TS ĐẶNG HOÀNG GIANG, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - Ảnh: NVCC |
Lấy việc suy tàn và diệt vong của các vương triều phong kiến ra làm gương, trong vừa rồi, nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang điểm ra những thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt: hiện tượng tư bản thân hữu, tham nhũng tràn lan, người dân chịu gánh nặng thuế và nợ công vào loại cao nhất khu vực, bộ máy quản lý nhà nước bị chi phối bởi các quan hệ hậu duệ và tiền tệ.
Là người hiểu rõ hơn ai hết về hệ thống quyền lực của đất nước, đánh giá của ông Trương Tấn Sang rằng những thách thức này là chưa từng có trong lịch sử hơn 70 năm của Nhà nước, cho chúng ta thấy tính nghiêm trọng của hoàn cảnh.
Để vượt qua những thách thức này, ngoài việc kêu gọi đảng viên “vượt qua cám dỗ”, “bài trừ cái sai” và “tự nguyện trao lại mái chèo” nếu không đảm đương được công việc để lấy lại niềm tin của người dân, tức là những kêu gọi hướng tới đạo đức, chúng ta nhất thiết cần thêm những giải pháp kỹ thuật cụ thể để tạo ra những thể chế khỏe mạnh hơn, thích hợp hơn cho một đất nước hiện đại. Tôi xin phép được đưa ra ba đề xuất:
- Đảng và Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức xã hội như một chân kiềng thứ ba, bên cạnh khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.
Các tổ chức này đóng vai trò phản biện chính sách, đại diện những nhóm người dễ bị tổn thương và phục vụ an sinh ở những nơi bàn tay Nhà nước không với tới. Việc cho ra đời một luật về hội thông thoáng và hỗ trợ tối đa các tổ chức của người dân là bước đầu tiên trong lĩnh vực này.
- Công cuộc chống tham nhũng cần được đẩy thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Cụ thể là báo chí được tự do và được bảo vệ thích đáng trong công tác điều tra tham nhũng. Các nhà báo điều tra cần tiếp cận được việc kê khai tài sản của các cán bộ cấp cao. Quyền tiếp cận những thông tin quan trọng như quy hoạch đất đai, ngân sách cấp xã, tỉnh... cần được luật hóa.
- Các nhà chuyên môn cần đóng một vai trò quan trọng trong quy trình hoạch định chính sách, ra các quyết định đầu tư có ảnh hưởng lớn tới tài nguyên chung như rừng quốc gia, đất đai, sông ngòi, di sản văn hóa, tới an toàn môi trường và an sinh của dân.
Người dân cần có được sự minh bạch thông tin tối đa trong quá trình thực thi chính sách. Câu chuyện Formosa và sự cố môi trường miền Trung không thể lặp lại lần thứ hai.
Nhóm đề xuất trên nhắm tới việc kiểm soát quyền lực. Chúng ta đã biết quyền lực không được kiểm soát là quyền lực dễ bị tha hóa, dù chúng ta có kêu gọi đạo đức tới đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận