14/04/2025 13:14 GMT+7

Áp dụng mã định danh cho thửa đất để tránh trùng lắp số tờ, số thửa khi sáp nhập xã, phường?

Việc quản lý thửa đất bằng số tờ, số thửa truyền thống rất khó liên thông, vì dễ thay đổi theo biến động bản đồ địa chính. Nên áp dụng mã định danh với thửa đất để khắc phục bất cập này?

mã định danh - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục về nhà đất tại một văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Một nguyên lý chung trong quản lý là áp dụng mã định danh (ID) cho đối tượng cần quản lý. Ví dụ ID cá nhân trong quản lý dân cư, thể hiện trên căn cước. 

Hiện nay ngành nông nghiệp và môi trường chưa áp dụng ID cho đối tượng cần quản lý là thửa đất, tài sản gắn liền với đất mà quản lý bằng số tờ, số thửa, nên chưa tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai.

Áp dụng mã định danh để tránh trùng lắp số tờ, số thửa đất

Nhiều nước trên thế giới đã quản lý thửa đất, tài sản gắn liền với đất bằng ID như Mỹ, Nga, châu Âu và cả Malaysia là nước Đông Nam Á có điều kiện tương đồng như nước ta.

Khi sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, nhất là cấp xã, có thể xảy ra hiện tượng trùng số tờ bản đồ, số thửa đất trong hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận và cơ sở dữ liệu đất đai. 

Và công tác chỉnh lý tốn không ít công sức, kinh phí, thời gian.

Trước đây, nhận thấy sự bất cập, lạc hậu khi áp dụng số tờ, số thửa trong quản lý đất đai, năm 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện đề tài khoa học cấp bộ tạo mã định danh (I) thửa đất, tài sản gắn liền với đất thay thế cách quản lý bằng số tờ, số thửa. 

Đề tài đã tạo được ID theo phương pháp tọa độ tâm với 14 ký tự số cho thửa đất và 17 ký tự cho tài sản gắn liền với đất. ID theo phương pháp tọa độ tâm được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2008 và công bố trên tạp chí khoa học. 

Đề tài đã xây dựng được bộ công cụ phần mềm tạo ID cho thửa đất, tài sản gắn liền với đất và thử nghiệm thực tiễn tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Khi áp dụng ID theo phương pháp tọa độ tâm cho thửa đất, việc thay đổi địa giới hành chính không ảnh hưởng đến hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận, cơ sở dữ liệu đất đai.

Do không bị tác động bởi địa giới hành chính các cấp, nên việc áp dụng ID có thể tiến hành ngay.

Quyền cấp ID theo phương pháp tọa độ tâm cho thửa đất, tài sản gắn liền với đất có thể phân cấp về ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, thậm chí cấp xã.

Với công nghệ đo đạc hiện đại như bây giờ, việc đo đạc thành lập bản đồ địa chính cho một đơn vị hành chính cấp xã cũng mất ít nhất khoảng 6 tháng, do phải đo đạc toàn bộ diện tích của cả xã rồi chia mảnh, đánh số thửa. 

Sau khi đo đạc xong mới tiến hành cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. 

Nếu áp dụng ID cho thửa đất, đo đạc thửa đất nào gắn ngay ID cho thửa đất đó, đồng thời cấp ngay giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.

Việc áp dụng ID cũng không gây gián đoạn đến công tác quản lý đất đai, không tốn kém kinh phí và hoàn toàn tự động do đã có bộ công cụ phần mềm tạo mã số định danh tích hợp được với các phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai đang vận hành.

Thí điểm cấp "thẻ căn cước" cho thửa đất

ThS Ngô Gia Hoàng (giảng viên khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM) cho biết: Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-8- 2024) và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện chưa có quy định trực tiếp và cụ thể về mã định danh thửa đất (ID thửa đất). 

Tuy nhiên Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều quy định đột phá về quản lý dữ liệu và thông tin đất đai, theo hướng số hóa, hiện đại hóa và liên thông dữ liệu quốc gia. 

Chương XII Luật Đất đai 2024 có quy định về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. 

Trong đó luật quy định rõ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước. 

Bên cạnh đó, luật cũng quy định hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất và phải được số hóa.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đồng bộ, thống nhất, có khả năng liên thông toàn quốc và thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu đất đai và các cơ sở dữ liệu khác, thì việc áp dụng mã định danh thửa đất là cần thiết. 

Việc quản lý thửa đất bằng số tờ, số thửa truyền thống rất khó liên thông, vì dễ thay đổi theo biến động bản đồ địa chính. 

Các số tờ, số thửa hiện tại thường thay đổi theo từng lần đo đạc, hoặc khi cập nhật bản đồ địa chính, gây khó khăn trong tra cứu và quản lý hồ sơ.

ID cố định gắn với tọa độ sẽ khắc phục điều này. Đây là đề xuất đáng cân nhắc và nên được thí điểm ở một số địa phương trước khi triển khai toàn quốc.

Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả, cần xây dựng hành lang pháp lý, sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Đất đai về mã định danh thửa đất, trình tự cấp mã và quản lý mã trong hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.

Đồng thời đầu tư các trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương. 

Nếu làm tốt, ID thửa đất có thể trở thành "thẻ căn cước" của bất động sản, giúp quản lý minh bạch và hiệu quả hơn.

Nên áp dụng mã định danh đối với thửa đất để tránh trùng lắp số tờ, số thửa khi sáp nhập xã phường - Ảnh 3.Sổ đỏ mới quá nhỏ, lo ngại phải đổi sổ thường xuyên

"Sổ đỏ" theo Luật Đất đai mới có kích thước nhỏ hơn sổ cũ, đồng thời không được có trang bổ sung khiến nhiều người lo phải đổi sổ nhiều lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp