÚ

Cơ hội "cất cánh" cho trí tuệ Việt

Theo GS Đinh Ngọc Thắng (ĐH Virginia Commonwealth), nhiều quốc gia châu Âu và Trung Quốc đã và đang đầu tư rất nhiều cho công nghệ lượng tử. Không chỉ Chính phủ Mỹ, các "ông lớn" công nghệ trên thế giới và chính phủ nhiều nước đang chi hàng tỉ USD cho nghiên cứu công nghệ lượng tử nhằm nâng cao năng lực của nhà máy điện, trung tâm năng lượng.

Công nghệ lượng tử cũng có nhiều tiềm năng áp dụng trong an ninh tài chính, chứng khoán, rút ngắn thời gian tạo ra vắc xin hay dược phẩm mới, tăng hiệu suất của các nguồn năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả dự đoán biến đổi khí hậu... 

"Cuộc đua công nghệ lượng tử đang rất nóng. Đây là thời điểm lý tưởng để chúng ta tham gia và làm chủ nó", ông Thắng nói.

Ông Tú bình luận chính thế hệ khoa học trẻ Việt Nam phải tham gia "cuộc đua" nghiên cứu công nghệ lượng tử ngay từ bây giờ. Tuy vậy, các bạn phải có nền tảng vững chắc về toán, vật lý, đặc biệt là khoa học máy tính. 

"Chăm chỉ, nhiệt huyết thôi chưa đủ, cần trau dồi kỹ năng mềm và ngoại ngữ để tránh câu chuyện nhiều bạn trẻ có điểm trung bình ở đại học rất cao nhưng vì hạn chế ngoại ngữ nên lỡ cơ hội làm việc ở nước ngoài", ông Tú cho hay.

Ngoài ra, việc phát triển ứng dụng của công nghệ lượng tử là xu hướng tất yếu mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành một trung tâm phát triển công nghệ blockchain trong khu vực và trên thế giới với những "kỳ lân công nghệ".

Tại Mỹ, các giáo sư đã và đang tiếp nhận sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển bảo mật, tối ưu tính toán lượng tử, blockchain và mạng xã hội, năng lượng xanh với chi phí thấp phục vụ xã hội. 

Sắp tới, họ dự kiến hợp tác với Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) để chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn về lượng tử, điện thông minh cùng các bạn trẻ.

Chân dung nhà khoa học

* GS Nguyễn Ngọc Tú - khoa khoa học máy tính, ĐH Kennesaw State, trưởng phòng thí nghiệm NextCNS Lab - chuyên nghiên cứu và phát triển các thuật toán, công cụ tính toán ứng dụng cho hệ thống mạng, hệ thống tính toán và mạng lượng tử, an toàn an ninh mạng.

Nhóm nghiên cứu của ông đã công bố hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học tại các hội thảo quốc tế và những tạp chí hàng đầu. Cá nhân GS Tú nhận nhiều giải thưởng và chủ trì nhiều đề tài được tài trợ bởi NSF, Bộ Năng lượng Mỹ.

* GS Đinh Ngọc Thắng - khoa khoa học máy tính, ĐH Virginia Commonwealth, trưởng phòng thí nghiệm SPECS - nghiên cứu các thách thức về bảo mật và tối ưu tính toán lượng tử, blockchain và mạng xã hội.

Nghiên cứu của phòng thí nghiệm được tài trợ bởi NSF, Bộ Năng lượng Mỹ cùng một số công ty. Nhóm của ông đã xuất bản hơn 100 bài báo trong các hội nghị chuyên ngành và năm bài trong số đó đoạt giải xuất sắc nhất.

* GS Vũ Văn Tuyên - khoa kỹ thuật điện và máy tính, ĐH Clarkson - tập trung phát triển hệ thống điện thông minh, đảm bảo cung cấp năng lượng xanh, tin cậy, an toàn với chi phí phải chăng cho các cơ sở hạ tầng trọng điểm và dân sinh. GS Tuyên là chủ trì và đồng chủ trì nhiều dự án lớn được tài trợ bởi NSF, Bộ Năng lượng Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ.

Giáo sư gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ nhờ đóng góp lớn lao trong phòng dịch Giáo sư gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ nhờ đóng góp lớn lao trong phòng dịch

TTO - Giáo sư gốc Việt Jonathan Van Tam, phó giám đốc y tế vùng England, vừa được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp trong công tác chống dịch COVID-19 tại Anh.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp