Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới lúc 10h sáng 23-9 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Sáng 23-9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và một số địa phương về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Áp thấp cập bờ vào đêm và rạng sáng
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới đang mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Lúc 10h sáng nay, áp thấp nhiệt đới đang cách bờ biển Phú Yên khoảng 230km, cách bờ biển Bình Định khoảng 210km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 400km.
"Áp thấp nhiệt đới có hệ thống hoàn lưu rộng, di chuyển nhanh. Các dự báo quốc tế tương đối hạn chế, một số đài Nhật, Mỹ, Hong Kong có đưa ra dự báo có thể mạnh cấp 8, hướng khi vào đất liền có đài dự báo đi lên phía bắc, có đài dự báo đi xuống phía nam, tuy nhiên không chênh lệch quá lớn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định khả năng khi vào gần bờ, áp thấp nhiệt đới có khả năng (60%) mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h. Vùng mà chúng tôi nhận định sẽ chịu tác động của gió mạnh, mưa sẽ tập trung vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Từ chiều tối nay cho đến rạng sáng 24-9 là khoảng thời gian chịu tác động gió mạnh nhất" - ông Khiêm nhận định.
Theo ông Khiêm, hôm nay ở vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.
Từ khoảng sau 19h tối nay đến rạng sáng mai, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh cấp 6-8, khu vực tâm bão đi qua có thể cấp 8, giật cấp 9-10.
Về mưa, ông Khiêm cho biết sẽ có 2 giai đoạn. Từ hôm nay đến ngày 24-9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Sau đó, hoàn lưu mây của áp thấp mở rộng về phía Bắc, từ ngày 24 đến 25-9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: KHÁNH CHI
Sẵn sàng 6 máy bay
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết Bình Định đã thông báo các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Hiện có 10 tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng, hiện tỉnh đang hướng dẫn tàu di chuyển phòng tránh. Đối với phương án di dân, tỉnh cũng đã rà soát và sẵn sàng di dân khi cần thiết.
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi cho biết có 56 tàu nằm trong đường đi của áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào gần bờ, một số di chuyển lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam, tỉnh đang theo dõi các tàu này.
Đại tá Lê Hồng Quang, văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết Cục Cứu hộ, cứu điện (Bộ Tổng tham mưu) đã có công điện chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, phòng không không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng,... sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Báo cáo ban đầu của các đơn vị có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 1.600 trang bị (6 máy bay, 16 tàu biển,...).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và hát triển nông thôn, Phó trưởng ban Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh dự báo từ 19h tối nay gió mạnh bắt đầu ảnh hưởng đến vùng ven biển và sau đó là đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, nguy hiểm nhất là mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ông Hiệp cũng lo lắng về tàu thuyền đang hoạt động trên biển bởi số lượng báo cáo còn khác nhau, do đó đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát lại chính xác số liệu tàu thuyền, đồng thời thông báo, hướng dẫn các tàu di chuyển ngay ra khỏi vùng ảnh hưởng. Đối với các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển thì kiên quyết yêu cầu bà con vào bờ.
Ông Hiệp cũng lưu ý theo dõi chặt chẽ các hồ thủy điện, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên bởi mưa lớn, có thể các hồ phải xả lũ. Đề nghị EVN chỉ đạo các hồ thủy điện xả lũ phải đúng quy trình, thông báo cho người dân để không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận