Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (áo khoác vàng) cùng nhiều lao động nghe các doanh nghiệp thông tin về việc làm và thỏa thuận hợp đồng - Ảnh: DUY NGỌC
Sáng 20-9, ông Nguyễn Thanh Hồng - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận - cho biết chương trình "ATM việc làm" hoạt động từ ngày 31-8 đến nay, tiếp nhận thông tin của hơn 1.200 người đăng ký tìm việc ở các vị trí khác nhau.
Để tạo "ngân hàng việc làm", chương trình phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội kết nối 18 doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đăng ký tuyển dụng làm việc ở các ngành, nghề: giáo viên, kế toán, vận tải, xây dựng, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ chăm sóc khách hàng và một số ngành nghề khác.
Đến nay, qua 3 đợt tổ chức, chương trình đã giúp 30 lao động kết nối thành công với các nhà tuyển dụng. Các lao động sẽ chính thức bắt đầu công việc vào đầu tháng 10-2021, tùy vị trí việc làm, người lao động sẽ có mức lương từ 3 - 6 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) cho biết trước dịch chị là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trung tâm Anh ngữ tại TP Nha Trang. Hai tháng qua do dịch, trung tâm tạm dừng hoạt động nên chị trở về Ninh Thuận. Được bạn bè giới thiệu về "ATM việc làm", chị đã đến nộp hồ sơ và phỏng vấn xin việc.
"Em được nhận vào làm việc tại một công ty yến sào với mức lương dựa trên sản phẩm. Qua trao đổi với đại diện công ty, em sẽ có thu nhập khoảng 4 triệu. Em rất mừng vì đã xin được việc làm trong lúc khó khăn này" - chị Xuyến nói.
Còn anh Lượng Văn Chung (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) cho biết trước dịch đã khởi nghiệp trồng nha đam nhưng dịch ập đến, thế là mất trắng.
"Nay qua "ATM việc làm", em xin vào làm nhân viên kinh doanh. Qua trao đổi với nhà tuyển dụng, em sẽ thử việc 2 tháng với 70% lương, khoảng 3 triệu đồng. Sau khi hoàn thành thời gian thử việc, nếu em có năng lực thì nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc tiếp tục cho em làm việc và đề xuất mức lương khác.
Theo ông Hồng, chương trình gặp khó là một số lao động còn có suy nghĩ chỉ làm việc tạm thời, khi hết dịch họ sẽ trở lại các tỉnh, thành phố đã làm việc trước đó nên chương trình đề xuất các doanh nghiệp có những chính sách ưu đãi cụ thể để giữ chân người lao động.
Khó khăn tiếp theo, đa số hồ sơ nộp về "ATM việc làm" chủ yếu là lao động phổ thông trong khi các doanh nghiệp cần nguồn lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm,…
Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp cũng đang thực hiện giãn cách, giảm tải lao động để phòng, chống dịch nên nhu cầu tuyển dụng lúc này không nhiều.
"Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối thêm các doanh nghiệp để hỗ trợ cho người lao động khi dịch bệnh lắng xuống, sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi", ông Hồng hy vọng.
Chương trình "ATM việc làm" hoạt động tại trụ sở Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận (số 34, đường 16-4, phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm).
Người lao động có thể trực tiếp đến liên hệ tại văn phòng hoặc ứng tuyển vị trí việc làm qua fanpage của hội.
Định kỳ hằng tuần, tại trụ sở hội sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ theo nhóm ngành nghề giữa doanh nghiệp và người lao động để trao đổi, thống nhất ký kết các hợp đồng lao động và trao đổi mức lương cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận