12/04/2020 10:48 GMT+7

'ATM gạo' lan tỏa đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng

H.THANH - M.THƯƠNG - P.TUẦN
H.THANH - M.THƯƠNG - P.TUẦN

TTO - Lan tỏa từ máy “ATM gạo” ở TP.HCM, 8h30 ngày 11-4, chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên ở Nhà văn hóa thể thao P.Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chính thức vận hành.

ATM gạo lan tỏa đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng - Ảnh 1.

Những người tổ chức đặt máy “ATM gạo” tại Hà Nội cũng không quên quy định phòng dịch cho bà con - Ảnh: M.THƯƠNG

Từ sáng sớm, hàng trăm người lao động nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn đến xếp hàng theo thứ tự được đánh số sẵn đảm bảo giãn cách 2m, xin lấy túi gạo sẻ chia trong khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Nhiều hoàn cảnh bất ngờ...

Ông Hà Đức Thế (cán bộ về hưu ở phường Nghĩa Tân) xúc động nói có đồng lương hưu đáng lẽ ra ông chẳng đến xin gạo như thế này đâu, vì còn nhiều người khó khăn hơn mình. 

"Cứ ngỡ được sống những ngày cuối đời an nhàn với đồng lương hưu, nhưng tai họa ập đến. Con gái chẳng may bị tai nạn chết não, mọi chi phí trong nhà giờ đổ dồn vào lo cho cháu. Nay được nhận chút gạo này, cho tôi xin ghi nhận tấm lòng sẻ chia của mọi người" - ông Thế bộc bạch.

"Áng chừng mỗi ngày năm người ăn hết 1,5kg gạo" - bà Đào Thị Lý (78 tuổi, ở phường Nghĩa Tân) nhẩm tính. Dịch bệnh chẳng thể đi làm mà trong nhà có con gái đang chạy thận, nuôi hai người con tâm thần, bà rưng rưng nhờ túi gạo này có thể giúp bà cháu không bị đói.

Ngày ngày nhặt rác kiếm sống quanh phường Nghĩa Tân, vừa nghe loa phường thông báo, bà Trần Thị Lành (62 tuổi) lóc cóc đạp xe đến xin bịch gạo. Mấy ngày qua gia đình bữa đói bữa no, nay nhận được túi gạo 3kg, bà Lành ước chừng ăn được 4-5 bữa. 

"Cuộc sống vất vả mà nay lại dịch bệnh, hai ông bà già không đi làm được nên càng khó khăn hơn. Nhận gạo thế này vui lắm" - bà Lành giãi bày.

Cải tiến máy bằng cách đạp pêđan

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi, chủ một nhà sách) - người lên ý tưởng chiếc "máy ATM gạo" ở Hà Nội - chia sẻ mong muốn không để ai "đứt bữa" trong dịch bệnh này. Mỗi ngày, người dân được đến lấy một lần, mỗi lần được 3kg gạo. Đến nhận gạo sẻ chia, người dân phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn để đảm bảo khoảng cách 2m.

"Đọc báo Tuổi Trẻ về cây "ATM gạo" ở TP.HCM, ngay lập tức tôi viết lên Facebook có nên làm ở Hà Nội không? Vừa đăng thì rất nhiều người nói làm ngay đi. Mong muốn là sớm phút nào hay phút đó" - ông Hùng cho biết.

Khó nhất với những người lên ý tưởng là làm sao hoàn thành chiếc máy "ATM gạo" trong dịch bệnh, trong khi hầu hết cửa hàng vật liệu đều đóng cửa. May sao, những người bạn, học trò của ông Hùng liên hệ đến xin được góp sức. 

Sau 48 giờ vừa lên ý tưởng vừa thực hiện, chiếc máy "ATM gạo" đầu tiên có mặt ở Hà Nội với mong muốn sẻ chia cùng bà con nghèo trong đại dịch. 

Anh Doãn Thanh Tùng - người sáng chế máy "ATM gạo" Hà Nội - cho biết điểm cải tiến ở máy này là dùng nút giậm chân thay vì nút ấn tay. Mỗi lần ấn pêđan, gạo sẽ tuôn ra đúng số lượng được lập trình sẵn.

Những người thực hiện cho biết đã chuẩn bị sẵn 10 tấn gạo, phát cho bà con nghèo liên tục từ nay đến khi hết gạo, dự kiến phát đến ngày 30-4. Cũng như ở TP.HCM, vừa mới hoạt động, nhiều người dân Hà Nội cũng đã chở gạo đến đóng góp. 

Sau máy "ATM gạo" miễn phí này, nhiều địa phương đã ủng hộ và sắp tới sẽ triển khai thêm ở một số địa bàn khác để hỗ trợ bà con vượt qua đại dịch.

ATM gạo lan tỏa đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng - Ảnh 2.

Máy “ATM gạo” có mặt ở Hà Nội sẻ chia những hạt gạo đầu tiên cho bà con nghèo trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: M.THƯƠNG

Huế sẽ có 3 máy "ATM gạo" vào tuần tới

Ngày 11-4, rất đông người dân có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn TP Huế tập trung tại Trường ĐH Phú Xuân (Huế) để lấy phiếu thứ tự nhận gạo từ máy "ATM gạo". Tuy nhiên, "kế hoạch ngày 11-4 sẽ bắt đầu phát gạo nhưng người dân đến rất đông, dẫn đến việc không đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhà trường quyết định tạm hoãn và đang tìm địa điểm mới phù hợp, đảm bảo đúng quy định giãn cách an toàn" - ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng ĐH Phú Xuân, cho biết.

Do chưa thực hiện phát gạo từ máy "ATM gạo", nhà trường đã thay thế bằng cách lấy số điện thoại, địa chỉ người dân khó khăn để mang trực tiếp phần quà gồm gạo và dầu ăn đến tận nhà người dân.

Chiều 11-4, ông Hoàng Hải Minh, chủ tịch UBND TP Huế, cho biết UBND TP vừa có ý kiến gửi Trường ĐH Phú Xuân tạm hoãn phát gạo bằng máy "ATM gạo" để tìm địa điểm mới rộng hơn. Hiện UBND TP Huế đang khảo sát, tìm kiếm ba địa điểm để đặt máy "ATM gạo" nhằm hỗ trợ, phát miễn phí cho người dân trên địa bàn TP. 

Các địa điểm đặt máy yêu cầu phải rộng, phù hợp và thuận tiện cho người dân xếp hàng với khoảng cách 2m đảm bảo an toàn phòng dịch. Nguồn kinh phí lắp đặt máy và nguồn gạo do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn TP Huế đóng góp. Dự kiến đầu tuần sau các máy bắt đầu hoạt động phát gạo cho bà con nghèo trên địa bàn TP Huế.

Đà Nẵng: đủ gạo cho 2 máy chạy khoảng 2 tháng

Trong khi đó tại Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết hội đã mua hai máy "ATM gạo" từ TP.HCM về để tuần tới lắp phục vụ miễn phí người lao động khó khăn.

Hai máy "ATM gạo" này sẽ được lắp tại Nhà văn hóa phường Bình Thuận (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) vào tuần tới. Hiện qua vận động các doanh nghiệp hội viên được 50-60 tấn gạo, đủ cho máy chạy khoảng 2 tháng. Khi số lượng gạo ủng hộ tăng cao, hội sẽ triển khai lắp thêm một số máy "ATM gạo" mới.

Trong những ngày qua, nhiều doanh nhân của Đà Nẵng cũng đứng ra kêu gọi tổ chức phát lương thực, thực phẩm hỗ trợ người nghèo, gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

H.KHÁ

Cây Cây 'ATM gạo' đã có mặt ở Hà Nội

TTO - Cây 'ATM gạo' này vừa chạy vừa hoàn thiện, thậm chí có những sai số đầu tiên nhưng những người lên ý tưởng nhận góp ý của bà con và tiếp tục cải tiến, miễn sao gạo đến tay bà con sớm phút nào hay phút đấy.

H.THANH - M.THƯƠNG - P.TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp