Biện pháp này nhằm tăng năng lực giảm sốc cho các nền kinh tế châu Á trước những bất ổn có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ như đã từng xảy ra vào năm 1997-1998. Thỏa thuận này đạt được bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, qui tụ 63 bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng.
Các bộ trưởng ASEAN + 3 còn thông qua "một cơ chế ra quyết định tập thể" nhằm thực thi việc trao đổi này "như bước đầu tiên tiến tới đa phương hóa", theo một thông cáo phối hợp được đưa ra tại cuộc họp.
Quyết định trao đổi tiền tệ để giúp nhau giảm sốc đã được đưa ra trong sáng kiến Chiang Mai vào năm 2000, cho phép các quốc gia ASEAN + 3 mượn dự trữ USD của các thành viên khác, chủ yếu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, để chi cho các nhu cầu ngắn hạn và bình ổn đồng tiền trong thời gian thị trường xảy ra hỗn loạn. Theo thông cáo vừa đưa ra, thỏa thuận bổ sung cho phép linh hoạt hóa lượng ngoại tệ trao đổi bằng các đàm phán song phương.
Cuộc họp do ADB triệu tập từ ngày 4 đến 6-5 còn bàn về vai trò của ADB trong đấu tranh giảm nghèo, giá dầu đang tăng và việc định giá lại đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, và đồng ý tăng chi tiêu trong nước để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận