18/08/2013 01:20 GMT+7

Ba câu hỏi từ Hoài Đức

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Cuối cùng thì vụ bê bối ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức cũng đã hạ màn bằng một kết cuộc “có hậu”: khen thưởng ba cá nhân đã dũng cảm tố cáo những sai phạm tại bệnh viện này. Quyết định khen thưởng này được đưa ra một tuần sau chỉ đạo của bí thư Thành ủy Hà Nội.

UBND yêu cầu huyện Hoài Đức và Sở Y tế Hà Nội “nhanh chóng khen thưởng, biểu dương những người đã tố cáo sai phạm này” sau khi Công an TP Hà Nội kết luận cho thấy sự việc bị tố cáo là đúng sự thật.

Vụ việc “chẳng hay” này rồi cũng qua đi, song ít nhất cũng để lại ba câu hỏi cần có câu trả lời vì lợi ích của người dân cũng như Nhà nước.

1. Trách nhiệm đối với người bệnh? Tất nhiên, Bệnh viện Hoài Đức cũng đã “tổ chức xét nghiệm lại cho các bệnh nhân đã bị xét nghiệm “ảo””. Liệu sửa sai chừng đó đã đủ chưa cả về pháp lý lẫn y lý? Trong những bối cảnh khác, việc giả mạo kết quả xét nghiệm chắc chắn sẽ phải bị kiện, như đã từng chứng kiến tại một số bệnh viện khi để xảy ra sự cố. Việc cả ngàn bệnh nhân phải bị điều trị căn cứ trên các kết quả xét nghiệm ảo liệu có đã dẫn đến những hậu quả, biến chứng do bị chỉ định điều trị không đúng với bệnh lý thực?

Bộ trưởng Bộ Y tế, vốn đã từng lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM, một cơ sở có bề dày truyền thống xét nghiệm đến 122 năm kể từ khi khởi sự hoạt động vào năm 1891 với giám đốc tiên khởi là bác sĩ Calmette. Nhất định bộ trưởng sẽ có ý kiến tối thượng về trách nhiệm đối với những tổn thất có thể có từ việc điều trị dựa trên kết quả xét nghiệm ảo này để tránh các vết xe đổ có thể có và để an dân: không thể đi khám bệnh, chích ngừa, xét nghiệm... trong sự hoài nghi “tứ tung” được, nhất là khi các bệnh viện công ngày càng eo hẹp cả về nhân sự, cơ ngơi lẫn kinh phí!

Với một mẫu dân số lên đến cả ngàn ca, đây sẽ là đề tài của không ít luận án chuyên khoa tim mạch, nội tiết, phụ sản, bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm...: “Đánh giá tác động của việc điều trị dựa trên xét nghiệm ảo” để xem bao nhiêu người có thể/hay không có thể đã tử vong, bệnh có sẵn trở nặng lại phải gánh thêm bệnh mới do tác dụng của chỉ định sai thực tế bệnh lý... hầu làm gương tày liếp cho cả ngành y tế. Các luận án chuyên khoa từ các nghiên cứu này sẽ làm giàu cho y văn nước nhà và thế giới vì tính độc đáo và thiết thực của đề tài, Tổ chức Y tế thế giới có thể mượn làm tài liệu cho các nước cũng có tham nhũng trong y tế!

2. Trên bình diện phòng chống tham nhũng, diễn biến vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Hoài Đức ở giai đoạn trước khi có tác động của báo chí là một bằng chứng nữa cho thấy những khó khăn trong việc tố cáo sai phạm lớn đến đâu, thậm chí người tố cáo còn bị “phản tố cáo”... cho dù thật ra, xét về quy mô, vụ này mới chỉ “be bé”. Giám đốc một bệnh viện huyện cũng chưa phải lớn lắm nhưng từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013, tức khoảng thời gian bị cáo giác, sao cả bệnh viện lại phải “nhắm mắt, nín thinh”? Nếu việc tố cáo sai phạm được các cơ quan “nhận đơn” tiếp thu, công tâm, nhanh chóng và dứt khoát điều tra hơn, đồng thời giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo mà không cần đợi đến khi dư luận báo chí làm gió đổi chiều hoặc có chỉ đạo từ cấp trên, liệu việc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn, đúng tinh thần nghị quyết trung ương 4?

3. Phòng bệnh hơn chữa bệnh: liệu có thể nào làm cho công tác thanh tra từ chính cơ sở cho đến thanh tra của cơ quan quản lý hằng năm sẽ sát sườn hơn, khách quan đúng với thực tế hơn, hầu tránh những kết quả thanh tra “đẹp như mơ” trong khi thực tế “trời ơi đất hỡi”. Liệu có thể đặt vấn đề truy vấn trách nhiệm những kết quả thanh tra “tốt đẹp” song bị phát hiện là “ảo”, và ngược lại tưởng thưởng xứng đáng thanh tra tốt, hầu có thể tăng cường hiệu quả thanh tra.

____________

Tin bài liên quan:

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp