02/05/2019 19:02 GMT+7

'Ba đưa cấp cứu, tôi hối hận với những lần ngắt ngang điện thoại'

Bạn đọc TRÚC TRẦN
Bạn đọc TRÚC TRẦN

TTO - Ba tôi bị suy tim, chỉ số phân suất tống máu chỉ còn 24%, có nguy cơ tử vong. Cảm giác rõ rệt khi tôi biết ba phải nhập viện, mẹ gọi điện và khóc vì bối rối, là hối hận.

Ba đưa cấp cứu, tôi hối hận với những lần ngắt ngang điện thoại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: NBC

Sự não nề, chật chội của nơi bước ra, hoặc sống, hoặc lên trời cho tôi rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về ý nghĩa của một đời người.

23h30, tôi về đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ngoài tờ 500.000 đồng rút vội ở sân bay, tôi không còn xu lẻ nào. Tôi ngại ngùng xin phép chú taxi vài phút, chờ mẹ tôi mang tiền xuống. Chú cười hiền bảo: "Đêm rồi, thong thả, giờ này chú cũng ít có khách". 

Ba tôi bị suy tim, chỉ số phân suất tống máu chỉ còn 24%, có nguy cơ tử vong. Cảm giác rõ rệt khi tôi biết ba phải nhập viện, mẹ gọi điện và khóc vì bối rối, là hối hận. Hối hận vì thời gian qua xa gia đình quá lâu. Hối hận vì chưa kịp làm được gì cho ba. Và hối hận vì những lần ngắt ngang điện thoại do bận họp, bận tiếp phụ huynh, bận chạy deadline, bận đến mức quên cả lời hứa gọi lại cho ba sau khi tan làm. 

Khi nhìn người thân tiến gần ranh giới giữa sự sống và cái chết, chúng ta mới nhận ra gia đình là điều quý giá và quan trọng nhất cuộc đời mà không gì xứng đáng đánh đổi.

Thanh toán cho chú taxi xong, tôi cùng mẹ vào khu vực thang máy để lên tầng 7, khoa tim mạch, phòng hồi sức tích cực. 

Tôi và mẹ len lỏi bước qua chân và đồ đạc của những người thăm bệnh để tiến đến phòng hồi sức cấp cứu. Mẹ hướng dẫn tôi mang bao chân nilông và mặc áo vàng thân nhân, đeo thẻ, khoác thêm áo blouse trắng mới được vào thăm ba. 

Phòng có khoảng 10 giường bệnh, âm thanh máy móc lọc cọc, máy điện tâm đồ tít tít liên hồi. Ba tôi nằm trên giường bệnh với ngổn ngang ống thở, ống truyền dẫn, tiều tụy và gầy guộc. Ba đang ngủ. Nhìn ông thở khó nhọc, tôi nước mắt lưng tròng. 

Cả đêm thức trắng canh cho mẹ ngủ, tôi chứng kiến mọi người xung quanh giúp đỡ nhau dù chẳng phải họ hàng thân thích. 

Mỗi khi có giường bệnh di chuyển, chú tóc muối tiêu dù đang gà gật vẫn dậy nhắc nhở từng người thu chân, gom gọn tư trang nhường đường đi. Khi người này phải xuống lầu mua thêm đồ hoặc đi vệ sinh thì nhờ người bên cạnh trông coi hành lý hộ. Vài cô ngồi kể câu chuyện của mình và cùng chia sẻ thức ăn. 

Một cụ bà đông con nhưng chỉ có một đứa cháu trẻ tuổi chăm nom, những người bên cạnh thay phiên giúp cụ lên xuống giường bệnh và đút ăn. Người này cho miếng bánh mì, người kia cho chai nước.

Sau 4 ngày nằm viện, ba tôi được bác sĩ chỉ định chuyển sang bệnh viện Bưu Điện. Ngồi bên trong xe cứu thương cùng 2 gia đình khác, tổng cộng 10 người và hành lý nhồi nhét, nghe tiếng còi réo rít ở cự li gần mà nhũn cả ruột gan. 

Mỗi đoạn đường ổ gà, xe giật, người mẹ vừa mới mổ tim nên còn rất yếu, cứ xuýt xoa bấu lấy bàn tay gân guốc của anh con trai. 

Bệnh viện Bưu Điện là cơ sở giảm tải cho bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng chỉ sau 1 hôm nằm viện, tôi cùng ba mẹ xin chuyển về bệnh viện tỉnh, có bác sĩ quen chăm sóc chu đáo hơn.

Giai đoạn nguy hiểm nhất của ba tôi đã qua. Những ngày ở bệnh viện Chợ Rẫy để lại ký ức đậm nét nhất trong cuộc đời trưởng thành của tôi, một nơi mà ai phải bước vào một lần chắc chắn không bao giờ muốn trở lại, dù nằm hay thăm. 

Sự não nề, chật chội của nơi "bước ra, hoặc sống, hoặc lên trời" cho tôi rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về ý nghĩa của một đời người. 

Phải trả giá bằng bao nhiêu sai lầm và bao nhiêu năm cuộc đời để con người nhận ra mặt đất này là chốn tạm bợ, nằm xuống rồi ai cũng như ai? 

Phải một lần rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, con người mới nhận ra sức khỏe là điều quan trọng nhất cần phải giữ gìn và gia đình là ngôi nhà chúng ta cần toàn tâm chăm sóc. Đừng sống quá vội, mà hãy sống thật sâu!

Nhìn các cô chú ở giường bệnh quanh ba, tôi thấy cuộc sống thật vô thường. Suốt những năm tháng tuổi trẻ cuốn theo bộn bề công việc mà đôi khi vô tình làm tổn thương, làm buồn lòng người thân xung quanh mình, rồi bỗng dưng một ngày sức khỏe đột ngột yếu kém, mọi tranh đấu đã qua và tài sản đã tích cóp cũng không đổi lấy được số mệnh.

Mời bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online Chuyện cảm động của mỗi người tại địa chỉ [email protected]. Bạn đã có những khoảnh khắc, câu chuyện cảm động nào khiến bạn thêm yêu cuộc sống? Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Em thấy sao rồi? Câu hỏi làm tôi nức nở

TTO - Tôi từng cảm thấy mình cô đơn giữa thành phố đông đúc. Phải gọi đó là cảm giác cô độc mới đúng, có bạn bè trên Facebook, Zalo, điện thoại nhưng chẳng dám gọi ai.

Bạn đọc TRÚC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp