Tổng cộng chuyến này tàu đánh bắt được 47 tấn cá các loại, hơn chuyến trước 2 tấn.
Phóng to |
Tàu lạ xuất hiện, các ngư dân không khỏi lo lắng -Ảnh: Đức Tuyên |
Đối mặt
Giống như Vương, anh em thuyền viên trên tàu cũng tíu tít gọi điện chia sẻ cùng chúng tôi tin mừng. Anh em cho biết tàu vừa cập cảng, cá được bán ngay. Rồi ngay sau đó tàu “ăn” đá luôn, tranh thủ mở biển ra khơi sớm. “Cá đang về” - thuyền viên Tô Văn Đạt reo lên vui mừng nhưng cũng không giấu được vẻ lo lắng khi thông tin thêm: “Chuyến này anh em lại gặp tàu lạ trong đêm. Do có chuẩn bị, cảnh giác nên cũng tránh được như lần trước anh à”.
Nghe Đạt nhắc lại suýt bị tàu khác đâm trong đêm, chúng tôi không khỏi lo lắng và bất chợt rùng mình. Những hình ảnh như những thước phim quay chậm “chiếu” lại tình huống tương tự trong chuyến cùng ngư dân ra khơi vừa qua bất chợt hiện ra. Nhớ như in cái bóng đen của con tàu lừng lững lao về phía tàu chúng tôi giữa đêm tối mịt mù của biển mà ớn lạnh sống lưng...
... Sau những ngày giong tàu khắp mặt biển để tìm các thân cây trôi dạt theo các dòng hải lưu nhưng vẫn chưa có cây nào tụ nhiều mồi, thuyền trưởng Vương quyết định cho tàu thả dù neo để nghỉ ngơi và chuyển hướng đánh bắt. Sóng gió tạm lắng sau những ngày bão nổi, cơn bão số 5 đã đi qua, biển vẫn xanh thẳm một màu trước khi ngả dần sang sắc tím. Phía xa chân trời, mặt trời đỏ ối lặn dần xuống mặt biển, bóng đêm tràn về.
Nước trà nóng cùng những con mực khô vừa câu được từ hôm trước, chiên giòn, chúng tôi tụm quanh đuôi tàu tán gẫu. Dưới bếp, hai thuyền viên trẻ tuổi đang chuẩn bị bữa cơm tối. Bất ngờ ai đó la lớn: “Có tàu lạ tới!”. Vứt vội cọng râu mực, tạt luôn ly trà nóng vừa pha sẵn, thuyền trưởng Vương lao nhanh về phía buồng lái chụp lấy ống nhòm vừa hô to: “Bây ơi, tàu tới!”, chúng tôi bật người như chiếc lò xo, lao về phía đuôi tàu, nhìn theo hướng tay thuyền trưởng đang chỉ.
Từ xa lừng lững một chiếc tàu mũi nhọn, đuôi dẹp, tua tủa thiết bị to nhỏ. Qua ống nhòm, chúng tôi nhìn rõ những chiếc rađa tròn trùng trục như những quả cầu màu trắng đến những chiếc ăngten như những cái chảo gắn quanh thân tàu. Những cột tháp như những đài quan sát cao chót vót giữa tàu và trước mũi là một tháp pháo đặt xéo về phía mũi trông rất hầm hố. Đối với ngư dân, sự xuất hiện của con tàu với hình dạng lạ lừng lững giữa ngư trường đánh cá cũng đủ làm cho họ không khỏi lo lắng.
Cảm nhận được điều gì đó bất an, thuyền trưởng Vương quyết định cho con tàu nhổ neo chạy về hướng tây. Trong tích tắc con tàu lạ hoắc cũng biến mất trong tầm nhìn của chúng tôi...
Phóng to |
Buông neo dù để khi cần thiết thu neo, đềpa cho nhanh - Ảnh: Tấn Vũ |
Đêm kinh hoàng
Sau khi chạy khỏi vị trí vừa giáp mặt với con tàu lạ chừng 5 hải lý, tàu chúng tôi quyết định bung neo dù. Như mọi ngày, bữa cơm tối được dọn ra phía sau đuôi tàu và chúng tôi ăn cơm trong dập dềnh sóng vỗ khi màn đêm vừa bao trùm khắp đại dương. Sau bữa cơm, ngư dân Nguyễn Văn Hải rút bộ bài chia đều năm lá bài rồi trộn lạch tạch trên tay. Chúng tôi nghĩ anh em ngư dân sẽ đánh bài giải trí sau một ngày lao động mệt nhoài. Nhưng không, Hải đang làm nhiệm vụ chia ca trực đêm cho con tàu khi neo đậu trên biển. Nhiệm vụ của người trực ca tàu trong đêm là quan sát mặt biển, nghe đài báo về thời tiết bất thường và báo động để xử lý các tình huống khẩn cấp. 18 người trong thủy thủ đoàn sẽ chia đều thành sáu nhóm trực, tùy theo quân bài rút được lớn nhỏ mà ca trực sẽ là lúc chập tối hoặc khuya hay vào rạng sáng...
Ca trực canh tàu của Hải là ca thứ 2, bắt đầu lúc 20g tối. Tiếng máy nổ phát điện nhỏ trên con tàu vẫn xình xịch để thắp sáng các bóng điện hai bên mạn tàu suốt đêm nhằm cảnh báo cho các tàu khác né tránh, không đâm phải.
Chúng tôi và Hải đang ngồi trên be tàu câu mực. Bỗng dưng Hải thất thanh la lớn như muốn xé toạc màn đêm: “Anh em ơi, nhổ neo mau, có tàu đang lao tới!”. Cả đoàn tàu nhốn nháo.Từ dưới hầm tàu, những tiếng chân thình thịch lao nhanh về mũi tàu. Thuyền trưởng Vương bật dậy từ chiếc võng sát khoang lái, chụp lấy vôlăng. Trên boong tàu, chúng tôi thấy rõ một chiếc tàu đen ngòm đang lao thẳng về phía mình. Phía mũi tàu, hơn mười ngư dân đang cúi gập người cật lực kéo, rút túi vải nước neo dù lên. Đề cả hai máy tàu, rú ga, khi chiếc dù neo vừa bung lên khỏi mặt nước, Vương ấn tiếp cần ga, vào số, con tàu chồm lên, đạp sóng phi về phía trước. Ngay lúc đó, con tàu đen khổng lồ lù lù vụt qua sát sau lái tàu của chúng tôi. Tất cả thủy thủ đoàn thất thần với những gì vừa diễn ra trong tích tắc.
“Đui à! Chạy kiểu đó thì có ngày cắm đầu vào đảo cạn mà chết đó bây”, quẹt mồ hôi trán, thuyền trưởng Vương vứt điếu thuốc đang hút dở về phía bóng tàu vừa vụt qua, chửi đổng. Còn chúng tôi chỉ biết nuốt giận nhìn con tàu lao qua trước mắt, chẳng ai biết được chúng muốn gì. Ngồi bệt xuống thành tàu, Vương lại nói trong nỗi bực tức: “Nó cố tình đâm mình đấy. Tàu hiện đại cỡ đó chắc chắn trên màn hình rađa của nó tàu mình sẽ hiện lên rất to. Nếu nó kéo còi vài tiếng hay cảnh báo trên Icom thì mình cũng hay biết, đằng này...!”.
“Làm sao biết nó sắp đâm mình?”, chúng tôi buột miệng hỏi. Lấy bốn chiếc ly uống nước đặt xuống nền tàu, Vương giải thích, nếu bốn cái ly là bốn cái đèn của tàu, khi chúng ta nhìn thấy bốn cái đèn gồm hai đèn vàng trước và sau đuôi tàu, một đèn xanh hoặc chỉ thấy một đèn đỏ phía bên be tàu tức con tàu đang đi chệch hướng chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy ba đèn gồm một đèn xanh, một đèn đỏ và một đèn vàng, chắc chắn con tàu đang nằm trên đường lao thẳng về phía mình.
“Vì khi đó đèn vàng phía đuôi và đèn vàng trước mũi tàu cộng với điểm mình đang đứng là ba điểm thẳng hàng tạo thành một đường thẳng nên ta chỉ nhìn thấy một bóng sáng. Nếu không lo chạy thì chỉ có bị tông chìm. Em chia ca cho anh em trực đêm là để tránh trường hợp bị tàu lạ đâm. Các anh em đều nắm rõ nguyên tắc này”, Vương giải thích.
Ở vùng biển với hàng loạt tàu thuyền qua lại, việc một tàu cá có thể bị đâm chìm do vô ý là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tàu chúng tôi suýt bị đâm chìm. Điều này khiến thủy thủ đoàn lo lắng suốt đêm. Đêm hôm đó không ai trong chúng tôi có thể chợp mắt. Thuyền trưởng Vương quyết định cho con tàu tiếp tục chạy, xuôi về vùng biển xa hơn để tránh nguy hiểm và tìm luồng cá mới.
Mời các bạn xem video clip trên Truyền hình Tuổi Trẻ - tv.tuoitre.vn (ba tập) về toàn cảnh đời sống ngư dân trên biển mà phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi lại được khi sống đời ngư dân cùng các thuyền viên trong những ngày lênh đênh giữa biển Đông. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
Kỳ cuối: Ước mơ giữa biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận