Phóng to |
Kẹt xe qua cầu Bình Triệu chiều 1-8 - Ảnh: H.T.V. |
Riêng với ôtô thì còn hơn thế nữa, và đặc biệt là từ Q.Bình Thạnh qua quốc lộ 13 trên cầu Bình Triệu 1 lại càng thê thảm. Có lúc dòng ôtô nối đuôi nhau kẹt cứng từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xí. Tương tự, chiều về lại hát tiếp bài ca con đường đau khổ tập 2! Không chỉ dân khổ mà lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng ở ngã tư này mấy bữa nay dù lúc nào cũng lên đến cả chục người nhưng ai nấy đều phờ phạc tả xung hữu đột điều khiển lưu thông.
Nguyên nhân kẹt xe ai cũng thấy, đó là do việc thi công đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất đến giai đoạn làm ở ngã tư Bình Triệu, khiến nơi đây bị “thắt cổ chai” gây nên ùn tắc. Và người dân cũng cảm thông lắm, nên dù khổ vì ùn tắc gây mất thời gian, ngửi khói xe đến nghẹt mũi, song không nghe nhiều lời ta thán. Là một người dân ở trên quốc lộ 13, mỗi ngày gánh đủ hai lượt đau khổ, tôi cảm nhận như thế bởi có lẽ ai cũng mơ màng nghĩ đến cái ngày đường vành đai hoàn tất thì chuyện giao thông ở đây ắt phải sướng lắm.
Nhưng, dù cảm thông đến mấy, cũng có vài vấn đề phải lên tiếng:
Thứ nhất, đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất, theo tôi biết qua thông tin báo chí đăng tải thì chi phí lên đến 470 triệu USD, một món tiền không hề nhỏ, nếu không muốn nói là quá to. Một công trình xài tiền “tấn” như thế mà xem cái cách làm sao quá lờ phờ khi đất đá ngổn ngang, những tảng bêtông làm dải phân cách để bừa phứa (phía rẽ trái đi vào đường Kha Vạn Cân khi từ cầu Bình Triệu 1 đi qua), công nhân thì thưa thớt...
Chuyện thứ hai gây bức xúc nhất, đó là chính những người có trách nhiệm trả lời trên báo là khoảng cuối tháng 8 mới hoàn tất thông xe được 5km trên toàn tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất. Trong đó chỉ riêng ngã tư Bình Triệu chắc chắn sẽ còn kéo dài tiếp, khi phần đường từ cầu Bình Triệu 1 đổ ra còn phải làm cho cao ngang với mặt đường mới. Nghĩa là chắc chắn không thể nào xong trước 1-8, nhưng ngày 1-8 lại quyết định trạm thu phí ở đây bắt đầu hoạt động!? Cái này tôi nghe nhiều người mỉa mai là “cháo chưa múc mà đã đòi lấy tiền”. Nếu những người có trách nhiệm không có tấm lòng chia sẻ với người dân thì ít nhất cũng cần có sự khôn khéo trong kinh doanh. Thu phí chậm một tháng, nhưng lúc ấy đường sá thông suốt, người dân móc tiền đóng phí cũng đỡ bực bội. Và thu chậm một tháng thì kéo dài thêm một tháng, quyền trong tay mình, có mất mát gì đâu mà lo!
Chuyện thứ ba là việc những chiếc tàu lửa đều đặn ra vào TP.HCM vào giờ cao điểm. Việc này chẳng cần đợi đến khi thi công ỡ ngã tư Bình Triệu, mà nó gây phiền phức từ lâu rồi nhưng chẳng ai chịu thay đổi để dân bớt khổ, đồng thời cũng bớt lãng phí thời gian, xăng dầu. Đó là vào giờ cao điểm mỗi buổi sáng (từ 7g-7g30), thường xuyên có những đoàn tàu lửa ra vào TP.HCM đi ngang qua đây. Vì những đoàn tàu này, đường đang thông suốt trở nên ùn tắc khi rào chắn làm gián đoạn khoảng 5-7 phút của chiều lưu thông trên quốc lộ 13. Và tôi biết sự ùn tắc này còn diễn ra trên nhiều đường khác nữa, ví dụ đường Hoàng Văn Thụ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Văn Sỹ... ở các đoạn có rào chắn tàu lửa.
Được biết, chính quyền Hà Nội có quy định không cho tàu lửa ra vào trong giờ cao điểm. Tại sao TP.HCM lại không học theo cho dân bớt khổ, đồng thời cũng là tiết kiệm thời gian, nhiên liệu bởi những cuộc ùn tắc không đáng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận