Vấn đề được đông đảo tín đồ “quả táo cắn dở” quan tâm hiện nay là cửa hàng trực tuyến của Apple sẽ có giá bán cạnh tranh trực tiếp như thế nào với các đại lý ủy quyền (AAR), ngoài việc chăm sóc khách hàng Việt theo đúng chuẩn Apple.
Giá cửa hàng trực tuyến không cạnh tranh với đại lý?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty FPT Retail (chủ sở hữu hệ thống bán lẻ FPT Shop và F.Studio by FPT) cho rằng: “Cửa hàng trực tuyến Apple tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu”, trong khi các đại lý bán lẻ Việt Nam thừa sức cạnh tranh mọi khâu trong việc đưa sản phẩm đến tay người mua.
“Theo quan sát của chúng tôi với các trang bán hàng trực tuyến của Apple tại các nước khác, FPT Shop chúng tôi luôn tự tin vẫn mang lại trải nghiệm vượt trội với khách hàng Việt”, đại diện hệ thống này cho biết.
Bà Phùng Phương, đại diện truyền thông hệ thống Di Động Việt, nhận định: “Giá bán của cửa hàng trực tuyến Apple sẽ khó có thể rẻ hơn giá bán của các hệ thống bán lẻ. Apple không thể phá giá sản phẩm của họ vì như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các đại lý ủy quyền (AAR) và hiện tại mức giá tại thị trường Việt Nam đã quá rẻ so với các khu vực khác”.
Bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, cũng cho rằng: “Giá bán của Apple Store sẽ là giá niêm yết của hãng, cho nên sẽ không cạnh tranh bằng các cửa hàng bán lẻ”.
Tương tự, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, nhận định: “Với các chuỗi bán lẻ, ngoài giá bán thì các dịch vụ như thu cũ đổi mới, trả góp tài chính, ưu đãi thanh toán… là những nét khác biệt để cạnh tranh”.
Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng: “Đôi khi kênh bán hàng trực tiếp của hãng có ưu đãi nhiều hơn, thậm chí phá giá nhiều hơn ở một số thời điểm. Do vậy việc cạnh tranh, lấy số bán của các nhà bán lẻ là có chứ không thể nói là không ảnh hưởng. Mức độ như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách giá bán của trang trực tuyến này”.
Việc các hãng bán hàng online tại Việt Nam không phải lần đầu diễn ra. Như Samsung đã bán hàng online tại Việt Nam từ lâu nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các hệ thống bán lẻ…
Đông đảo người dùng Việt vẫn có thói quen thích đến trực tiếp cửa hàng để mua sắm, trải nghiệm sản phẩm và nhận sự tư vấn trực tiếp từ nhân viên cửa hàng hơn là mua online.
Người dùng Apple hưởng lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Thế giới Di động lạc quan cho rằng: “Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển tích cực cho thị trường Việt Nam, là dấu hiệu cho thấy Apple xem Việt Nam là quan trọng. Với sự quan tâm lớn hơn cho thị trường, cuối cùng người dùng sẽ là người hưởng lợi”.
Đại diện hệ thống này còn “hào hứng chờ đợi ngày thị trường Việt Nam được nâng cấp, sớm có Apple Store Offline (cửa hàng Apple bán trực tiếp) và như thế, khách hàng Việt sẽ có thể mua được sản phẩm mới cùng thời điểm với các thị trường hàng đầu trên thế giới”.
Đồng quan điểm, đại diện FPT Retail cũng “đang chờ đợi việc ra mắt của trang bán hàng trực tuyến Apple tại Việt Nam. Đây là dấu mốc đánh giá sự đầu tư lớn, toàn diện của Hãng Apple vào thị trường, giúp thúc đẩy tăng trưởng cho toàn thị trường. Người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng Việt khi có nhiều sự lựa chọn, ưu đãi khi mua sắm sản phẩm Apple”.
Bên cạnh đó, đại diện FPT Retail còn cho rằng động thái của Apple giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.
Trước đó, Apple cũng làm rất nhiều động thái với các hệ thống bán lẻ như nói chuyện để nhà bán lẻ hiểu rằng việc mở cửa hàng trực tuyến giúp cho thị trường Việt Nam được nhiều khách hàng quan tâm và trải nghiệm mua sản phẩm Apple tốt hơn.
“Họ cũng từng ví dụ Apple store tại Thái Lan rất lớn, nhưng xung quanh Apple Store tại Thái Lan là các cửa hàng bán lẻ điện thoại mở rất nhiều và họ kinh doanh rất tốt”, đại diện hệ thống 24hStore cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận