27/06/2014 17:04 GMT+7

ASEAN cần có cách tiếp cận khu vực với vấn đề biển Đông

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - Làm thế nào duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN trong các thách thức như xung đột ở biển Đông. Đó là một trong các nội dung được các quan chức cấp cao ASEAN bàn đến trong cuộc họp hôm 27-6.

dlKwW6Ya.jpgPhóng to
Các vị trưởng đoàn tham dự cuộc họp SOM đặc biệt ngày 27-6 tại Hà Nội chụp hình lưu niệm theo phong cách bắt tay kiểu ASEAN - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27-6 đã tổ chức cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) của 10 nước ASEAN. Đây là cuộc họp đặc biệt được tiến hành theo đề xuất của Việt Nam để dành cho chủ đề vai trò trung tâm của ASEAN.

Sau phiên họp buổi sáng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh - trưởng SOM Việt Nam - đã dành cho một số phóng viên cuộc trao đổi ngắn.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu nội dung.

* VTV: Đề nghị thứ trưởng cho biết nội dung cuộc họp SOM đặc biệt hôm nay và lý do của cuộc họp?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Cuộc họp hôm nay tập trung bàn vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Khu vực này trong những năm qua có sự thay đổi, biến động lớn.

ASEAN chuẩn bị hướng vào xây dựng cộng đồng, các cường quốc đều gắn bó hơn với khu vực này, nhưng những tương tác của các cường quốc với nhau, với ASEAN có điều chỉnh, biến động. Có nhiều thách thức đặt ra đối với khu vực.

Việc bàn thế nào ASEAN tăng cường vai trò trung tâm hơn nữa trước những biến động là cần thiết.

Đây là cuộc họp Việt Nam đề xuất và được các nước đồng tình. Hôm nay chúng tôi bàn những vấn đề đó.

Trong bàn bạc, các nước đều nhấn mạnh phải củng cố, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và người ta đặt ra tại sao phải củng cố và nhìn nhận vai trò trung tâm của ASEAN thế nào? ASEAN sống trong khu vực và với tư cách hiệp hội của các quốc gia nhỏ, ASEAN cần nêu tiếng nói, lợi ích của mình không để bị tác động bởi tương tác của các nước lớn. Đây là một ưu tiên quan trọng của ASEAN.

Thứ hai, để làm được điều đó ASEAN phải đoàn kết để có tiếng nói chung. ASEAN phải bàn định được cách tiếp cận của mình đối với những vấn đề đặt ra của khu vực, làm sao thúc đẩy nội khối về những vấn đề ASEAN có lợi ích như xây dựng cộng đồng, gắn kết các đối tác mà không bị hiểu là đứng về bên này hay bên kia, chẳng hạn như thể hiện quan điểm của ASEAN về những biến động khu vực.

ASEAN phải xử lý tương tác trong quan hệ với các đối tác. Ở đây có hai khía cạnh, ASEAN đã thiết lập được một loạt quan hệ đối tác thì làm sao làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác này vì lợi ích của các nước ASEAN, cũng như gắn bó với lợi ích của các quốc gia đối tác đó.

Trong tương tác giữa các nước lớn với ASEAN hay giữa các nước lớn với nhau thì không phải lúc nào cũng song trùng lợi ích của các tương tác này với lợi ích ASEAN. Làm sao ASEAN phải đưa ra được tiếng nói của mình, làm sao thuyết phục được các nước lớn là cùng ASEAN xây dựng mục tiêu chung của khu vực là hòa bình, ổn định và cùng phát triển chung.

Thứ ba, làm sao ASEAN có tiếng nói và ứng phó được các thách thức nổi lên.

Trong những thách thức này, người ta nói đến hai cụm thách thức.

Thứ nhất, với các vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh thì ASEAN đã có một số cơ chế để giải quyết trong nội bộ ASEAN cũng như trong hợp tác ASEAN với các đối tác tốt hơn như là thách thức biển đối khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Nhưng rõ ràng những thách thức này ngày càng lớn và cơ chế hiện tại của ASEAN chưa đáp ứng đủ. ASEAN phải bàn tiếp để có cơ chế mạnh để có thể đáp ứng, đồng thời giải quyết ngay mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Thứ hai là về những loại tranh chấp liên quan lãnh thổ, lãnh hải. Vừa rồi vấn đề biển Đông nổi lên rất nhiều, ASEAN đã bàn cách tiếp cận của mình là làm sao đạt được những phương án tiếp cận của ASEAN nhằm đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trong quá trình bàn về biển Đông, cách tiếp cận của ASEAN trong khuôn khổ của cuộc hội nghị này là vai trò trung tâm của ASEAN nên họ đặt ra cách tiếp cận khu vực: vì sao và như thế nào về cách tiếp cận khu vực này?

Thứ nhất, họ nhìn từ góc độ làm sao đảm bảo được an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Thứ hai, ASEAN coi trọng tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, vậy làm sao đảm bảo tuân thủ được luật pháp quốc tế và công ước này?

Thứ ba, trong khu vực có nhiều thỏa thuận liên quan đến cách ứng xử ở trong khu vực này cũng như trực tiếp đến vấn đề biển Đông. Đó là Hiệp ước hợp tác hữu nghị ở Đông Nam Á (TAC) hay Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Cuối cùng, khi có sự việc xảy ra, sự cố xảy ra thì ASEAN phải có tiếng nói thế nào để thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà còn thể hiện trách nhiệm của mình?

TtLDI81L.jpg
Ông Aung Lynn - trưởng đoàn SOM Myanmar, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN - Ảnh: Nguyễn Khánh

Phải khắc phục khiếm khuyết của DOC

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trong dịp này, chúng ta có những chia sẻ tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, đặc biệt sự phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như đưa rất nhiều tàu hộ tống, bảo vệ, liên tục gây ra những hành động gây hấn, đâm va tàu.

Phân tích ở góc độ khu vực thì:

Thứ nhất, điều này thật sự đã ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Thứ hai, việc sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của một nước là trái với thỏa thuận của ASEAN và Trung Quốc, DOC cũng như trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Thứ ba, việc đưa những giàn khoan, tàu này vào vùng thềm lục địa một quốc gia khác, theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, là trái với công ước.

Thứ tư, việc Trung Quốc chủ động đưa giàn khoan vào trong khu vực thềm lục địa của quốc gia khác thì trong DOC có quy định không được làm phức tạp thêm tình hình.

Trong hôm nay, các nước sẽ bàn tiếp: vậy tiếng nói của các nước ASEAN sẽ thế nào?

Tôi tin chắc ASEAN phải khẳng định, ủng hộ việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải khu vực.

Thứ hai, phải nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước về Luật biển.

Thứ ba, nhấn mạnh việc tuân thủ DOC là văn bản mà Trung Quốc đã cam kết, đã ký.

Thứ tư, không được sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền. Đây là nguyên tắc rất lớn của ASEAN trong quan hệ quốc tế cũng như trong việc chia sẻ, xây dựng những nội hàm về quy định của khu vực, cách ứng xử của khu vực.

ASEAN là tập hợp một loạt nước nhỏ nên muốn các quốc gia phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau thì việc sử dụng sức mạnh để áp đặt những chủ kiến, những đòi hỏi chủ quyền của mình đều không được chấp nhận.

Cuộc gặp này của ASEAN khởi động một vòng nữa để ASEAN bàn nhiều hơn về vai trò trung tâm của mình và về tính trách nhiệm của ASEAN đối với những vấn đề diễn ra ở khu vực. Đây sẽ là cả quá trình.

Chúng ta đã đề xuất để khởi động trong một bối cảnh khu vực đang có những thay đổi như vậy, tôi tin rằng đây là nền tảng để ASEAN bàn nhiều hơn, có định hướng thúc đẩy được vai trò định hướng của mình như trông đợi.

* Lao Động: Thưa thứ trưởng, cuộc gặp đặc biệt diễn ra trong thời điểm mà căng thẳng biển Đông đang leo thang, đặc biệt với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam cũng như gần đây Trung Quốc đưa ra bốn giàn khoan khác vào biển Đông. Phản ứng của các nước về vấn đề này như nào?

Liệu ASEAN sẽ tìm được tiếng nói chung cũng như vai trò trung tâm ra sao đối với nguy cơ Trung Quốc có thể đưa hạ đặt giàn khoan vào những vùng biển hiện đang chồng lấn với cả các quốc gia khác chứ không chỉ riêng Việt Nam?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trước hết, chúng ta thấy ASEAN phải xử lý những vấn đề này từ góc độ khu vực, từ góc độ khu vực này như tôi đã nói là có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, đảm bảo thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, công ước về Luật biển và thỏa thuận khu vực, mà ở đây cụ thể là DOC.

Để xem xét dưới góc độ đó, người ta có phản ứng ngắn hạn và phản ứng dài hạn. Phản ứng ngắn hạn là khi sự việc xảy ra thì lập tức bày tỏ quan ngại, cái này ASEAN đã làm vào ngày 10-5-2014 khi ở Nay Pyi Taw cùng nhiều văn kiện cấp cao vào dịp đó. Trong quá trình bàn, người ta tính xem là với những tuyên bố như vậy của ASEAN thì cần thúc đẩy gì nữa để các bên cùng chia sẻ, các bên cùng thực hiện.

Thứ hai là nhìn về tầm dài hạn. Dường như những cơ chế luật pháp quốc tế, những khuôn khổ của khu vực này đã có, nhưng làm sao để có cơ chế thực thi hiệu quả nhất?

Ví dụ trong tuyên bố DOC có 10 đoạn, 10 quy định, nhưng để thiếu cái lớn nhất là cơ chế bảo đảm thực hiện những quy định này. Chẳng hạn lúc nãy, tôi nói là điều 5 không cho phép làm gì phức tạp thêm tình hình mà chuyện đưa giàn khoan vào, đưa các tàu vào không chỉ trái với luật pháp quốc tế mà trái với DOC.

Làm sao bảo đảm được rằng có một cơ chế để bảo đảm những quy định của DOC như vậy là được thực hiện thì hôm nay bàn rất nhiều. Chắc chắn đây sẽ là một nội dung ASEAN phải bàn nữa và bàn với Trung Quốc để hình thành những điều đó.

Cũng là cái dài hạn, vậy Bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai sẽ ra sao. Nhiều lần tôi nói COC phải dựa trên và phát huy được nguyên tắc tích cực đã có trong DOC, nhưng nó phải bổ khuyết những gì mà DOC còn khiếm khuyết.

Theo quan điểm của Việt Nam mà Việt Nam đã chia sẻ với các nước ASEAN và ASEAN cũng nhất trí, chí ít có mấy điều này mà DOC đang thiếu:

Thứ nhất DOC là tuyên bố chính trị. Vậy người ta cần một bộ quy tắc có giá trị ràng buộc, mà tốt nhất ràng buộc pháp lý như thế nào. Cái này chắc chắn ASEAN đã chia sẻ và ASEAN sẽ phải trao đổi với Trung Quốc.

Thứ hai là cơ chế bảo đảm thực hiện, khi COC có những quy định trong tương lai thì những quy định đó phải được bảo đảm thực hiện, phải xây dựng những quy chế và các cơ chế dàn xếp thế nào để có thể bảo đảm việc này.

Thứ ba là làm sao có cơ chế bảo đảm ngăn ngừa những sự cố, rủi ro xảy ra. Khi những sự cố và rủi ro xảy ra rồi thì làm sao quản lý, không để bùng nổ thành xung đột.

Tất cả cái này là ASEAN đang bàn trong nội bộ của mình và cơ bản đã thống nhất. Chắc chắn trong quá trình tham vấn và bàn bạc với Trung Quốc sắp tới ASEAN sẽ bàn tới.

Tôi cho rằng ở đây chúng ta phải nhìn ASEAN từ góc độ khu vực thì họ tính cả ứng xử trước mắt, thái độ của mình như nào đối với một sự cố xảy ra. Từ góc độ khu vực, trước những sự cố đã xảy ra và có thể xảy ra thì những cơ chế thỏa thuận của khu vực này cần làm gì.

TpJd4jDd.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh - trưởng SOM Việt Nam (thứ 3 từ phải sang) - trao đổi với các đại biểu đến từ các nước ASEAN bên lề cuộc họp - Ảnh: Nguyễn Khánh

Quan hệ chằng chịt đòi hỏi tham vấn sâu hơn

* Tuổi Trẻ: Để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, nhất định phải có sự đoàn kết. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tính đoàn kết của ASEAN, nhất là khi đứng trước các sự cố đặc biệt như là tranh chấp chủ quyền?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Bây giờ ta phải hiểu chung về sự đoàn kết của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN: Mười nước ASEAN thống nhất với nhau trên một số nguyên tắc, thế nhưng không phải vấn đề nào thì lợi ích quốc gia của các nước thành viên cũng song trùng với nhau. Cho nên trên bất cứ vấn đề nào cũng có điểm chung và điểm khác biệt trong ASEAN.

Vậy quan trọng nhất khi có một vấn đề được coi là vấn đề của khu vực thì làm sao ASEAN đạt được tiếng nói chung.

Trong buổi hôm nay, ASEAN cũng bàn nhiều về chuyện này.

Thứ nhất là người ta quay lại cái gọi là phương cách ASEAN. Bởi trong ASEAN có những chế độ chính trị xã hội và lợi ích quốc gia khác nhau như vậy nhưng lại có rất nhiều chia sẻ lợi ích chung. Thế để làm sao một vấn đề khi xảy ra thì tất cả các nước ASEAN đều coi đó là mối quan tâm chung của mình. Rồi từ quan tâm chung thì phản ứng của ASEAN là thế nào?

Họ nhấn mạnh phương cách ASEAN, nhưng trên thực tế nếu muốn đúng phương cách ASEAN là tăng cường đồng thuận thì tham vấn phải nhiều hơn. Chỉ có tham vấn thì các nước mới hiểu được nhau, mới hiểu được khía cạnh đây là vấn đề thuộc quan tâm chung, mới thấy được rằng có lợi ích chung riêng, mà phải kết hợp lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực.

Cuối cùng, chỉ có thông qua tham vấn, người ta đứng trên cương vị, lập trường của ASEAN thì người ta không ngại cấn cá với một nước lớn nào đó.

Bởi vì chằng chịt các mối quan hệ tương tác nên nếu không tham vấn sâu thì khó tìm ra được công thức chung. Ngoài ra, người ta nói nhiều làm sao kết hợp được lợi ích quốc gia và khu vực. Đó là vấn đề ASEAN phải bàn tiếp nhiều.

Thứ ba, khi sự việc xảy ra mà ASEAN không họp thì làm sao ASEAN có được tham vấn để từ đó có tiếng nói tập thể kịp thời thì cuộc họp SOM hôm nay cũng bàn.

Thứ tư, tận dụng cơ chế hiện nay của ASEAN mà theo hiến chương có lẽ tăng cường được hơn rất nhiều chẳng hạn như cơ chế họp bộ trưởng ngoại giao, cơ chế họp SOM như thế này, hay những cơ chế thường trực của ASEAN như Ban thư ký ASEAN hay là Ủy ban các đại sứ ASEAN bên cạnh ASEAN ở Jarkata. Điều này phải tăng cường hơn nữa về năng lực.

Trong hiến chương đã đề ra rất nhiều, nhưng khi đi vào thực tế để có thể phát huy những cơ chế này đồng thời phát huy được sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ chế này cũng không phải là dễ.

Vừa rồi ASEAN thành lập nhóm đặc trách tăng cường hơn nữa vai trò của Ban thư ký ASEAN và sự phối hợp giữa các cơ quan trong ASEAN. Cái này đang tiếp tục họp, chắc chắn ý tưởng cuộc họp SOM này sẽ được đưa vào cơ chế đó để nâng lên.

Liên quan khi có sự việc cụ thể như biển Đông chúng ta thấy rồi, để ra được một tuyên bố trước hết phải thấy rõ tuyên bố về vấn đề gì, tham vấn ra sao để bảo đảm được đoàn kết.

Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN ngày 10-5, theo tôi, đã đánh dấu một sự thể hiện rất trách nhiệm vai trò trung tâm của ASEAN trước một sự việc rất phức tạp. Nếu nhìn lại hai năm trước thì rõ ràng có một bước tiến của ASEAN.

Không có chuyện Trung Quốc không muốn bàn COC

Trả lời Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp, ông Aung Lynn - trưởng đoàn SOM Myanmar, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN - cho biết vai trò trung tâm của ASEAN đã được các cường quốc đối tác của ASEAN công nhận, trong đó có Trung Quốc.

“Nước CHND Trung Hoa hiểu rõ quan hệ của họ với ASEAN về mọi mặt, trong đó có vấn đề biển Đông. Như các bạn đã biết, ASEAN và Trung Quốc đang trong tiến trình tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Đây là điều chúng tôi mong chờ được thấy có tiến bộ”.

Ông Aung Lynn cũng khẳng định ông chưa hề nghe thấy tin tức gì về chuyện Trung Quốc muốn trì hoãn việc thảo luận về COC.

Ông nói: “Hiện nước điều phối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc là Thái Lan, và Thái Lan đang làm việc chặt chẽ với Trung Quốc. Cách đây vài ngày chúng tôi đã có cuộc họp ở đảo Bali, Indonesia về việc làm thế nào để thúc đẩy công việc của DOC. Đây là những việc đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc”.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp