13/11/2018 09:30 GMT+7

ASEAN phải giữ vai trò kiến tạo

LÊ NAM - TRẦN PHƯƠNG
LÊ NAM - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chiều nay 13-11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần 33 khai mạc tại Singapore với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

ASEAN phải giữ vai trò kiến tạo - Ảnh 1.

Quốc kỳ các nước ASEAN tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần 33 - Ảnh: Reuters

Thượng đỉnh lần này được kỳ vọng là diễn đàn để lãnh đạo các nước thảo luận tìm ra cách ứng xử phù hợp trước sức ép ngày càng gia tăng từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và các vấn đề an ninh khu vực cấp bách khác, trong đó có Biển Đông.

“Làm thế nào để ASEAN tiếp tục vai trò là người kiến tạo và đầu tàu trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực mở và thu nạp?

Thạc sĩ Hoàng Thị Hà

Chủ nghĩa đa phương... lung lay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Hoàng Thị Hà, Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof-Ishak (Singapore), cho rằng thế giới đã và đang chứng kiến sự lung lay của chủ nghĩa đa phương trên quy mô toàn cầu.

Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chủ động rút ra khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế, tập trung vào cách tiếp cận song phương, đặc biệt trong quan hệ thương mại.

Xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Cùng lúc đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và ảnh hưởng phức tạp đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Á vốn tham gia mật thiết vào chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ đa quốc gia gắn liền với thương mại Mỹ - Trung.

Theo thạc sĩ Hoàng Thị Hà, cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng rõ nét không chỉ trong lĩnh vực chính trị an ninh (như trong vấn đề Biển Đông và Đài Loan) mà còn ở địa hạt kinh tế công nghệ.

Các tuyên bố chính sách của chính quyền Trump không còn ngần ngại nhận diện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Chính quyền Trump trong năm qua liên tục triển khai các biện pháp cứng rắn công khai đối với chính sách bảo hộ công nghiệp của Trung Quốc trên hàng loạt các vấn đề như thâm hụt thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chính sách "Made in China 2025" hướng tới tham vọng thống trị các ngành công nghệ chiến lược trong tương lai của Trung Quốc.

Bà Hà cho biết tại hội nghị lần này, Phó tổng thống Mike Pence được kỳ vọng sẽ nêu ra những cam kết, chính sách và biện pháp cụ thể hơn để lôi kéo sự ủng hộ của các nước ASEAN đối với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP).

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác chính trị và an ninh với ASEAN thông qua sáng kiến Vành đai - con đường và Tầm nhìn đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2030.

Thu hút các quốc gia lớn

Các chuyên gia Đông Nam Á cho rằng trong bối cảnh đó, ASEAN không thể chỉ là bên tiếp nhận thụ động và bị dẫn dắt bởi các nước lớn.

Sáng kiến của Indonesia về "phiên bản ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương" là cơ hội để nghiêm túc thảo luận lập trường chiến lược của ASEAN đối với cấu trúc quyền lực mới đang định hình ở khu vực - một phiên bản Ấn Độ - Thái Bình Dương xuất phát từ tầm nhìn mở và thu nạp, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Vannarith Chheang, chuyên gia nghiên cứu ASEAN, nhận định các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ sẽ đưa ra khái niệm FOIP, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong khái niệm này.

"Mỹ sẽ trấn an các đồng minh và đối tác của mình trong ASEAN rằng họ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ của FOIP. Mỹ, Nhật Bản, Úc sẽ nêu lên những lo ngại về việc quân sự hóa trên Biển Đông và hậu quả của nó đối với sự ổn định của khu vực" - TS Vannarith Chheang nói.

Ông Trump bỏ lỡ các hội nghị châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vắng mặt ở Thượng đỉnh ASEAN tại Singapore và cả Hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea sau đó. Thay vào đó, ông Trump sẽ gửi cấp phó Mike Pence với hi vọng trấn an các nước về chính sách của Mỹ tại châu Á, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến Singapore, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Papua New Guinea.

Tại Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 16 quốc gia ngoại trừ Mỹ. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc dự kiến công bố các bước tiến của đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

"Cam kết của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ hơn" - ông Mike Pence tuyên bố trước khi lên đường đến châu Á, khẳng định sự vắng mặt của tổng thống Mỹ không phải "thờ ơ" mà ông phải ở "nơi mà người Mỹ cần ông".

Hoạt động của Thủ tướng ở Singapore

10h sáng nay (13-11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội sang Singapore tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 13 đến 15-11.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng sẽ đến tham quan gian hàng Tuần lễ hàng hóa Việt Nam ở Singapore và dự khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 33. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự các cuộc họp giữa ASEAN và các nước đối tác bao gồm: Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á và các đối tác do thủ tướng Singapore chủ trì.

ASEAN lần đầu ký kết thỏa thuận thương mại điện tử

TTO - Thỏa thuận đã trải qua 9 vòng đàm phán khởi đầu từ tháng 6-2017 để đạt được ba nội dung chính. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế Internert của khu vực ASEAN sẽ đạt mức 200 tỉ USD.

LÊ NAM - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp