22/05/2017 16:26 GMT+7

Áp lực vì nợ xấu, nhiều cán bộ ngân hàng nghỉ việc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN Lê Minh Hưng cho biết việc xử lý các khoản nợ xấu gây ra nhiều áp lực với các cán bộ trực tiếp giải quyết, khiến họ có tâm lý sợ rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN Lê Minh Hưng tại Quốc hội chiều 22-5 - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Lê Minh Hưng chia sẻ điều này khi trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng chiều 22-5.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết sau một thời gian tiến hành các giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, đến nay các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát. 

“Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức” – ông Hưng nói. 

Chưa xử lý triệt để việc thao túng ngân hàng

Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc cho biết tính đến 31-12-2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 494.000 tỷ đồng nợ xấu; đến 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ. 

“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô” – ông Hưng cho biết. 

Vẫn theo Thống đốc, tính đến 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.

Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.

Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể. 

Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN Lê Minh Hưng trao đổi bên lề hành lang Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chiều 22-5 - Ảnh: Việt Dũng 

Cả ngân hàng và cán bộ đều rủi ro

Một trong những lý do cần sửa đổi, bổ sung quy định của luật, theo Thống đốc Lê Minh Hưng là: Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi. 

“Việc khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng, khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này” – ông nói.  

Các cán bộ xử lý trực tiếp ở đây là các cán bộ tham mưu của Ngân hàng nhà nước, các nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh: “Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý”.  

Thống đốc Ngân hàng nhà nước không ngại ngần kể chuyện trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt.

Do vậy, nhằm đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cổ đông lớn chống đối tái cơ cấu

Theo Thống đốc Lê Mình Hưng, cũng có tình trạng “thiếu chế tài và biện pháp xử lý trong trường hợp vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của các cổ đông lớn với cơ quan quản lý trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng làm ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém”.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định điều kiện áp dụng giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng không có khả năng phục hồi và có đủ điều kiện giải thể.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đủ điều kiện để thực hiện biện pháp giải thể bắt buộc thì tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của Luật này.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp