03/04/2016 14:03 GMT+7

Argentina phải thua “quỹ kền kền”

HOÀNG DUY
HOÀNG DUY

TTO - Quốc hội Argentina đã phê chuẩn thỏa thuận 
chi tiền trả nợ cho các 
quỹ đầu tư để chấm dứt 
15 năm mang nợ.

Tổng thống Mauricio Macri muốn khép lại vụ kiện của các quỹ đầu tư - Ảnh: AFP
Tổng thống Mauricio Macri muốn khép lại vụ kiện của các quỹ đầu tư - Ảnh: AFP

“Ông Macri được bầu đã làm thay đổi tất cả

Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa

Đêm 30-3 (giờ địa phương), sau 13 giờ thảo luận sôi nổi, Thượng viện Argentina đã tiếp bước Hạ viện phê chuẩn thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư đã từng mua nợ công vào thời Argentina gặp khó khăn kinh tế.

Gánh nặng khủng hoảng nợ công

Trở lại thời kỳ cuối năm 2001, Argentina tuyên bố mất khả năng trả nợ nước ngoài đến 100 tỉ USD. Khủng hoảng nợ phát sinh do chi quá nhiều dưới chế độ độc tài quân sự cầm quyền (1976-1983).

Sau đó, trong những năm 1990, chính phủ của tổng thống Carlos Menem lại ấn định tỉ lệ đổi đồng peso ngang ngửa đồng USD. Hậu quả ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng.

Hai năm 2001 và 2002 là những năm đen tối nhất đối với kinh tế Argentina. Tỉ lệ thất nghiệp bùng nổ. Các giao dịch ngoại hối tạm dừng vô thời hạn. Các tài khoản ngoại tệ trong ngân hàng đều bị đóng băng.

Đến năm 2005, để xử lý khủng hoảng nợ công, tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007) đã đề nghị đổi trái phiếu đáo hạn lấy trái phiếu mới trị giá bằng 70% nợ cũ.

Cuối cùng có 93% người giữ trái phiếu Argentina đồng ý đảo nợ. 7% còn lại không đồng ý, trong đó có các quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius của Mỹ.

Theo AFP, các quỹ đầu tư này còn gọi là “quỹ kền kền” vì chuyên làm giàu bằng cách săn lùng mua lại nợ với giá rẻ mạt. Năm 2008, quỹ đầu tư NML Capital của tỉ phú Mỹ Paul Singer đã bỏ ra 80 triệu USD mua lại các trái phiếu có giá trị danh định lên đến 400 triệu USD.

Argentina chấp nhận trả tiền

Do không đồng ý đảo nợ nên các quỹ đầu tư kiện ra tòa án Mỹ bởi một phần trái phiếu Argentina phát hành ở Mỹ.

Tháng 7-2012 tại New York, thẩm phán Thomas Griesa tuyên Argentina phải trả 100% giá trị trái phiếu cộng thêm lãi suất. Thẩm phán cũng cấm Argentina trả các khoản nợ tái cấu trúc trong năm 2005 và 2010 chừng nào các quỹ đầu tư chưa được trả tiền.

Hai năm sau, Tòa án tối cao Mỹ công nhận bản án đã tuyên. Thế nhưng lúc bấy giờ nữ tổng thống Argentina Cristina Kirchner kiên quyết không thi hành án của Mỹ bởi Argentina lại rơi vào khủng hoảng nợ hồi tháng 7-2014 do giá nguyên liệu xuống.

Sự việc nhùng nhằng đến cuối tháng 2-2016, Argentina mới đạt được thỏa thuận với các “quỹ kền kền”. Với thỏa thuận này thì chỉ riêng quỹ đầu tư NML Capital của tỉ phú Paul Singer đã bỏ túi 2,28 tỉ USD, số tiền cao gấp 25 lần vốn bỏ ra ban đầu.

Báo Le Soir phân tích rằng 54 nghị sĩ Argentina bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư vì mong muốn đưa Argentina thoát khỏi bàn tay tham lam của các “quỹ kền kền”, bởi nếu không trả nợ thì lãi vẫn cứ tăng trong khi Argentina đã sử dụng hết mọi giải pháp pháp lý.

Có 16 nghị sĩ bỏ phiếu chống bởi cho rằng không thể để Argentina phải gánh thêm khoản nợ mới 12,5 tỉ USD theo thỏa thuận. Họ tố cáo các “quỹ kền kền” là “bọn cho vay nặng lãi”, “bọn khủng bố tài chính”.

Họ cho rằng thỏa thuận trả nợ đã làm trái hai đạo luật thông qua dưới thời tổng thống Cristina Kirchner (2007-2015) quy định cấm tạo điều kiện tốt cho các quỹ đầu tư hơn những người giữ trái phiếu đã chấp nhận đảo nợ.

Vì sao phải thua “quỹ kền kền”?

Trước khi bay đến Washington tham dự hội nghị an ninh hạt nhân hôm 31-3, Tổng thống Argentina Mauricio Macri giải thích phải đạt được thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư thì Argentina mới có thể vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế vốn đã loại trừ Argentina từ năm 2001.

Báo Le Monde nhận định thỏa thuận trả nợ là chiến thắng chính trị lớn của Tổng thống Mauricio Macri (mới cầm quyền hồi tháng 12-2015). Ông quyết tâm khép lại “vụ kiện thế kỷ” như người Argentina đôi lúc đã gọi.

Trong một lần nói chuyện trên truyền hình đầu tháng 3, ông khẳng định: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Argentina phải lấy lại lòng tin cậy và tín nhiệm để thúc đẩy kêu gọi đầu tư”. Đương nhiên có những ý kiến cho rằng Argentina đang chịu thiệt.

Ông Roberto Lavagna, nguyên bộ trưởng kinh tế thời tái cấu trúc nợ năm 2005, chỉ trích thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư là “cực kỳ hao tổn cho đất nước”. Tuy nhiên, tân Tổng thống Macri phản bác lại ý kiến đó và cho rằng ông đang “trả giá” cho lề lối quản lý sai lầm của chính phủ trước đó.

Nhiều nhà kinh tế lại tỏ ra lạc quan, cho rằng nhờ có Tổng thống Mauricio Macri, đất nước Argentina từ nay đã giở sang trang.

Tân tổng thống đã hủy bỏ một số biện pháp bảo hộ ban hành dưới thời hai tổng thống Nestor Kirchner và Cristina Kirchner, giảm thuế trong công nghiệp, phá giá đồng peso, hủy bỏ biện pháp kiểm soát tỉ giá.

Các nhà phân tích của Văn phòng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định: “Argentina đã tìm lại sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Thỏa thuận lịch sử đã được Chính phủ Argentina đạt được với các quỹ đầu tư vào cuối tháng 2-2016 tại New York.

Các quỹ đầu tư đồng ý nhận 75% giá trị trái phiếu và sẽ không kiện Chính phủ Argentina nữa. Thỏa thuận đồng ý chi 4,65 tỉ USD từ nay đến ngày 14-4, đồng thời phát hành trái phiếu trị giá 12,5 tỉ USD.

HOÀNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp