12/10/2024 10:00 GMT+7

ASEAN mở rộng hợp tác cho kỷ nguyên mới

Chiều 11-10, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và chuỗi hội nghị liên quan chính thức khép lại sau bốn ngày ở Vientiane với gần 20 hoạt động, hơn 30 lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự, khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận.

ASEAN mở rộng hợp tác cho kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (trái) trao búa chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong chiều 11-10 - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Lào cũng chuyển giao vị trí chủ tịch ASEAN luân phiên cho Malaysia, bắt đầu nhiệm kỳ chính thức từ ngày 1-1-2025.

Tận dụng các động lực tăng trưởng mới

Trả lời phỏng vấn báo chí về chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuỗi hội nghị lần này không chỉ làm sâu sắc kết nối nội khối mà còn giúp hợp tác giữa ASEAN và các đối tác ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực mới và đầy tiềm năng.

Để thúc đẩy kết nối giao thương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, các lãnh đạo ASEAN và các đối tác đã thông qua Tuyên bố cấp cao ASEAN + 3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, Tuyên bố về cơ bản hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc phiên bản 3.0.

Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada được kỳ vọng kết thúc vào năm 2025.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác cũng nhất trí tăng cường hợp tác tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái xe điện. Nhiều tuyên bố quan trọng đã được thông qua tại các hội nghị lần này thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước.

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và bốn kế hoạch chiến lược về hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối, dự kiến thông qua trong năm 2025, sẽ tiếp nối và kế thừa những thành quả đã đạt được và là động lực giúp ASEAN bứt phá trong kỷ nguyên mới.

"Các lĩnh vực hợp tác mới, mang tính thời đại sẽ được phản ánh xuyên suốt trong các chiến lược triển khai tầm nhìn, định hình nỗ lực của ASEAN trong việc nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…, qua đó tiếp tục cho thấy sự chủ động, tính năng động và sức sống của ASEAN, đồng thời tạo cơ sở để các đối tác tiếp tục gắn kết với khu vực và tăng cường hợp tác cụ thể với ASEAN" - ông Sơn nêu.

Tìm giải pháp cho Myanmar, Biển Đông

Cũng như các hội nghị cấp cao ASEAN gần đây, chuỗi hội nghị ở Vientiane vẫn bị phủ bóng bởi hai vấn đề địa chính trị lớn liên quan trực tiếp đến khối này: khủng hoảng ở Myanmar và tranh chấp ở Biển Đông.

Tại Vientiane, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi ASEAN và Trung Quốc khẩn trương hơn trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Theo Hãng tin AP, lãnh đạo các bên liên quan đã nhất trí sẽ nỗ lực và hoàn thành COC vào năm 2026.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 11-10, Ngoại trưởng Antony Blinken - người thay mặt Tổng thống Joe Biden dự chuỗi hội nghị ở Vientiane - cho biết Mỹ quan ngại về các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định Washington sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở tuyến thương mại hàng hải quan trọng này.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thúc giục các quốc gia bên ngoài khu vực ASEAN tôn trọng các nỗ lực hòa bình của nước này ở Biển Đông. Ông Lý cũng kêu gọi các quốc gia bên ngoài, dù không nêu tên cụ thể, đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở tuyến hàng hải quan trọng này.

Về vấn đề Biển Đông, gần như ở tất cả các hội nghị và tiếp xúc song phương ở Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN và các nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim của Malaysia, quốc gia sẽ giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2025, cũng kêu gọi tất cả các bên áp dụng cách tiếp cận hợp tác trong việc giải quyết tranh chấp, theo các nguyên tắc được công nhận toàn cầu của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.

Về vấn đề Myanmar, Thủ tướng Malaysia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế vượt qua lời nói suông và đóng vai trò chủ động hơn trong việc hỗ trợ các sáng kiến của khối.

"Tất cả các thành viên của ASEAN đều rất quan tâm đến việc khu vực này không bị xung đột và các căng thẳng khác. Điều này sẽ cản trở quá trình hòa bình và ổn định, trong đó không thể không nhắc đến các xung đột phát sinh từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc", ông Ibrahim nêu.

60

Theo Bộ Ngoại giao, với lịch hoạt động dày đặc và liên tục trong bốn ngày ở Vientiane, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong đoàn đã tham dự hơn 60 hoạt động cả song phương và đa phương, khẳng định hình ảnh chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác.

ASEAN mở rộng hợp tác cho kỷ nguyên mới - Ảnh 2.Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN

Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp