Cuộc gặp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 21 do đại diện Hàn Quốc và Singapore đồng chủ trì. - Ảnh: N.Bình
Đây được xem là bước tiến triển đáng kể của sáng kiến này sau nhiều năm bàn thảo.
Theo ông Dong Yeon Kim - phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Tài chính và chiến lược Hàn Quốc, bản sửa đổi mới sẽ tăng cường cơ chế CMIM trong vai trò mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Các nước cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính bao gồm kéo dài thời gian phối hợp giữa cơ chế CMIM và các công cụ cho vay của IMF để đảm bảo CMIM sẽ là công cụ hữu hiệu.
Đây là một phần trong tuyên bố chung được đưa ra tại Cuộc gặp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 21 diễn ra ở Manila, Philippines tối 4-5.
Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 51 kéo dài từ ngày 3 đến 6-5.
Tuyên bố đã tái khẳng định cam kết tăng cường các mối quan hệ kinh tế, tài chính khu vực giữa các nước thành viên.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á 20 năm trước, các nền kinh tế ASEAN +3 đã không ngừng nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản kinh tế vĩ mô, đồng thời khẳng định chính sách tiếp tục mở cửa thương mại, đầu tư nước ngoài và dịch chuyển dòng vốn.
Liên quan đến Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), tuyên bố chung cũng hoan nghênh việc thông qua chủ trương tăng vốn cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN +3 (CGIF) để tăng quy mô bảo lãnh cho các dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ 700 triệu USD lên 1,2 tỉ USD, đồng thời chào đón sự đóng góp của Nhật Bản, Phillipines và Singapore.
Tại cuộc họp năm nay các nhà hoạch định chính sách đến từ các quốc gia thành viên ASEAN +3 tiếp tục tìm kiếm những nỗ lực xây dựng thành quả nâng cao sự bền vững tài chính khu vực.
Tại buổi họp báo, ông Heng Swee Keat, bộ trưởng tài chính Singapore, cho biết một trong những hợp tác được thực hiện hóa đó là hiện Singapore đã thành lập Văn phòng cơ sở hạ tầng châu Á nhằm mục đích phát hành trái phiếu để tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như phát triển thị trường trái phiếu dài hạn trong khu vực ASEAN.
"Văn phòng đóng vai trò tăng cường tính kết nối bởi hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng tài chính cho cơ sở hạ tầng tại các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong xây dựng các tiêu chí cơ sở hạ tầng của ASEAN và thúc đẩy việc đưa các dự án của khu vực vào hệ thống tiêu chuẩn và chỉ số toàn cầu...", ông Heng Swee Keat nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận