Bà Johanna Son, người sáng lập Reporting ASEAN, phát biểu trong phần thảo luận về báo chí ASEAN ngày 18-2 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG |
“Tôi muốn những người tham gia, đặc biệt phóng viên, hãy quan tâm nhiều đến những bài viết về khu vực, trong đó cần nhiều bài viết sáng tạo và phê bình hơn nữa xung quanh chủ nghĩa khu vực tại ASEAN |
Bà Johanna Son (nhà báo người Philippines, hiện là giám đốc và nhà sáng lập Reporting ASEAN) nói với Tuổi Trẻ |
Với sự tham dự của khoảng 100 chuyên gia, học giả và phóng viên, chương trình Reporting ASEAN 2017 nhằm thúc đẩy báo chí, học giả các nước trong khu vực truyền tải thông tin, phân tích và thông điệp về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo cách đa dạng và khách quan hơn, thay vì chỉ tập trung vào những hội nghị, kỳ họp thường niên.
Chưa được truyền thông tương xứng
Các diễn giả tại chương trình Reporting ASEAN 2017 thống nhất rằng ASEAN tồn tại rất nhiều vấn đề và câu chuyện thú vị cần chia sẻ. Công tác truyền thông về ASEAN vì thế cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên ASEAN mang hình hài một cộng đồng dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng kinh tế (AEC), Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC).
Trong khi đó, năm 2017 là thời điểm đánh dấu cột mốc 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Các chuyên gia nhận định rằng ASEAN đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và khẳng định tầm quan trọng trong các vấn đề quốc tế.
“Thành tựu nổi bật nhất của ASEAN trong 50 năm qua là giữ gìn được sự ổn định và hòa bình trong khu vực... Quan trọng hơn, ASEAN thể hiện được vai trò trung tâm và những đóng góp vào an ninh và các vấn đề đa phương của khu vực, dù việc mở rộng ASEAN từ 5 tới 10 nước cũng tạo ra sự đa dạng về lợi ích quốc gia đặt trong bối cảnh của khối” - TS Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Singapore, cho biết.
Bên cạnh đó, những hạn chế trong cộng đồng ASEAN, bao gồm khác biệt trong vấn đề Biển Đông với đối trọng Trung Quốc, cũng thu hút nhiều ý kiến khác nhau. Các chuyên gia thảo luận về việc liệu ASEAN đã “trưởng thành” ở tuổi 50, hay đang gặp phải “cuộc khủng hoảng tuổi trung niên”.
Phát biểu tại sự kiện ngày 17-2, Phó tổng thư ký ASEAN AKP Mochtan khẳng định cần nêu rõ cụ thể đâu là “cuộc khủng hoảng”.
Theo ông Mochtan, ASEAN vẫn duy trì những nỗ lực để đạt sự thống nhất vì lợi ích chung trên mọi phương diện, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng lòng tin và tận dụng sức mạnh từ sự đoàn kết.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hầu như các nước ASEAN chưa truyền thông đầy đủ về nhau và về khối.
Từ đó nảy sinh một nghịch lý rằng trong khi ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm của chính phủ và giới quan sát trên toàn cầu thì hình ảnh của khối và cộng đồng chưa được truyền tải mạnh mẽ ngay chính từ truyền thông các nước thành viên.
Điều đó góp phần gây khó khăn cho công cuộc hội nhập của ASEAN. “ASEAN đã không nhận được sự chú ý xứng đáng như giá trị của khối” - TS Tang Siew Mun nhận định.
Thách thức đối với báo chí
Trong các cuộc trao đổi ngày 18-2, các chuyên gia đánh giá chung rằng những tin tức về ASEAN hầu như còn hạn chế trong các nền báo chí khu vực ngoại trừ Thái Lan, Philippines và một phần Malaysia.
Lý giải về điều này, chuyên gia Kavi Chongkittavorn tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia, ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết thái độ của người đọc cũng đóng vai trò quan trọng bên cạnh việc lựa chọn và phát hiện tin tức từ khu vực ASEAN.
Ông Kavi Chongkittavorn, người có 25 năm nghiên cứu về ASEAN, nói với Tuổi Trẻ: “Khi làm tin về ASEAN, nhiều người vẫn tự hỏi liệu có ai đọc tin không. Việc thiếu vắng các cuộc tranh luận đồng nghĩa với việc độc giả vẫn chưa quan tâm lắm đến vấn đề ASEAN.
Tại Thái Lan, số lượng tin tức về ASEAN đóng góp nhiều vào việc thay đổi suy nghĩ của độc giả”.
Thông thường, bên cạnh những bài phân tích liên quan, tin tức về ASEAN chủ yếu nhận sự chú ý từ độc giả trong những kỳ họp quan trọng.
Trong khi đó, điểm yếu trong khâu truyền thông về ASEAN là việc thiếu thông tin giữa báo chí các nước với nhau và chỉ chú trọng quan điểm của một quốc gia. Thách thức lớn đối với báo chí trong khu vực là “chuyển từ tư duy quốc gia sang tư duy khu vực”, theo nhận định của TS Tang Siew Mun.
Cần đặc thù hơn Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề chương trình Reporting ASEAN, chuyên gia Seree Nonthasoot, đại diện của Thái Lan tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN, nhận định rằng tin tức về khu vực cần phải đặc thù để giúp độc giả dễ tiếp cận hơn. “Trong thời đại này, tin tức truyền thống đang bị mạng xã hội đe dọa. Nếu chúng ta đưa tin tổng quan, chung chung về các cuộc họp của ASEAN, tôi nghĩ ở bất kỳ nước nào báo chí cũng gặp khó vì độc giả ít quan tâm. Tôi cho rằng các tin tức này cần phải đặc thù hơn, cụ thể hơn để dễ nắm bắt và hướng tới đối tượng nhất định. Lấy ví dụ tại Thái Lan, báo chí đưa những tin tức rất cụ thể xung quanh thay đổi của ASEAN với ảnh hưởng từ AEC, điều này thu hút sự quan tâm khi nó đánh vào lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp của người làm kinh tế, chính sách ở Thái Lan. Đồng thời, họ sẽ phản ứng cụ thể lên mạng xã hội và từ đó tin tức sẽ có giá trị hơn” - ông Seree Nonthasoot nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận