Trong đơn kiện tại Tòa án tối cao Anh, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca bị cáo buộc đã "cường điệu hóa" công dụng của vắc xin ngừa COVID-19 do họ phát triển.
Hai nguyên đơn gồm anh Jamie Scott bị chấn thương não vĩnh viễn, và gia đình chị Alpa Tailor - người đã chết sau khi tiêm vắc xin. Hai vụ kiện này mở đường cho 80 yêu cầu bồi thường thiệt hại, ước tính khoảng 80 triệu bảng Anh (gần 100 triệu USD).
Sẽ bồi thường ra sao trong vụ AstraZeneca bị kiện vì vắc xin COVID-19?
Biến chứng máu đông
Vấn đề khởi kiện của các nguyên đơn liên quan đến một biến chứng được xác định là chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do tiêm vắc xin COVID-19 (vaccine Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia, gọi tắt là "VITT").
Trong vòng vài tháng sau khi vắc xin của AstraZeneca được tung ra, các chuyên gia đã phát hiện ra tác dụng phụ này, do vắc xin có thể gây giảm tiểu cầu huyết khối, tạo ra các cục máu đông và chảy máu bất thường.
AstraZeneca sau đó khuyến cáo chỉ tiêm cho người dưới 40 tuổi. Từ loại vắc xin từng được cựu thủ tướng Boris Johnson ca ngợi là "chiến thắng của nền khoa học Anh", tới nay nó không còn được dùng nữa và Chính phủ Anh mới đây đã đề xuất các loại vắc xin khác để tiêm liều tăng cường trong mùa thu năm nay.
Số liệu chính thức từ Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cho thấy ít nhất 81 trường hợp tử vong ở Anh bị nghi ngờ có liên quan đến VITT. Gần 1/5 số người mắc phải tình trạng này đã chết.
Trong đơn kiện, anh Jamie Scott, ông bố hai con, cho biết sau khi tiêm ngừa hồi tháng 4-2021 anh đã bị cục máu đông gây tổn thương não vĩnh viễn, không thể tiếp tục làm việc. Anh được chẩn đoán bị giảm nhận thức, trí nhớ, năng lực xử lý và khó nói chuyện. Nguyên đơn thứ hai là chồng chị Alpa Tailor, 35 tuổi, người đã chết sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca, bỏ lại hai đứa con nhỏ.
Theo vợ anh Scott, gia đình họ quyết định khởi kiện vì khoản bồi thường 120.000 bảng Anh (gần 147.000 USD) của chính phủ là không thỏa đáng. "Chính phủ nói vắc xin này an toàn và hiệu quả nhưng những gì xảy ra với Jamie đã thay đổi cuộc sống của anh ấy, và vắc xin (AstraZeneca) đã gây ra điều đó", báo Telegraph dẫn lời bà Scott.
Cơ chế bồi thường
Trong đơn kiện, gia đình Scott nói vắc xin của AstraZeneca bị "lỗi", và họ cũng không được thông báo về nguy cơ xảy ra chứng VITT lúc tiêm ngừa. Về hiệu quả của vắc xin, luật sư của Scott nói hãng dược này đã "gây hiểu nhầm cho công chúng" khi công bố thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19, có tên là Vaxzevria, giúp ngăn ngừa đến 70% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng.
Tuy nhiên đây chỉ là tỉ lệ nguy cơ tương đối, tức so sánh giữa người mắc bệnh không tiêm ngừa và có tiêm ngừa. Trong khi đó, tỉ lệ giảm nguy cơ tuyệt đối (tức chỉ số đo lường khả năng vắc xin làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 cơ bản của một người tại một thời điểm cụ thể và phụ thuộc vào mức độ dịch bệnh) của vắc xin này chỉ là 1,2%.
Đối với hiệu quả của vắc xin, các tài liệu tại tòa cũng đề cập việc Cơ quan Quản lý quy tắc thực hành thuốc kê đơn (PMCPA) hồi tháng 7-2022 xác định AstraZeneca đã vi phạm quy tắc khi nhiều lần sử dụng từ "an toàn" trong thông cáo báo chí, và không tiết lộ mức giảm nguy cơ tuyệt đối khi tiêm vắc xin.
Ngoài ra vụ kiện cũng sẽ xem xét vai trò của chính phủ trong việc đưa ra các khuyến cáo cho người dân khi liên tục điều chỉnh độ tuổi tiêm vắc xin AstraZeneca, trong khi Đức đã ngưng tiêm vắc xin này cho người dưới 60 tuổi từ tháng 3-2021.
Đến nay khoảng 148 người được chi trả theo cơ chế bồi thường các tổn thương do vắc xin của Chính phủ Anh. Nhưng nhiều người bất mãn với mức 120.000 bảng và chỉ bồi thường cho trường hợp thương tật trên 60%.
Khoảng 80 nguyên đơn đang theo dõi hai vụ kiện của nhà Scott và Tailor trước khi tham gia vụ kiện tập thể vào cuối năm nay, động thái có thể làm tan biến niềm tin với vắc xin Vaxzevria.
Nhiều quan chức đã kêu gọi chính quyền cải tổ cơ chế bồi thường và giải quyết các tranh cãi trước khi chúng được đưa ra tòa.
"Đây là vấn đề của chính phủ. Chính phủ không nên phủi tay việc này. Không ai trong chúng ta có thể tự tin rằng một ngày nào đó ta sẽ không phải trải qua những điều này nữa, và nếu có thì cần phải giữ niềm tin vào việc tiêm chủng đại trà", ông Jeremy Wright, cựu tổng công tố Anh, nói.
AstraZeneca vẫn khẳng định an toàn
Trong phản hồi sau đó, AstraZeneca khẳng định sự an toàn của bệnh nhân là "ưu tiên hàng đầu", và vắc xin của họ đã "liên tiếp được chứng minh là có hồ sơ an toàn có thể chấp nhận được". Họ nói các cơ quan quản lý trên toàn thế giới "luôn tuyên bố lợi ích của tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ tiềm ẩn cực kỳ hiếm".
Vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca được phê chuẩn tại Anh rất sớm, vào tháng 12-2020, và ban đầu được sản xuất trên cơ sở phi lợi nhuận. Đến nay, khoảng 3 tỉ liều đã được phân phối trên toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận