01/01/2013 00:03 GMT+7

Ấp ủ những dự định vượt khó

Nhóm PV Kinh tế
Nhóm PV Kinh tế

TT - Năm 2013 vẫn được dự báo là năm nhiều khó khăn. Các nhà sản xuất, kinh doanh cho biết sẽ tận dụng các nguồn vốn từ giảm thuế, huy động vốn tự có, tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán hàng.

* Ông Vũ Duy Hải(tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, TP.HCM):

Giảm chi phí, giảm giá bán

Vinacam là một công ty hoạt động trong ngành nông nghiệp, trong đó chủ yếu là xuất nhập khẩu và chế biến phân bón, với doanh số gần 3.000 tỉ đồng trong năm 2012. Chúng tôi đóng khoảng 150 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng mỗi năm. Nếu khoản thuế này được gia hạn hay miễn cho doanh nghiệp trong năm 2013 thì đó là một nguồn tiền mặt cực kỳ quý báu. Được sử dụng nguồn tiền này, chúng tôi sẽ dùng để nhập khẩu nguyên liệu về chế biến và phân phối, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

* Ông Lê Quang Doanh (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Bình Minh):

Nỗ lực phát triển

Năm 2013 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Tôi chỉ mong sao các nhà hoạch định chính sách chủ động nắm trước tình hình để ban hành chính sách hỗ trợ thích hợp và minh bạch. Đừng vì lợi ích cục bộ của một nhóm ngành nào đó mà để hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp rơi vào tình cảnh kiệt quệ, khó khăn rồi mới bắt đầu xem xét, nghiên cứu giải pháp tháo gỡ!

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% vào năm tới, một chỉ tiêu khá khiêm tốn trong bối cảnh khó khăn chung, Bình Minh sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị trị giá khoảng 120 tỉ đồng nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm mới cung ứng cho thị trường. Nói điều này để thấy cộng đồng doanh nghiệp luôn nỗ lực để tồn tại và phát triển. Vấn đề là Nhà nước, các cơ quan hữu quan có thấy sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp để đồng hành cùng họ hay không?

* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Cần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư

Năm qua là một năm đầy khó khăn của kinh tế VN, tăng trưởng kinh tế chậm lại, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao kỷ lục, những yếu tố này khiến cho niềm tin nhà đầu tư giảm xuống. Tuy nhiên, triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của VN đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá cao so với các quốc gia trong khu vực.

Trong Báo cáo thế giới năm 2050 của Ngân hàng HSBC, VN đứng thứ 7 trong 10 quốc gia đáng đầu tư nhất trong gần 40 năm tới do có nhiều thay đổi trong chính sách, các rào cản giảm mạnh, hội nhập nhanh và có vị trí thuận lợi. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào VN trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp kinh tế VN, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng VN vẫn là điểm đến phù hợp để thiết lập cứ địa mới, sản xuất sản phẩm mới. Điều Chính phủ cần làm là tiếp tục thực hiện những cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp đang đề ra, minh bạch quản trị, nâng cao chất lượng giáo dục để dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đưa dòng vốn vào những dự án có hiệu quả.

gChb7VhN.jpgPhóng to
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

* Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE):

Cần nhất là chính sách vĩ mô ổn định

REE có hai dự án sẽ triển khai ngay đầu năm 2013, một là dự án xây dựng văn phòng cho thuê có diện tích 50.000m2 với vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng, và dự án liên kết với Sawaco trong lĩnh vực nước có vốn đầu tư lên tới 1.200 tỉ đồng. Chúng tôi vẫn đầu tư, vẫn đeo đuổi các dự án đã hoạch định trước đây. Nhưng mọi nỗ lực của doanh nghiệp sẽ trở nên vô nghĩa nếu sự phối hợp điều hành giữa Chính phủ và các bộ ngành thiếu chặt chẽ, chính sách vĩ mô không ổn định. Với hai dự án trên, tôi rất kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước “kìm cương” được lãi suất cho vay ở mức phù hợp, dưới 12%/năm là tốt nhất. Có như vậy, các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp mới hi vọng phát huy được hiệu quả, mới thật sự tạo được những hỗ trợ thiết thực để vượt qua một năm đầy thách thức sắp tới.

* Ông Phạm Đức Bình (giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Đồng Nai):

Mua ngay nguyên liệu tạm trữ cho chế biến

Chính sách giãn và miễn thuế cho doanh nghiệp trong năm 2013 sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của các công ty trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì chính sách đó có tác dụng về tinh thần nhiều hơn.

Riêng với Công ty Thanh Bình, thời gian qua hoạt động vẫn có lãi nên nếu được giãn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ đưa ngay số tiền này vào việc mua các loại nguyên liệu về tạm trữ và chế biến. Trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, có vốn để tạm trữ nguyên liệu chế biến đầu năm là hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

* Ông Bùi Như Việt (giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt, Bình Dương):

Tìm cách bán hàng hấp dẫn nhất

Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt chuyên sản xuất các loại ván gỗ veneer, ván MDF để xuất khẩu và bán ở thị trường nội địa. Trong năm 2012, cả hai thị trường đều rơi vào tình trạng u ám vì sức tiêu thụ yếu và giá giảm. Để bán hàng thuận lợi, chúng tôi phải giảm giá, khuyến mãi rất nhiều.

Với tình hình này, năm 2013 công ty cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh hiện tại, đồng thời vẫn ấp ủ dự định huy động được vốn để đầu tư thêm trang thiết bị, nâng công suất nhà máy MDF tại Đắk Nông lên 80-90%, hiện nhà máy đang chạy 50% công suất. Để không bị tồn hàng, công ty sẽ hoàn chỉnh lại bộ máy để giảm chi phí, tăng cạnh tranh, tận dụng khai thác những ưu đãi của chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, từ đó đưa ra mức giá bán hàng hấp dẫn nhất.

Nhóm PV Kinh tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp