Ngày 13-3, lãnh đạo ba nước AUKUS gồm Mỹ, Anh và Úc đã công bố chi tiết thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Anh và Úc.
Với Canberra, đó là canh bạc hàng trăm tỉ đôla Úc (AUD) mà phải đến giữa thế kỷ này họ mới có thể kiểm chứng mức độ thành - bại.
Nhóm AUKUS khẳng định không có vũ khí hạt nhân
Trong cuộc họp báo đường dài qua điện thoại sáng 14-3 mà Tuổi Trẻ Online là một trong các báo tham dự, hai quan chức ngoại giao và an ninh cấp cao Mỹ đã cố gắng trấn an những lo ngại tại Đông Nam Á.
Về mặt địa lý, Úc nằm gần với khu vực nhất so với hai nước còn lại trong AUKUS. Thời gian qua đã có nhiều suy đoán về việc các tàu ngầm hạt nhân của Úc sẽ được triển khai đến Biển Đông để răn đe từ xa Trung Quốc.
Khi được hỏi về điều này, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã từ chối trả lời.
"Tôi không muốn suy đoán chính xác nơi tàu ngầm có thể hoạt động hoặc không thể hoạt động. Một khi Úc sở hữu các tàu ngầm của riêng mình, chính họ sẽ đưa ra quyết định về cách triển khai chúng", ông Kritenbrink nêu lập luận.
Đồng quan điểm, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Grant Schneider cũng cho rằng còn khá lâu nữa Úc mới nhận được tàu ngầm từ Mỹ. Do đó việc nói về cách vận hành vào thời điểm hiện tại là còn hơi sớm.
Theo chi tiết thỏa thuận được công bố, Úc có quyền mua tối đa năm tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Anh và Úc sẽ nhận một lớp tàu ngầm mới mang tên SSN-AUKUS, trong đó London sẽ lo phần thiết kế, còn Washington chịu trách nhiệm công nghệ.
Các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ không có vũ khí hạt nhân nào được chuyển giao cùng tàu ngầm. Vũ khí chính có thể là các tên lửa hành trình tầm xa không tích hợp đầu đạn hạt nhân.
Để bảo đảm an ninh trong lúc chờ nhận tàu ngầm, Úc sẽ "mời luân phiên" các tàu ngầm hạt nhân của Anh, Mỹ đến nước này từ năm 2027.
"Đây không phải là một thỏa thuận nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào hay thách thức nào đang tồn tại ngoài kia. Đó là một cam kết kéo dài hàng thập kỷ, vì hòa bình và ổn định trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Kritenbrink, người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, khẳng định trong họp báo.
AUKUS khai thác lỗ hổng trong hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân
Theo giới quan sát, thỏa thuận giữa ba nước AUKUS đánh dấu lần đầu tiên một lỗ hổng trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 đã bị khai thác. Mỹ, Anh và Úc đều là các bên tham gia NPT.
Hiệp ước này cấm phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng cho phép vật liệu phân hạch được sử dụng cho mục đích quân sự không gây nổ, như động cơ đẩy hải quân, được miễn kiểm tra và giám sát bởi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Các chuyên gia kiểm soát vũ khí lo lắng AUKUS sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác lợi dụng để che giấu uranium hoặc plutonium được làm giàu ở mức độ cao khỏi sự giám sát của quốc tế.
Nhật Bản, một quốc gia đồng minh của Mỹ, ủng hộ thỏa thuận của AUKUS và cũng không ngạc nhiên khi Trung Quốc là bên phản đối gay gắt.
"Kế hoạch của AUKUS là một hành động trắng trợn tạo ra những rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực", phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc chỉ trích trong tuyên bố phát ngày 14-3.
Các nước AUKUS phủ nhận đã lợi dụng kẽ hở của NPT và cam kết làm việc chặt chẽ với IAEA để đáp ứng sự minh bạch.
Ông Kritenbrink xác nhận Mỹ và Anh sẽ chuyển các thanh nhiên liệu bằng uranium làm giàu mức độ cao cho Úc song chưa rõ thời gian thực hiện. Các thanh nhiên liệu này sẽ được hàn kín, đảm bảo không cần tái nạp trên lãnh thổ Úc trong quá trình vận hành.
Úc cũng cam kết sẽ không có lò phản ứng hạt nhân nào trên lãnh thổ của họ, kể cả cho mục đích đào tạo. Thay vào đó, Úc sẽ đào tạo các thủy thủ tàu ngầm ở Mỹ và Anh.
Canberra cũng sẽ không làm giàu hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và vật liệu phân hạch. Úc nhấn mạnh sẽ không mua các thiết bị cần thiết để tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng để biến chúng thành vũ khí.
"Tôi nghĩ ba quốc gia khá nghiêm túc trong việc cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến NPT. Tôi không lo Úc sẽ lạm dụng nhiên liệu hạt nhân được cung cấp.
Vấn đề tôi lo là AUKUS sẽ tạo tiền lệ để các nước khác lách việc kiểm tra vật chất hạt nhân dưới danh nghĩa nhiên liệu", ông James Acton, đồng giám đốc chương trình hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nói với báo The Guardian.
Vì sao Úc quyết có tàu ngầm hạt nhân?
Một trong những lợi thế lớn nhất của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là thời gian lặn sâu dưới biển gần như vô tận. Hạn chế, cũng là điểm yếu duy nhất của nó, chính là kho dự trữ thức ăn đem theo.
Không chỉ tạo ra khả năng răn đe thông qua việc không ai biết nó đang ở đâu, tàu ngầm hạt nhân còn được dùng để thu thập thông tin tình báo tại các vùng biển nhạy cảm hay các nhiệm vụ tuyệt mật bằng đường biển.
Với ưu điểm đó, tàu ngầm hạt nhân thường được xem là con át chủ bài của các nước sở hữu chúng.
Phần lớn các quốc gia có tàu ngầm trên thế giới hiện nay đều vận hành tàu chạy bằng động cơ diesel-điện. Loại tàu này buộc phải nổi lên sau một thời gian và chạy trên mặt nước để nạp nhiên liệu máy phát điện và lấy dưỡng khí. Điều này làm tăng khả năng chúng bị phát hiện.
Để khắc phục điểm yếu này, một số quốc gia không được công nhận là nước có vũ khí hạt nhân trong NPT đã dành nhiều năm nghiên cứu công nghệ tiên tiến mang tên AIP.
Công nghệ này đã được áp dụng trên nhiều lớp tàu ngầm thông thường của Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Nga. Tại châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có loại tàu ngầm này.
Nhật Bản được cho là đang đi đầu trong việc phát triển thêm các loại pin có dự trữ lớn hơn, công suất lớn hơn để kéo dài thời gian lặn.
Theo giới quan sát, mặc dù không thể sánh với các tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm AIP vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu của các nước có ngân sách quốc phòng khiêm tốn.
Quan trọng hơn, nó giúp các nước này tránh được những rắc rối liên quan NPT và các quy định chuyển giao công nghệ hạt nhân khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận