Chợ Orussey ở Phnom Penh, nơi có nhiều người gốc Việt buôn bán lâu năm - Ảnh: Y.T. |
Vượt qua nỗi niềm tha hương, họ trở thành người đại diện cho từng món hàng “made in Viet Nam”...
Đến Phnom Penh, hỏi tìm bà con tiểu thương gốc Việt, chúng tôi được chỉ dẫn tận tình bởi cả người Khmer và người gốc Việt.
“Cứ ra mấy khu chợ lớn lớn vòng vòng thành phố là thấy à. Họ bán đủ thứ hằm bà lằng ngoài đó” - anh Hai Cường, một người gốc Việt chạy Tuk Tuk chở khách, vui vẻ nói.
Nhìn cảnh buôn bán nhộn nhịp của người gốc Việt tại các chợ, đường phố thuộc trung tâm thủ đô, ít ai biết rằng để có được ngày hôm nay, họ đã trải qua những năm tháng bấp bênh theo những biến động của vương quốc này.
Quay về và ra đi
Một trong các chứng nhân cho những năm tháng đó là ông Chan Long (70 tuổi, trưởng văn phòng đại diện Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia).
Sinh đẻ tại Phnom Penh, ông vẫn còn nhớ như in những năm tháng ấy, gắn với cái thời ông buôn bán xe máy cũ từ Campuchia về miền Tây Việt Nam.
Cũng giống như nhiều người gốc Việt làm ăn buôn bán ở Phnom Penh, ông Chan Long khi nhắc về những ngày cũ đều không ít bùi ngùi.
Thế hệ sống ở “thành phố của vua” này từ những năm trước 1970 đã quá già để nhớ tường tận mọi thứ, và vì nó gắn với những ký ức không mấy vui.
Thời điểm trước năm 1970 dưới thời vua Sihanouk, người gốc Việt buộc phải nhập tịch Campuchia.
Sau khi vua Sihanouk bị truất phế, người gốc Việt bị chế độ của Lon Nol đàn áp ngay tại Phnom Penh. Họ còn bị giới nghiêm, cấm đoán làm một số nghề phổ thông khiến đời sống trở nên khó khăn.
Từ năm 1975 khi Khmer Đỏ lên nắm quyền, người gốc Việt buộc phải về lại Việt Nam. Từ năm 1979 khi chính quyền Khmer Đỏ sụp đổ, người gốc Việt bắt đầu trở lại Phnom Penh nhưng số lượng không đáng kể. Họ sống chủ yếu ven dòng Mekong, làm nghề chài lưới hoặc buôn bán nhỏ sống qua ngày.
Ông Chan Long hồi tưởng: “Khi tôi trở lại Phnom Penh năm 1979, thành phố này như không có người. Nhà nào cũng trống hoác, đồ đạc chất đống ở các khu chợ bỏ hoang. Rồi xuất hiện những người buôn bán đầu tiên theo hình thức tự phát. Họ mua bán mọi thứ và giao thương bằng vàng. Ví dụ 1 tạ gạo là một chỉ vàng, ăn uống tính bằng phân vàng, li vàng...”.
Lúc đó chỉ có bán cơm, bún, không tìm đâu ra một quán cà phê, không có cửa hàng. Đường phố vắng vẻ đến nỗi người đi còn nghe tiếng guốc. Đến năm 1982, tiền tệ bắt đầu lưu hành nhưng việc buôn bán vẫn còn sơ khai.
Những năm tiếp theo, nền kinh tế èo uột của Campuchia dần manh nha, hàng hóa từ Việt Nam, Thái Lan... bắt đầu đổ qua. Các mặt hàng chủ yếu là hàng gia dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu.
Sau khi quân đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1980, người Việt lại phải tiếp tục làm cuộc hồi hương bắt buộc rồi sau đó trở lại Campuchia lần nữa.
Ông Chan Long cho biết thời gian này ở Campuchia bắt đầu hình thành thị trường mua bán tự do. Ông là một trong những người gốc Việt đầu tiên ở Phnom Penh buôn xe máy cũ, đầu máy video chở xuôi theo sà lan về Đồng Tháp.
Sau đó ông kinh doanh xăng dầu, rồi làm việc cho Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư tại đây.
Ông Chan Long, chủ tịch Hội Phát triển kinh tế Việt Nam - Campuchia - Lào, kể về những năm tháng thăng trầm của tiểu thương gốc Việt ở Phnom Penh - Ảnh: YẾN TRINH |
Tiểu thương chiếm lợi thế
Ông Trần Phú Hữu (61 tuổi, quê gốc ở Vĩnh Long) kể: “Tôi qua đây từ năm 1982 khi đi thăm người em trai trong quân ngũ. Rồi tình cờ quen với một người Campuchia biết tiếng Việt, thấy nghề thợ bạc cũng hay tôi mới xin theo học nghề.
Đây cũng là nghề ăn nên làm ra những năm đó”. Trong trí nhớ của ông Hữu, ngày đó trước tiệm vàng những người thợ để vàng trên cục gạch ven đường rồi gia công tại chỗ.
“Thời đó một ngày lời được mấy chỉ vàng từ nghề này nên người Việt qua đây làm nghề cũng nhiều. Tiếng Việt dần xuất hiện nhiều trong các chợ ở Phnom Penh” - ông nói.
Năm 1993, vương triều Campuchia phục hồi, đổi quốc hiệu là vương quốc Campuchia. Tình trạng người gốc Việt vẫn còn không ít khó khăn cả về mặt pháp lý lẫn đời sống, công việc làm ăn. Đến năm 1997, người gốc Việt lại khổ sở một lần nữa khi thời cuộc ở Campuchia gặp biến động.
Ông Lê Thành Dũng, một người gốc Việt qua Phnom Penh từ năm 1979, nhớ lại: “Tình hình năm 1997 cũng căng lắm, có tiếng súng, nhà cửa bị cháy.
Bà con lo sợ, một số thả bè trôi sông về lại Việt Nam, chủ yếu là về An Giang và Đồng Tháp. Bẵng đi một thời gian, nghe ngóng tình hình êm xuôi, người Việt lại trở qua Phnom Penh gầy dựng lại từ hai bàn tay trắng”.
Những năm 2000, người Việt sang Campuchia ngày càng nhiều. Một số bám trụ ở Phnom Penh vì đây là đô thị lớn, nhiều cơ hội để làm giàu.
Thời điểm này đôla đã được dùng phổ biến ở Campuchia, có cả những cửa tiệm chuyên đổi tiền. Ông Hữu cũng có thời gian làm nghề này, một ngày kiếm lời vài triệu đồng là chuyện thường.
Theo lời ông Chan Long, khoảng thời gian này là những năm làm ăn phát đạt của tiểu thương gốc Việt ở Phnom Penh.
“Hàng hóa lúc đó chủ yếu là hàng gia dụng, thau chén, xà bông, hàng điện tử... theo đường tiểu ngạch qua. Vì không cần nhiều vốn, lại thuận lợi về nguồn hàng, kênh phân phối là tiểu thương gốc Việt “mặn” với lĩnh vực này” - ông Chan Long nói.
Rồi những doanh nghiệp Việt Nam sang Phnom Penh với vai trò nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện. Nhận thấy lợi thế của việc tiêu thụ nhỏ lẻ, các doanh nghiệp lớn cũng thông qua tiểu thương để tiêu thụ hàng hóa.
Theo một số tiểu thương dày dạn, đây là con đường tiêu thụ hàng hóa hiệu quả nhất lúc đó, như những năm 2002-2003, mì gói là mặt hàng “nóng” nhất. Hàng hóa qua bằng đường chính ngạch không cạnh tranh bằng.
Hỏi tại sao không buôn bán ở quê nhà Việt Nam mà sang tận xứ người, đa số đáp rằng ở Phnom Penh dễ làm ăn. Bỏ qua những vấn đề về quốc tịch và nỗi nhớ quê hương, cuộc mưu sinh ở Phnom Penh vẫn là một lựa chọn thú vị cho người gốc Việt.
Nó không quá khó khăn, không quá xa quê nhà Việt Nam, và cũng có nhiều tương đồng về lối sống, cách làm ăn, sinh hoạt hằng ngày giữa người hai nước...
Ông Hữu bộc bạch: “Tôi đã trải đủ nghề ở đây, từ thợ bạc, bán cà phê, đổi tiền đến bán quần áo... Làm ăn với người Khmer nhìn chung là thoải mái, họ cũng như dân mình thôi. Sống đâu quen đó à”.
Theo Wikipedia, năm 2016 cộng đồng người Campuchia gốc Việt có khoảng 156.000 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp với Việt Nam, tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Seam Reap. Dưới thời Pháp thuộc, phần lớn phu đồn điền cao su của Pháp là người Việt. Người Việt cũng là công chức cấp dưới trong chính quyền thuộc địa và các hãng xưởng. Năm 1950, người Việt chiếm 7% dân số Campuchia. Nhiều người không có giấy tờ nên hạn chế về việc làm, học hành và các vấn đề khác. Nhìn chung, do những nguyên nhân về lịch sử và chính trị, thân phận người gốc Việt ở Phnom Penh nói riêng và Campuchia nói chung chịu nhiều hạn chế. Từ năm 1975 đến nay, người gốc Việt nhiều lần hồi hương rồi lại trở lại Campuchia. Nghề nghiệp chính của họ là buôn bán trong những đô thị, hoặc làm nghề chài lưới dọc dòng Mekong. Theo thống kê từ Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động ở Campuchia. Trong đó, làm ăn hiệu quả là các công ty quy mô nhỏ, vận chuyển hàng hóa, làm đại lý hàng Việt Nam ở Campuchia. Mặt hạn chế của người Việt Nam khi qua Campuchia làm ăn là về vấn đề pháp lý chưa thật sự am hiểu. |
_____________
Kỳ tới: Trong những ngôi chợ ở Phnom Penh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận