Phóng to |
Hai cô dâu Trịnh Thị Hoa (trái) và Tô Thị Hà đang chăm sóc lẫn nhau tại Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân thần kinh ở Phúc Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) Ảnh: CTV |
Phóng to |
Ba cô dâu Mai Thị Sự, Tô Thị Hà và Trịnh Thị Hoa trong bệnh viện - Ảnh: CTV |
Số phận bi thảm của ba cô được đăng trên một tờ báo địa phương Trung Quốc.
Bản tin không nói rõ về nhân thân và tên thật của các cô mà chỉ ghi: Ba cô dâu VN là Vương Quả, Vương Thủy Bội và Cao Muội được cảnh sát tìm thấy trên đường phố, sau những năm tháng bị đày đọa và tình trạng của “ba cô gái rất thương tâm”. Bản tin ngắn nhưng gợn lên những câu hỏi ray rứt: Gia đình của ba người phụ nữ ấy ở đâu tại VN? Hành trình nào đã đẩy các cô đến cuộc đời bi thảm trên đất Trung Quốc? Và phải làm gì để họ có thể trở về VN đoàn tụ với gia đình?
Chỉ nói được hai tiếng “Việt Nam”
"Ngày 22-12, phóng viên Tuổi Trẻ tại Hải Phòng xác minh được cô Mai Thị Sự mất tích từ năm 1988 tới nay. Từ bé cô Sự đã từng bị viêm não và thỉnh thoảng có dấu hiệu phát bệnh. Gia đình cô Sự trong nhiều năm nay hoàn toàn đã bặt tin, không biết cô đi đâu, sống ở đâu. " TH.HOÀNG |
Sáng 22-12, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân thần kinh thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến để tìm câu trả lời cho nỗi ray rứt ấy.
Tiếp chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, bác sĩ Lâm Huy - giám đốc, và bác sĩ Chu Phong - trưởng khoa trị liệu của bệnh viện - cho biết ba phụ nữ VN được cảnh sát Phúc Châu tìm thấy và đưa vào bệnh viện ở những thời điểm khác nhau. Tên của các cô trên tờ báo địa phương là do bác sĩ đặt, không phải là tên thật. Qua xác minh, tên thật của ba cô là: Tô Thị Hà, Trịnh Thị Hoa (quê Bắc Giang) và Mai Thị Sự (quê Hải Phòng).
Người trẻ nhất trong số ba cô là Tô Thị Hà (sinh năm 1990) được tìm thấy khi đang vất vưởng ngoài đường vào giữa năm 2011. Không ai biết Hà là cô dâu VN khi Hà tỏ ra sợ sệt, luôn trong trạng thái của người mất trí, chân và tay bị tật. Suốt gần một năm đầu tiên ở bệnh viện Hà chỉ nói hai tiếng “Việt Nam”. Tuy nhiên các bác sĩ Trung Quốc không hiểu được Hà nói gì và vẫn nghĩ Hà là người Trung Quốc.
Số phận của Hà bắt đầu được hé mở dần khi vào tháng 7-2012 cảnh sát Phúc Châu phát hiện thêm cô Mai Thị Sự (có khi xưng là Nai, sinh năm 1966, quê ở Hải Phòng) đang vất vưởng ngoài đường, trên người không mảnh áo quần và trong trạng thái tâm thần hoảng loạn nặng hơn Hà, nhưng lại cũng chỉ nói được hai tiếng “Việt Nam”. Ngạc nhiên về tình trạng tinh thần cùng cách phát âm của hai bệnh nhân, các bác sĩ thử cho Hà và Sự ở cùng nhau. Và chỉ vài ngày sau hai người phụ nữ VN đã nhận ra nhau qua ngôn ngữ. Nhờ được ở cạnh nhau và có giao tiếp, Hà và Sự dần thoát khỏi sự hoảng loạn về tinh thần và hành trình làm dâu bi thảm cho đến khi bị vứt ra ngoài đường trên đất Trung Quốc của họ dần được kể lại.
Phóng to |
Hai phóng viên Tuổi Trẻ làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân thần kinh ở Phúc Châu, Phúc Kiến - Ảnh: CTV |
Chưa tìm được đường về
Trong khi câu chuyện của Hà và Sự đang được xác minh thì đầu năm 2013, cảnh sát Phúc Châu lại phát hiện một phụ nữ khác đang lang thang trên đường phố, quần áo rách rưới với tình trạng tâm lý rất tồi tệ, và cũng chỉ luôn miệng hai tiếng “Việt Nam”. Một lần nữa, thân phận một cô dâu Việt bị đọa đày lại được sáng tỏ. Người phụ nữ ấy khi gặp hai cô dâu Việt đồng cảnh ngộ đã nói được, cô cho biết mình tên Trịnh Thị Hoa (sinh năm 1986), cùng quê Bắc Giang với Hà.
Cuộc đời bi thảm của ba cô dâu Việt bỗng nhiên hội ngộ tại Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân thần kinh Phúc Châu. Bác sĩ Chu Phong, người theo dõi và chăm sóc ba cô dâu VN từ khi được đưa vào bệnh viện, cho biết: “Cô Hà và cô Hoa hiện nay tinh thần đã tạm ổn và đã tìm được địa chỉ gia đình ở VN nhưng cô Sự thì tâm thần chưa ổn định, chỉ nhớ quê Hải Phòng và chưa liên lạc được với gia đình”.
Từ những thông tin mà Bệnh viện Điều dưỡng bệnh nhân thần kinh Phúc Châu cung cấp, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với gia đình các nạn nhân tại VN và hành trình bi thảm của những cô dâu Việt bị đẩy ra lề xã hội ở Trung Quốc dần được sáng tỏ. Tô Thị Hà, người được đưa vào bệnh viện đầu tiên, có gia đình tại một xã ở Lục Ngạn, Bắc Giang.
Lấy chồng câm, bị lừa bán
Chị Tô Thị Nguyệt, chị gái của Hà, kể Hà lấy chồng Trung Quốc vào năm 2011. “Vì em tôi có tật ở chân và tay nên gả cho một người đàn ông bị câm. Hai tháng đầu em tôi có điện về chỉ khóc chứ không nói gì nhiều nhưng sau đó thì mất liên lạc cho đến nay...”. Tại bệnh viện, Hà cho biết khi sang Phúc Kiến cô bị gia đình chồng đánh đập, ngược đãi do chân, tay bị tật, không làm được những công việc nặng nhọc. Chỉ vài tháng sau, Hà bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà và không được mang theo hành lý lẫn giấy tờ tùy thân.
Khác với Hà, cô Trịnh Thị Hoa cho các bác sĩ biết cô bị lừa bán vào tháng 6-2008, khi được một người quen dẫn sang Trung Quốc lao động. Ông Trịnh Văn Khanh - cậu ruột của Hoa, đang sống tại một xã ở Tân Yên, Bắc Giang - kể: “Cho đến giờ gia đình vẫn chưa biết ai đã lừa cháu tôi, suốt năm năm trời bặt vô âm tín. Nay biết cháu còn sống nhưng tận Trung Quốc, không biết cách nào để đưa cháu về...”.
Bi đát hơn cả là câu chuyện của cô Mai Thị Sự, có quê gốc tại một xã ở huyện An Dương (Hải Phòng). Là người lớn tuổi nhất trong ba cô dâu Việt, cô Sự hiện vẫn chưa ổn định về tinh thần, các bác sĩ cho biết cô Sự hay ngồi thẫn thờ, có khi cười nói một mình và không nhớ rành mạch thời gian sống tại Trung Quốc. Cô chỉ nhớ bị lừa gả sang Trung Quốc từ nhiều năm và bị sang tay làm vợ nhiều người, nhiều nơi và bị đuổi ra đường.
Mong được đoàn tụ trong dịp tết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lâm Huy cho biết đã nhận được đơn xác nhận về nhân thân của chính quyền xã tại nơi gia đình của Hà và Hoa sống ở Bắc Giang. Trong đơn gửi đến bệnh viện, gia đình của Hà và Hoa đều mong muốn đưa con em họ về đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Tuy nhiên bác sĩ Huy nói khó khăn rất lớn là cả ba phụ nữ VN đều không còn giấy tờ nào chứng minh quốc tịch VN nên bệnh viện đang gặp bế tắc trong việc tìm cách đưa họ trở về nước. Với cô Tô Thị Hà, bệnh viện đã liên lạc được với gia đình chồng tại Phúc Kiến, nhưng cha mẹ chồng đã chết và giấy tờ tùy thân của Hà đã bị đốt sạch. Hai người còn lại là Trịnh Thị Hoa và Mai Thị Sự thì không xác định được đã từng sống ở những đâu tại Trung Quốc nên không thể tìm đến để xác minh và tìm lại giấy tờ tùy thân.
Ba cô gái, ba số phận và hành trình lưu lạc đày đọa đã đẩy họ tới đây. Với hành trình trở về, chúng tôi và các cô vẫn đang khắc khoải mong chờ.
Đại sứ quán VN đã liên lạc Công an Phúc Kiến Tối 22-12, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Vinh - tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh - cho biết đại sứ quán đã nắm được thông tin về ba cô dâu bị ngược đãi ở Phúc Châu từ ngày 16-12 thông qua báo chí Trung Quốc. Sau đó, đại sứ quán đã nhận được email của du học sinh VN tại Phúc Kiến thông tin về tình hình của các phụ nữ này. Đại sứ quán đã gửi công hàm đến Công an tỉnh Phúc Kiến là nơi cao nhất có thẩm quyền giải quyết vụ việc, đề nghị chăm lo tốt cho sức khỏe, tinh thần của các cô dâu VN. Đồng thời làm rõ việc họ có bị ngược đãi như báo chí Trung Quốc đã đưa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận