12/05/2023 08:58 GMT+7

ASEAN chờ thành viên mới trong năm 2023

Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2023, đang thúc đẩy mạnh mẽ việc kết nạp Timor-Leste trong năm nay. Lộ trình kết nạp thành viên mới đã được lãnh đạo ASEAN thông qua vào ngày 10-5 tại Indonesia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Timor-Leste Taur Matan Ruak - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Timor-Leste Taur Matan Ruak - Ảnh: TTXVN

"Xin cảm ơn ngài Joko Widodo, tổng thống Indonesia kiêm chủ tịch ASEAN 2023, vì sự hỗ trợ và cam kết của ông cho đến nay, cũng như đã mời tôi tham dự hội nghị cấp cao lịch sử này", Thủ tướng Timor-Leste Taur Matan Ruak bày tỏ khi gặp ông Widodo vào ngày 9-5. 

Gọi là lịch sử bởi đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Timor-Leste được mời dự Hội nghị cấp cao ASEAN, dù chỉ với tư cách quan sát viên.

Cơ hội vàng cho Timor-Leste

Năm ngoái, tại Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 41 ở Campuchia, lãnh đạo khối 10 nước đã đồng ý về nguyên tắc kết nạp Timor-Leste. Lần gần nhất ASEAN có một thành viên mới là năm 1999, với sự gia nhập của Campuchia.

Jakarta đang thúc đẩy Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ, xem đó là một trong những di sản đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Widodo trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng (kết thúc vào năm 2024). 

Việc kết nạp Timor-Leste không chỉ thể hiện sự "hấp dẫn" của ASEAN sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, mà còn cho thấy quan hệ giữa Indonesia và Timor-Leste, nơi từng bị Jakarta chiếm đóng, đã cải thiện nhiều thế nào.

Kể từ năm 2002, mối quan hệ song phương giữa hai nước không ngừng phát triển. Bất chấp tranh chấp biên giới trên đất liền đang diễn ra, các nhà lãnh đạo Indonesia thường gọi Timor-Leste là "láng giềng tốt". 

Tổng thống Widodo thậm chí còn gọi hai nước là "anh em thân thiết". 

Indonesia vẫn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Timor-Leste. Hai nước đã liên tục mở rộng quan hệ quân sự, chủ yếu dưới hình thức đào tạo cho các sĩ quan Timor-Leste tại Indonesia.

Với Timor-Leste, nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Indonesia là một cơ hội vàng không thể bỏ qua. Dili (tên thủ đô của Timor-Leste) nộp đơn xin gia nhập khối vào năm 2011, cũng là năm Indonesia làm chủ tịch luân phiên ASEAN. 

Trong cuộc gặp ông Widodo vào ngày 9-5, ông Matan Ruak đã cam kết chính phủ của ông sẽ tuân thủ lộ trình mà các bên đã thống nhất.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Trong bài viết trên trang The Diplomat, nhà phân tích Patrick Dupont (Singapore) cho rằng sự gia nhập của Timor-Leste sẽ giúp củng cố tính tự cường của ASEAN. Đảo quốc này nhiều tiềm năng về dầu khí và dự kiến sẽ là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm 2023. Gia nhập ASEAN, Timor-Leste có thể đóng góp nhiều hơn cho chuỗi cung ứng của khối.

Đối với Indonesia, việc Timor-Leste vào ASEAN là một triển vọng đôi bên cùng có lợi và sẽ mang lại lợi ích cho an ninh của Indonesia, tăng cường ảnh hưởng khu vực và ảnh hưởng chính trị của nước này. 

"Mặt khác, sự hội nhập của Timor-Leste vào chủ nghĩa khu vực Đông Nam Á là một cách để Jakarta đảm bảo rằng ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài khác bị giảm bớt", ông Dupont bình luận.

Ý chí chính trị trong việc kết nạp Timor-Leste đã có, song điều cản trở là năng lực của Dili trong đảm bảo các nghĩa vụ của một thành viên ASEAN. Có rất nhiều nghĩa vụ, từ việc tham dự, chủ trì và tổ chức các cuộc họp của ASEAN cho đến việc thanh toán các khoản đóng góp tài chính cho Quỹ phát triển ASEAN và Ban thư ký ASEAN.

Bên cạnh đó là vấn đề cơ sở hạ tầng, tính kết nối của Timor-Leste với các thành viên khác. Giải quyết vấn đề này sẽ mất nhiều thời gian ngay cả khi có sự hỗ trợ từ các nước thành viên và các tổ chức ngoài ASEAN.

Một vấn đề nữa là tái cấu trúc nền kinh tế của Timor-Leste vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và sử dụng đồng đô la Mỹ. Đã có những lo ngại rằng việc kết nạp Dili sẽ cản trở quá trình đạt được Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2025.

Theo giới chuyên gia, Timor-Leste phải cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận thêm các nghĩa vụ bổ sung khác bên cạnh những cam kết với WTO. Dili cũng sẽ phải có các bước đi giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, tăng thu hút FDI và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN cần thích ứng năng động và tự cường

Ngày 11-5, các nhà lãnh đạo đã bước vào phiên họp hẹp bàn về tình hình thế giới và các vấn đề khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay, song cũng chưa bao giờ khối phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện tại. ASEAN vừa là tâm điểm của nhiều sáng kiến, vừa là trọng điểm trong cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho ASEAN là thích ứng năng động và tự cường để khẳng định giá trị chiến lược.

ASEAN cần củng cố đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần độc lập, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm. Đồng thời, các nước phải vì mục tiêu chung, hài hòa giữa lợi ích quốc gia và ASEAN. Theo Thủ tướng, đó là điều quan trọng nhất hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần duy trì cách tiếp cận khách quan, cân bằng, trách nhiệm trong vấn đề Nga - Ukraine và nhắc đến tầm quan trọng của duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định.

Gặp gỡ ông Taur Matan Ruak sau phiên họp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Timor-Leste sớm trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc thành công chuyến công tác hội nghị ASEANThủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc thành công chuyến công tác hội nghị ASEAN

Tối 11-5, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc hội nghị ASEAN thành công tại Indonesia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp