14/05/2016 17:49 GMT+7

Áp lực tìm con trai nối dõi

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sinh con dù trai hay gái đều là món quà vô giá đối với những bậc làm cha làm mẹ. Nhưng không ít người vì quá khao khát sinh con trai mà làm khổ chính mình, và cả khúc ruột của mình.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Khao khát sinh con trai không chỉ tồn tại ở các vùng quê mà ở các thành phố lớn, nhiều người vẫn giữ suy nghĩ “có đứa con trai sau vẫn hơn”.

Không khó tìm thấy những gia đình có đến 4 cô con gái nhưng họ luôn tự hào khi các con lớn lên khỏe mạnh, thành đạt và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương ấm áp của gia đình. Vậy thì thay vì đau khổ, chúng ta hãy dành thời gian yêu thương con, bởi con trẻ chỉ phát triển toàn diện khi sống trong gia đình êm ấm, trọn vẹn yêu thương

ThS VŨ CẨM VÂN

Câu chuyện buồn của người mẹ sinh con gái

Anh Bùi Văn Hoàng (30 tuổi, quận Hà Đông) đã có đứa con gái đầu lòng 5 tuổi. Vợ chồng Hoàng và gia đình người bạn thân có con gái đầu lòng đã lên kế hoạch để sinh con trai. Sau khi tham khảo các phương pháp trên mạng, Hoàng nhờ bạn bè giới thiệu cho một phòng khám tư để siêu âm canh ngày trứng rụng. Hoàng tải cả phần mềm canh ngày rụng trứng cho vợ cài sẵn trong điện thoại.

Năm 2015, Hoàng may mắn sinh được cậu con trai. Người bạn thân của Hoàng dù là bác sĩ, có hẳn phòng khám chữa hiếm muộn kèm tư vấn các phương pháp can thiệp để sinh con theo ý muốn nhưng vẫn sinh tiếp một cô con gái...

Trưởng thành trong một gia đình 9 chị em nhưng có đến 8 người là con gái, Nguyễn Ngọc Mai (25 tuổi, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cảm nhận trọn vẹn gánh nặng phải sinh được con trai để có người nối dõi.

Mẹ của Mai quanh năm bám mặt trên mấy sào ruộng, vài đàn heo, vài chục gốc ổi và cửa hàng tạp hóa nhỏ mà vẫn không đủ cơm cho đàn con ăn. Nhưng gánh nặng đó không sánh bằng áp lực sinh con trai. May mắn mỉm cười khi ở độ tuổi 43 với lần sinh thứ 9, bà sinh được thằng cu cho chồng “nở mày nở mặt”.

Con đông, kinh tế khó khăn khiến mẹ Mai ngày càng gầy quắt, đôi mắt buồn ngày càng trơ cả hốc. Chỉ có chị gái đầu của Mai được học hành đến nơi đến chốn. Các em sau này, trừ cậu út, đều nghỉ học để bươn chải sớm. Gánh nặng “con trai nối dõi tông đường” lại một lần nữa đè nặng lên đôi vai Mai.

Tôi bất ngờ khi thấy Mai chụp tấm hình bụng bầu 3 tháng rưỡi với đường chỉ đen giữa bụng đăng lên diễn đàn các mẹ mang thai và hỏi “bụng như vậy sẽ sinh con trai hay con gái”.

Mai khóc khi tâm sự với tôi: “Không biết tại sao em lại có suy nghĩ nếu là con trai em sẽ dành tất những gì tốt nhất cho con, sẽ chăm sóc con rất cẩn thận. Có lẽ vì em sinh ra trong một gia đình mà bố chỉ thích con trai. Khi các chị em sinh cháu, bố chỉ bế cháu trai, còn cháu gái thì bố không ngó ngàng tới...”.

Vài ngày sau, Mai lại lên diễn đàn thông báo mình đã đi siêu âm và kết quả là con gái kèm theo biểu tượng khuôn mặt rất buồn...

Con là món quà của tạo hóa

Chia sẻ về quan điểm thích sinh con trai của nhiều người hiện nay, ThS Trương Phạm Hoài Chung nêu ý kiến: “Tôi nghĩ trách nhiệm của phụ huynh không nên định hướng con theo giới tính vì việc này làm mất nhiều cơ hội cho các bé gái. Giữa đàn ông và phụ nữ có sự khác biệt về sinh học và tâm lý nhưng không nên vì điều đó mà tạo ra khoảng cách cơ hội và đầu tư cho hai giới tính.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ không nên áp đặt định kiến xã hội theo kiểu con là con gái không được làm việc này. Tìm bình đẳng chưa đủ mà phải coi con là vô giới tính để cho con một cuộc sống tốt nhất, bởi đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người".

Những tưởng việc mong mỏi có con trai nối dõi là quan điểm đã lạc hậu, song vẫn còn nhiều gia đình lao tâm khổ tứ về chuyện này. ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (Hội quán các bà mẹ) kể đã có một số bà mẹ khi mang thai con gái thứ 3, thứ 4, chịu đựng không nổi sự chì chiết của chồng đã phải tìm đến bà để được tư vấn tâm lý.

Theo bà Vân, còn không ít gia đình vẫn đặt nặng vấn đề phải sinh cho được con trai. Đó không chỉ là mong muốn từ phía người chồng mà còn là áp lực từ phía cha mẹ chồng đè nặng lên tâm lý người vợ. Vì vậy, người vợ luôn sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng, sợ hãi trước ánh mắt ghẻ lạnh, sự rẻ rúng của những người trong gia đình.

Sự căng thẳng, bất an dễ dẫn đến việc người mẹ rơi vào stress, rối loạn lo âu, trầm cảm... và rất khó khăn để có thể xây dựng mối quan hệ an toàn mẹ con.

“Vấn đề nằm ở quan niệm của chính người trong cuộc. Con cái là món quà thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người chúng ta. Ý thức được điều này, các bậc làm cha làm mẹ sẽ cảm thấy mình vô cùng may mắn vì có khả năng sinh con bởi xung quanh còn rất nhiều cặp vợ chồng khao khát có một đứa con mà không thể”- ThS Vũ Cẩm Vân cho biết.

Gần đây, những dòng tâm sự gửi con gái đầu lòng được đăng trên trang cá nhân của ThS giáo dục học Trương Phạm Hoài Chung (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) làm nhiều người xúc động. Ông viết: “Năm nay, cả 3 bạn trẻ người Việt được nhận vào Đại học Harvard đều là con gái.

Nhưng hình như con đầu lòng thì người Việt Nam thường thích con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường”. Chính vì sự trăn trở này ông đã dẫn ra nhiều trường hợp bạn bè ông là nữ, đạt được học bổng ASEAN du học Singapore, hay những người phụ nữ giỏi giang vào được Đại học Harvard và khi ra trường đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty. Những người phụ nữ ấy làm ông Chung khâm phục.

Ông nhắn gửi con: “Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp