Việt Nam hiện có hơn 97 triệu dân. Sự phát triển của điện thoại thông minh đang đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số. Hơn 51 triệu người đang sử dụng thiết bị di động để truy cập mạng xã hội, giải trí, làm việc mỗi ngày.
Ăn app, ngủ app, thức dậy... mở app
Mỗi sáng, dù còn đang nằm trên giường nhưng việc đầu tiên của Hồng Uyên (Q.5, TP.HCM) là mở app Facebook trên smartphone để kiểm tra trang bán hàng quần áo của mình, tiếp đó là lướt và tương tác với các thông tin từ bạn bè trên mạng xã hội này.
"Sau đó tôi mở app trò chơi nông trại quen thuộc để kiểm tra tình hình phát triển cũng như thực hiện các nhiệm vụ của trò chơi. Hết game, tôi mới mở app lịch hẹn làm việc trong ngày để lên kế hoạch hôm nay sẽ làm những gì. Tiếp đó, tôi sẽ kiểm tra email và trao đổi công việc, nhắn tin với bạn bè qua các app chat Viber, Facebook Messenger, Skype" - Uyên chia sẻ về khởi đầu mỗi ngày của mình.
Còn đối với Thanh Phong (Q.Phú Nhuận) thì chơi game là niềm đam mê hàng chục năm nay của anh nên gần như trò chơi nào anh cũng chơi thử. "Ngoài những game phổ biến của một số nhà phát hành trong nước, tôi đang chơi một số game như: Blade of kingdom, Hoàng đế phong lưu, Vĩnh hằng kỷ nguyên... Đây là những game từ các nhà phát hành bên Trung Quốc cung cấp tại thị trường Việt Nam. Tôi thấy nhiều người chơi nên cũng chơi thử cho biết chứ không quan tâm nó được cấp phép hay chưa".
Thận trọng hơn, chị Thủy Tiên (Q.Thủ Đức) cho biết: "Tôi hay dùng những app phổ biến, nổi tiếng và phải cung cấp tất cả nhu cầu tôi muốn cũng như không bị dính bản quyền phát hành. Chẳng hạn như chơi game thì có Pubg, xem phim thì có Zing TV, nghe nhạc thì Music pro... Tuy nhiên, các app không quan trọng còn lại thì tôi không quan tâm lắm, chỉ cần đúng nhu cầu là tôi xài, bởi vì nó miễn phí, tôi cũng không phải nạp tiền nên mình chả mất gì".
Dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me - Đồ họa: TUẤN ANH
Đó cũng là xu hướng sử dụng chung của rất nhiều người dân Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những người trẻ. Theo thống kê của Công ty Appota, Việt Nam hiện có gần 33 triệu người chơi game trên điện thoại, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, công việc. Số người chơi được ước tính sẽ tăng lên đến 40 triệu người vào năm 2020.
Cũng theo báo cáo của Appota, Việt Nam hiện có 66% dân số kết nối Internet nhưng trong đó có đến 55% người dân kết nối qua điện thoại di động. Thời gian online trung bình của người dùng Việt mỗi ngày lên đến 6 giờ 42 phút. Sử dụng điện thoại di động tức là dùng ứng dụng. Điều đó cho thấy tình trạng sử dụng app của người dùng Việt Nam là cực kỳ phổ biến.
Đồ họa: TUẤN ANH
Khó cho người kinh doanh
Với sự xâm nhập ngày càng sâu rộng của Internet và smartphone, việc sử dụng app gần như gắn liền với cuộc sống hằng ngày của rất nhiều người Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, nội dung app là tốt hay xấu, có vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật... vẫn phó mặc cho người dùng, doanh nghiệp liên quan bởi luật chưa có quy định để quản lý chặt chẽ, Nhà nước cũng không dễ gì quản được hết các app, nhất là các app xuyên biên giới.
Chẳng hạn hiện nay trên các kho app của hệ điều hành iOS và Android, người dùng dễ dàng tìm thấy nhiều app cung cấp các nội dung phim ảnh, ca nhạc hoàn toàn miễn phí. Người dùng thấy miễn phí đương nhiên thích xài và không cần biết rằng nhiều doanh nghiệp trong nước đang "đau khổ" bởi chuyện vi phạm bản quyền ngang nhiên và trắng trợn này.
Ông Phan Thanh Giản - giám đốc điều hành dịch vụ truyền hình Internet ClipTV - cho rằng hiện nay tình trạng lấy trộm, sao chép nội dung và khai thác trên app hoặc website tại Việt Nam vẫn đang khá nhức nhối.
"ClipTV đã và đang bị rất nhiều trường hợp từ cả kênh truyền hình, đặc biệt là với các sự kiện diễn ra như bóng đá và các bộ phim bộ hoặc các phim Việt rạp mới mua về, đang chiếu thì cũng đã bị khai thác, diễn ra liên tục và gây nhiều thiệt hại cho ClipTV từ uy tín với các nhà cung cấp nội dung đến doanh thu của dịch vụ", ông Giản nói.
Còn ông Lương Công Hiếu - giám đốc Công ty truyền thông Galaxy - cho biết: "Vi phạm bản quyền phim trong app xảy ra với các phim của Hollywood và châu Á là phổ biến. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài khiến cho mảng kinh doanh xem phim theo yêu cầu trực tuyến của Galaxy gặp nhiều khó khăn. Số lượng thuê bao trên app không thể tăng trưởng như kỳ vọng, cũng như công ty tiếp tục phải bù lỗ trả tiền bản quyền cho các studio để duy trì dịch vụ".
Theo các doanh nghiệp nêu trên, việc vi phạm bản quyền trên cả web và app hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện. Chủ thể vi phạm thường không lộ diện và khó điều tra hơn trước. Hơn nữa, rất nhiều cá nhân lấy trộm diễn ra nên việc xử lý càng khó hơn. Đó là chưa kể việc phát hiện vi phạm trên app khó hơn trên web...
Quản được!
Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho biết quản lý và xử lý các app lậu và không phép không khó. Biện pháp quản lý hữu hiệu nhất là các cơ quan như Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... cùng phối hợp, theo dõi, phát hiện các app cung cấp các dịch vụ nội dung không phép, vi phạm pháp luật như các game cờ bạc, vi phạm bản quyền...
Nhưng mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bị hại, bị ảnh hưởng quyền lợi bởi các app không phép, app lậu cũng phải tích cực lên tiếng, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý cùng tăng cường quản lý, góp phần rà soát loại bỏ những app lậu, hoạt động không đúng quy định của pháp luật.
Chỉ những chủ thể sở hữu hợp pháp mới khẳng định được mức độ vi phạm của app lậu, app vi phạm bản quyền và bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính xác nhất. Doanh nghiệp mới biết mình bị xâm phạm quyền lợi, bản quyền đến đâu để cơ quan nhà nước hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Yêu cầu bỏ truy cập trực tiếp Netflix trên SmartTV tại VN
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông vừa yêu cầu các doanh nghiệp Samsung, LG, Sony, TCL bỏ việc truy cập trực tiếp vào ứng dụng Netflix từ phím bấm trên điều khiển từ xa ở nhiều dòng sản phẩm Smart TV được sản xuất từ năm 2018 đã có tích hợp sẵn Netflix.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet tại Việt Nam. Nội dung truyền hình cung cấp trên dịch vụ của Netflix không được biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các phim điện ảnh, phim truyền hình chưa thực hiện các yêu cầu về biên tập, cấp phép phổ biến phim. Vì vậy, nhiều nội dung cung cấp trên Netflix đã vi phạm các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, về mặt thanh toán, Netflix cho người dùng thực hiện thanh toán trực tiếp từ tài khoản thanh toán quốc tế của người dùng Việt Nam và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước Việt Nam. Những bằng chứng vi phạm này đã được cơ quan chức năng gửi trực tiếp đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận