Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Dù vẫn tha thiết đi tìm một mối quan hệ, nhiều người đã chán "quẹt quẹt" trên ứng dụng hẹn hò để tìm ý trung nhân vì mọi thứ ngày càng ít miễn phí, trong khi có chi tiền thì cũng hoài công tốn của.
Các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Hinge, Bumble hay CMB đã thay đổi cách người ta gặp gỡ và tìm hiểu. Giờ thì chính chúng đang đối mặt với khủng hoảng sống còn.
Khoảng 350 triệu người trên khắp thế giới đang có ứng dụng hẹn hò trên điện thoại, tăng đáng kể so với con số 250 triệu năm 2018, theo Công ty nghiên cứu Business of Apps. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, hẹn hò trực tuyến đang dần mất đi sức hút.
Sensor Tower, một công ty nghiên cứu khác, cho biết số người mở ứng dụng ít nhất mỗi tháng một lần giảm từ 154 triệu năm 2021 xuống còn 137 triệu trong quý 2-2024.
Hôm 7-8, Bumble công bố báo cáo tài chính quý 2-2024 với doanh thu kém kỳ vọng - chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo công bố trước đó của Match Group - công ty sở hữu Tinder, Hinge và nhiều ứng dụng hẹn hò khác - cũng chẳng khá hơn là bao: doanh thu trong cùng thời gian tăng vỏn vẹn 4%.
Cần nhớ khi chính thức niêm yết hồi tháng 2-2021, giá trị vốn hóa thị trường của Bumble đạt 13 tỉ USD trong ngày giao dịch đầu tiên, trong khi cuối năm đó giá trị của Match Group đạt gần 50 tỉ USD.
Chuyện làm ăn của cả hai đều trên đà giảm kể từ đó tới nay, cho thấy "người dùng đã vỡ mộng với các ứng dụng hẹn hò, ngày càng ít sẵn sàng chi tiền cho nó, trong khi lại hứng thú hơn với các lựa chọn thay thế trong đời thật (offline)", theo The Economist.
Báo cáo công bố năm ngoái của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 30% người Mỹ trưởng thành sử dụng ứng dụng hẹn hò trực tuyến; trong đó hơn một nửa là tuổi từ 18 đến 29.
Với sứ mạng giúp người dùng hẹn hò, các ứng dụng đã không thực hiện được lời hứa của mình.
Điều này giải thích lý do nhà phát triển các ứng dụng này đang mất dần khách hàng và tuyệt vọng thuyết phục người dùng trả tiền cho các phiên bản trả phí với nhiều tính năng.
Vấn đề là người ta có chịu chi cho những thứ đã từng miễn phí và giá trị phụ thêm có đúng như cam kết?
Matthew Thomason, 27 tuổi, kể trên báo The Washington Post, trả tiền dường như không mang lại nhiều kết quả thực sự hơn, trái lại còn làm trải nghiệm với các ứng dụng hẹn hò xấu hơn.
Đầu tiên Thomason chỉ trả thêm 1 USD để "tăng cường" hồ sơ trong 30 phút (có nhiều người thấy hơn). Sau đó, anh chi thêm vài đô la để "sáng giá" trong 24 giờ, rồi dần dà trả từ 15-30 đô la để truy cập các tính năng từng miễn phí trên một số ứng dụng. Nhưng đổ bao nhiêu tiền vẫn hoài cô đơn.
Chưa 30 tuổi mà Thomason đã có tài khoản ở mọi app tìm tình yêu, từ Tinder và Feeld tới Bumble và Hinge. "Tất cả đều ít hữu dụng hơn và khó truy cập hơn nhiều với mọi tính năng mới được giới thiệu. Nhưng tôi và những người khác vẫn tiếp tục cố gắng với hy vọng có lẽ lần này sẽ thành công" - anh nói.
Cũng như Thomason, nhiều người dùng đồng tình rằng họ không còn có được những trải nghiệm tốt như trước hoặc bị giới hạn rất nhiều khi dùng tài khoản miễn phí.
Hinge sẽ gợi ý cho người dùng các hồ sơ "đẹp" với mức giá 3,99 USD để mua "bông hồng", trước khi có thể chat với phía kia.
Các gói trả phí của Tinder dao động từ 17,99 USD/tháng (được quẹt không giới hạn và có thể thay đổi vị trí của mình) đến 499 USD/tháng (được xem các hồ sơ "đẹp" nhất và nhắn tin đến những người dùng chưa ghép đôi thành công).
Kevin Power, 29 tuổi, sử dụng Hinge, Tinder và Bumble, cho biết mô hình yêu cầu trả phí để gặp người "tương thích nhất" thật ra là thu lợi từ việc độc thân của những người như anh.
Việc anh "lọt vào màn hình" của đối phương không hẳn vì bản thân xuất chúng, mà chỉ vì người kia đã bỏ tiền ra mua "bông hồng" theo cơ chế của Hinge.
Khảo sát cho thấy người dùng không sẵn sàng trả tiền cho các ứng dụng hẹn hò nữa.
Chẳng hạn, số người dùng trả phí của Tinder đã giảm trong bảy quý liên tiếp ở cả nam và nữ.
Tệ hơn, Match Group đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể cáo buộc ứng dụng này dùng "các tính năng thao túng tâm lý" để lôi kéo người dùng trả phí ở lại ứng dụng.
The Economist cho rằng đe dọa lớn nhất với tương lai của app hẹn hò là việc người độc thân có xu hướng quay lại thời "ông bà anh" và tìm tình yêu từ đời thực. Để níu kéo người dùng, một số công ty hy vọng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp họ cải thiện số phận.
Whitney Wolfe Herd, người sáng lập Bumble, có ý tưởng táo bạo rằng trong tương lai có thể chatbot AI của "tôi" sẽ chat với chatbot AI của "bạn", nếu hợp rồi thì chúng ta hãy chính thức trò chuyện với nhau.
Trong lúc thực tế này còn xa vời, các ứng dụng đang tập trung vào các thị trường hẹp nhưng cụ thể, như Grindr dành cho người đồng tính nam hay Feeld, dành cho người muốn có nhiều bạn tình.
Match Group cũng tung ra ứng dụng nhắm đến người đồng tính nam (Archer), cha mẹ đơn thân (Stir), người dân tộc thiểu số (blk, Chispa) và giới thượng lưu (The League).
Những ứng dụng đánh thị trường hẹp này lại "làm ăn được" khi doanh thu quý 2-2024 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ là ứng dụng hẹn hò phục vụ đối tượng riêng, Grindr còn giúp giới thiệu những quán bar người đồng tính nam hay lui tới và cung cấp thông tin về an toàn HIV.
Thành công của nó giải thích vì sao Lidiane Jones, giám đốc điều hành của Bumble, nói rằng mình muốn Bumble được biết đến như một "công ty kết nối, chứ không phải một công ty hẹn hò".
Trong một dự báo lạc quan, Reuben Thomas, giáo sư Đại học New Mexico, cho rằng ứng dụng hẹn hò sẽ chỉ còn hữu ích với người trung niên và lớn tuổi, dư dả thời gian và tiền bạc, thay vì giới trẻ.
Đó là những người nằm trong nhóm dân số có số "đối tác tiềm năng" tương đối ít.
"[Hẹn hò trực tuyến] thực sự hữu ích cho những người không có môi trường hẹn hò phong phú trong cuộc sống ngoài đời của họ" - Thomas nói với The Atlantic.
Trong khi đó, với người trẻ, đặc biệt là thế hệ Z, tìm người để hò hẹn không nhất thiết phải vào app hẹn hò. Đây là thế hệ "ở trên mạng" cả ngày, thành thạo vô số mạng xã hội, mà mạng nào cũng có tính năng nhắn tin riêng (ta quen gọi là inbox).
Và như thế, tương lai của app hẹn hò có thể sẽ giống với quá khứ của chúng: một nơi để những người lớn tuổi tìm đến sau khi đã thử các lựa chọn khác.
Vào những năm 2000, thời kỳ hoàng kim của OkCupid, eHarmony và các ứng dụng hẹn hò trên máy tính để bàn, chính giới trung niên mới là nhóm người dùng chính, theo Thomas. Thế hệ millennial đã có khoảng thời gian vui vẻ trên Tinder trong những năm 2010.
Nhưng với vai trò là lựa chọn hàng đầu cho những người trẻ tuổi đang tìm kiếm tình yêu, các ứng dụng hẹn hò có thể đã là quá vãng.
Khi các ứng dụng hẹn hò đạt đến điểm thoái trào vì "vuốt sang phải" mãi không được gì, thì những cách làm quen, gặp gỡ lãng mạn xưa xưa lại được ưa chuộng.
Theo khảo sát 1.001 người Mỹ thuộc thế hệ Z của nền tảng quản lý sự kiện Eventbrite hồi tháng 6, giới trẻ đang mong muốn có nhiều sự kiện hẹn hò trực tiếp để tìm người yêu.
Chỉ từ tháng 5-2023 đến tháng 4-2024, nền tảng này đã ghi nhận hơn 1,5 triệu lượt tìm kiếm các sự kiện hẹn hò dành cho người độc thân.
Xu hướng này "phản ánh sự thay đổi lớn trong xã hội, con người khao khát những kết nối thực và trải nghiệm ý nghĩa, phù hợp với sở thích của họ" - Eventbrite đúc kết.
Những buổi gặp gỡ trực tiếp dành cho người độc thân, dùng thuật toán để ghép đôi mọi người ngay tại sự kiện như SinglePore có gần 3.000 đăng ký chỉ sau vài giờ.
Trang thông tin về sự kiện này trên TikTok đạt 84.100 người theo dõi vào đầu tháng 5 vừa qua, theo báo South China Morning Post.
Maxine Williams từng là một người dùng khá trung thành của các ứng dụng hẹn hò, song lại có nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ.
Từ kinh nghiệm đau thương đó, cô đứng ra thành lập We Met IRL - đơn vị chuyên tổ chức các buổi hẹn hò ngẫu nhiên ngoài đời thực ở Mỹ. Giá vé 30 USD/người và giới hạn 44 người cho mỗi sự kiện.
"Nói chuyện với 15-20 người sẽ tốn nhiều năng lượng lắm" - Williams chia sẻ với Yahoo News. Cô gái 27 tuổi này cũng lưu ý nho nhỏ cho người tham gia không nên đến buổi gặp với mục tiêu tìm người yêu mà thay vào đó là sự cởi mở kết giao bạn bè mới.
Công ty du lịch Flash Pack thì nhắm vào các khách hàng hay đi du lịch một mình ở độ tuổi từ 30-40.
Hai nhà đồng sáng lập Lee Thompson và Radha Vyas cho biết Flash Pack ra đời nhằm chống lại "đại dịch cô đơn ngày càng trầm trọng" với hy vọng tạo ra những tình bạn ý nghĩa trong mỗi chuyến hành trình, nơi mà lữ khách sẽ gặp được người cùng sở thích.
Theo thống kê của Flash Pack, 80% khách hàng vẫn giữ liên lạc với nhau sau khi kết thúc chuyến du lịch.
Ali Jackson, một chuyên gia tư vấn hẹn hò, đã độc thân khoảng bốn năm, sau khi kiệt sức vì các ứng dụng hẹn hò, cô đăng ký tham dự hai sự kiện mỗi tháng.
Sau mấy lần thử đến các buổi gặp mang tính chất hẹn hò, Jackson nhận ra mình vui hơn ở những buổi tụ tập như trại hè và câu lạc bộ chạy bộ do bạn của bạn cô tổ chức. Kết quả là Jackson đã gặp bạn trai hiện tại ở đó.
Một cách khác là tham gia các dịch vụ hẹn hò tốc độ.
Sự kiện không có người dẫn chương trình, người tham gia có 10 phút để trò chuyện với một người bất kỳ tại đó, hết thời gian thì lại xoay sang trò chuyện với một người khác.
Cuối buổi hẹn hò, họ sẽ chọn "ghép đôi" hay "bỏ qua" trên phiếu của Shuffle. Ngày hôm sau, những người họ đã tiếp xúc sẽ gửi email về cho Shuffle thông báo chấp nhận hay không.
Nếu cả hai cùng đồng ý thì sẽ có số điện thoại của nhau để tiếp tục liên lạc. Mỗi tháng, Shuffle sẽ tổ chức nhiều buổi như thế cho nhiều đối tượng từ dị tính đến đồng tính, thuộc các nhóm tuổi khác nhau ở chín thành phố.
Thập niên 1990, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người gặp được bạn đời, người yêu tại nơi làm việc. Con số ấn tượng này tưởng như chỉ có trong quá khứ.
Nhưng cuộc khảo sát tháng 2 của Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực Mỹ (SHRM) ghi nhận kết quả bất ngờ khi 33% nhân viên thế hệ Y và Z cởi mở hơn với yêu đương chốn công sở. Có đến 49% người tham gia khảo sát nói họ đã phải lòng một đồng nghiệp.
Katrina Gao, 28 tuổi đã gặp vị hôn phu của mình vào năm 2019 khi cả hai đều làm việc tại công ty thời trang Aritzia ở Vancouver.
Theo cô, gặp được người yêu thông qua công việc tốt hơn "100%" so với hẹn hò qua ứng dụng, vì ít nhất thì ta có thể nhìn thấy người đó từ xa, tìm hiểu họ đôi chút trước khi quyết định hẹn hò.
Tương tự, đi "coi mắt" người được người quen giới thiệu (nghe có vẻ lỗi thời) khiến nhiều người độc thân thấy an tâm hơn nhiều so với một người xa lạ trên ứng dụng hẹn hò.
Trang PureWow có bài thăm dò độc giả độc thân cho thấy nhiều phụ nữ thế hệ Y (từ 28 - 36 tuổi) thích hẹn hò kiểu sắp đặt từ người thân, bạn bè.
Một độc giả nói "bằng cách này, bạn xác tín về đối phương thông qua người quen và người quen cũng phần nào hiểu về bạn để kết nối người hợp rơ".
Ngành công nghiệp hẹn hò trực tuyến được dự báo mang về 3,15 tỉ USD doanh thu trong năm 2024, là mảnh đất màu mỡ cho tình yêu nảy nở nhưng cũng là môi trường lý tưởng cho những hành vi xấu và vi phạm pháp luật sinh sôi.
Giữ sạch không gian nhạy cảm này là nhiệm vụ của đội ngũ quản trị viên được thuê để tiếp nhận và xử lý báo cáo từ người dùng.
Bài điều tra tháng 11-2023 do tổ chức phi lợi nhuận The Bureau of Investigative Journalism (TBIJ) thực hiện đã hé lộ góc khuất của nghề quản trị viên ứng dụng hẹn hò thông qua các cuộc phỏng vấn với hơn 40 người đã và đang làm việc cho Match Group - tập đoàn sở hữu nhiều ứng dụng hẹn hò phổ biến.
Những người này có thể là nhân viên chính thức hoặc làm việc theo hợp đồng thuê ngoài do một đơn vị thứ ba cung cấp cho các công ty trên.
Yêu cầu công việc cụ thể có thể khác nhau giữa mỗi ứng dụng, nhưng bức tranh tổng thể nhìn chung là u ám: nhiều quản trị viên cho biết họ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm các triệu chứng của lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) mà theo họ có nguyên nhân trực tiếp từ công việc mình làm.
Một vài người trong số họ thậm chí đã tìm cách tự tử nhiều lần.
Ana sống ở Honduras và làm việc cho Grindr thông qua một công ty thứ ba. Trong vai trò quản trị viên, cô được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau từ hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp thắc mắc về hóa đơn cho đến xử lý báo cáo của người dùng về các vấn đề nghiêm trọng như xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng trẻ em và ngay cả giết người. Ana cho biết sức khỏe tâm thần của cô ngày càng đi xuống kể từ khi nhận việc lúc vừa ra trường.
Cô nghỉ việc vào năm 2019 trong tình trạng lo âu và trầm cảm, không thể tìm được công việc mới trong suốt nhiều tháng và sau đó được chẩn đoán mắc PTSD.
Ana là một trong hàng trăm người Honduras làm việc cho PartnerHero - một công ty có trụ sở chính tại Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng và quản trị viên thuê ngoài (outsourcing).
Các ứng dụng hẹn hò dường như có chung quan điểm: năm 2019, Match Group mua lại toàn bộ cổ phần ứng dụng Hinge và ba năm sau đã sa thải toàn bộ đội ngũ quản trị viên tại Mỹ để thay thế bằng các nhân công thuê ngoài ở Guatemala được cung cấp bởi Công ty Telus với chi phí rẻ hơn nhiều.
Nhiều cựu nhân viên của Match Group nói với TBIJ ban lãnh đạo của công ty dường như không còn xem sự an toàn của người dùng là ưu tiên trong cuộc đua chạy theo lợi nhuận.
Trong phản hồi chính thức với TBIJ, Match Group khẳng định liên tục "cải thiện các tính năng và chính sách để nền tảng trở nên an toàn hơn cho mọi người", còn Grindr cho biết ứng dụng này "tôn trọng sự khó khăn của công việc quản trị viên nội dung" và đã phối hợp với PartnerHero để "liên tục cải thiện các quy trình, đào tạo và hỗ trợ" những người làm công việc này.
Tuy nhiên, những nhân viên "ở trong chăn" thì chỉ ra sự hỗ trợ của công ty không đủ để giúp họ vượt qua những ám ảnh tinh thần đến từ những nội dung độc hại đang bủa vây các nền tảng hẹn hò.
Gael, một người làm việc tự do ở Brazil từng làm quản trị viên cho ứng dụng Bumble cho đến đầu năm 2023, cho biết anh vẫn gặp khó khăn khi nhắc đến hai trường hợp người dùng báo cáo hành vi xâm hại trẻ em mà mình từng phải xem xét.
Người dùng ứng dụng hẹn hò có thể không biết rằng khi họ nhấn nút báo cáo người dùng khác về hành vi vi phạm, báo cáo của họ có thể được một người ngồi tại Honduras, Ấn Độ hoặc Guatemala xem xét bước đầu.
Những người này quyết định xem người dùng bị báo cáo có nên bị cấm khỏi ứng dụng và liệu trường hợp của họ có cần phải chuyển tiếp đến tay các chuyên gia của công ty để đánh giá dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không.
Trước khối lượng công việc quá lớn, một số quản trị viên được TBIJ phỏng vấn bày tỏ quan ngại về khả năng phản hồi nhanh và chính xác của họ đối với các báo cáo từ người dùng.
Laura, cựu quản trị viên Bumble trước khi nghỉ việc vào năm 2022, cho biết không có đủ người để kham hết tất cả những gì đang diễn ra. "Thay vì thuê thêm người, họ đặt áp lực xuống cho chúng tôi phải đạt năng suất cao hơn" - Laura nói.
Bumble kỳ vọng xử lý tất cả báo cáo của người dùng trong vòng 48 tiếng nhưng Laura cho biết thời gian chờ thực tế thường lâu hơn rất nhiều, đôi khi ngay cả những trường hợp nghiêm trọng nhất cũng phải mất hàng tuần để phản hồi cho người báo cáo.
Các báo cáo này được xếp vào hàng đợi có mã màu để theo dõi tốc độ xử lý: càng nhiều báo cáo dồn ứ trong hàng thì màu sẽ chuyển từ xám, cam rồi đến đỏ. "Hầu như màu lúc nào cũng đỏ, bất kể thời gian" - Laura nói.
Trong số 14 cựu quản trị viên Grindr mà TBIJ phỏng vấn, hầu như tất cả đều đồng ý với nhau về những điều kiện làm việc ám ảnh mà họ phải đối mặt. Một người nói rằng họ đã cố gắng tự tử nhiều lần trong và sau thời gian làm việc tại công ty.
Những nhân viên Grindr và Bumble cho biết họ phải đấu tranh gay gắt để được hưởng những phúc lợi như chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Những phúc lợi này khác nhau tùy ứng dụng và tình trạng hợp đồng của quản trị viên, trong đó nhân viên cơ hữu thường nhận được nhiều hỗ trợ hơn so với các đồng nghiệp hành nghề tự do hoặc được thuê ngoài.
Các nhân viên PartnerHero làm việc cho Grindr cho biết mãi đến năm 2020 ứng dụng này mới thuê một bên thứ ba để cung cấp trị liệu và hỗ trợ tiền điều trị cho các quản trị viên ở Honduras. Trước đó, những ai bày tỏ vấn đề về sức khỏe tâm thần được yêu cầu nói chuyện với một thành viên của bộ phận nhân sự.
Sau nhiều nỗ lực vận động từ người lao động, đến tháng 11-2022 PartnerHero bắt đầu thuê một chuyên viên phụ trách sức khỏe nhân viên có nền tảng tâm lý học lâm sàng.
Tuy nhiên, chương trình này được một nhân viên mô tả là "vô ích" khi dường như chỉ có một danh sách các lời tư vấn chung chung được đưa ra cho tất cả mọi người: "Bạn cảm thấy thế nào?", "Bạn có thể ngắt kết nối một chút không?", "Hãy hít thở sâu", "Bạn có thể xin nghỉ một ngày không?", "Bạn có thể nói chuyện với quản lý trực tiếp không?"...
Còn tại Bumble, nhân viên có thể tiếp cận hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua chế độ bảo hiểm tư nhân cũng như một chương trình hỗ trợ nhân viên.
Năm 2022, công ty mở rộng phúc lợi này bằng cách đưa ra "khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe" có thể được sử dụng để chi trả cho các buổi trị liệu hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Tuy nhiên các phúc lợi này không dành cho những người hành nghề tự do như Gael.
Nhiều quản trị viên các ứng dụng hẹn hò đã chọn cách rời đi vì không chịu nổi áp lực của nghề. "Chúng tôi cầu xin sự giúp đỡ, nhưng chưa bao giờ nhận được" - TBIJ dẫn lời Joseph, một cựu nhân viên Grindr.
Với đa số những người này, đây là một quyết định sáng suốt và khiến họ cảm thấy tốt hơn. Ana cho biết sức khỏe của cô đã cải thiện đáng kể sau khi nghỉ việc.
Gael cũng cho biết anh cảm thấy "nhẹ nhàng hơn nhiều" dù phải từ bỏ công việc có thu nhập tốt. "Tôi rất vui khi nghỉ việc (ở Bumble) bởi vì dù công việc đó trả rất, rất hậu hĩnh, nó cũng ảnh hưởng đến cuộc đời tôi rất nhiều" - Gael nói.
Tuy nhiên, những lời phàn nàn hay sự ra đi của các quản trị viên khó có khả năng làm thay đổi môi trường tại các ứng dụng hẹn hò theo hướng tốt hơn. Một cựu quản lý cấp cao tại PartnerHero cho rằng ngành này xem nhân sự thuê ngoài là những người có thể dễ dàng thay thế.
"Khi họ kiệt sức, chỉ việc thay bằng người khác. Có rất nhiều người sẵn sàng chen chân vào cánh cửa này" - vị quản lý này nhận xét.
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận