Sơ đồ dự báo hướng đi áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 14h ngày 31-12, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 150km về phía Nam Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13h ngày 1-1-2019, tâm áp thấp nhiệt đới cách Huyền Trân (quần đảo Trường Sa) khoảng 180km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13h ngày 2-1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 390km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) và phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10; biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 2-3 ngày tới.
Tại miền Trung, dự báo đêm nay và ngày mai 1-1-2019, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 70-150mm/24 giờ, có nơi trên 200mm/24 giờ).
Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3 và 4-1-2019.
Đà Nẵng chủ động ứng phó áp thấp và mưa lớn diện rộng
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đề nghị các đơn vị liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; kịp thời thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó.
Các sở, ban, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình của vùng áp thấp và mưa lớn, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống với vùng áp thấp, mưa lớn và liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng.
TTXVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận