28/07/2015 12:13 GMT+7

Áy náy khi "giúp đỡ" người khác

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TT - Đành rằng tương trợ lẫn nhau là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt ta, song nếu người giúp và người được giúp cố tình bỏ qua yếu tố phải - trái, đúng - sai thì không thể gọi là lòng tốt được.

Đọc xong bài viết (Tuổi Trẻ 25-7), tôi thầm cảm ơn bạn Sĩ Lê đã cho tôi có dịp được tâm sự những điều tế nhị từ bấy lâu nay.

Tôi từng được nhiều người nhờ đi "xin hộ" khi họ có sự cố liên quan đến công quyền. Mọi chuyện khởi đầu từ cái lần tôi giúp anh hàng xóm vì thương hoàn cảnh của anh quá khốn khó, lại là hàng xóm "tối lửa tắt đèn có nhau". Giúp anh lần đó, tôi cứ áy náy trong lòng bởi mình đã góp phần dung túng cái sai.

Vậy mà từ anh, câu chuyện này lan tỏa và lại thêm nhiều người đến nhờ tôi "xin xỏ" với các lý do tương tự.

Cũng toàn là người quen biết và ai cũng có nỗi khổ riêng nên từ chối rất khó. Vậy là tôi trở thành kẻ gây phiền hà cho các đồng nghiệp của mình, có người nể nang cũng giải quyết nhưng rồi đã có người nhìn tôi theo kiểu tôi là “cò” chạy chọt những chuyện như vậy.

Và tôi đã thật sự xấu hổ với chuyện lợi dụng sự quen biết để giải quyết việc riêng này.

Tôi thấy mình đáng trách vì biết sai vẫn làm, cho dù là giúp người một cách vô tư, về tình có thể biện hộ rằng đang "làm phước", nhưng về lý thì thật khó chấp nhận bởi nó ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đành rằng tương trợ lẫn nhau là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt ta, song nếu người giúp và người được giúp cố tình bỏ qua yếu tố phải - trái, đúng - sai thì không thể gọi là lòng tốt được.

Chuyện nhiều phụ huynh cố gắng nhờ vả người quen để con được vào trường điểm, lớp chọn vì trái tuyến không tránh có những học sinh đúng tuyến phải chịu thiệt thòi.

Nhiều bậc cha mẹ ráng tìm mọi cách để con mình được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự, nhưng lại quên là có những thanh niên khác phải gánh vác thay con của họ.

Vậy nên, theo tôi, chỉ thực hiện việc nhờ vả và giúp nhau khi nhu cầu thật sự chính đáng, đảm bảo theo khuôn khổ pháp luật cho phép.

Sự giúp đỡ đúng nhất chính là khuyên giải, hỗ trợ để người khác tuân thủ quy định, không rơi vào tình thế phải cạy cục, cầu xin.

Từ chối yêu cầu giúp đỡ của ai đó không phải việc dễ dàng. Tôi cũng từng khổ sở khi phải nói những lời từ chối trước sự giận dỗi của người thân quen.

Vậy nên rất mong trước khi sử dụng "quyền trợ giúp", mỗi người hãy tự thẩm định sự đúng đắn của nó, đừng đưa người mà mình nhờ giúp vào thế khó là phải làm trái với lương tâm, có khi trái với cả pháp luật.

Bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự? Bạn ứng xử như thế nào trong những trường hợp này? Đây có là câu chuyện phổ biến? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ý kiến bạn đọc
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp