16/10/2018 13:29 GMT+7

Ảo thuật và sự lặp lại nhàm chán

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Liên hoan ảo thuật năm nay có 36 tiết mục, trong đó khoảng 2/3 tiết mục là của TP.HCM. Sự tham gia của các tỉnh thành khác rất ít ỏi.

Ảo thuật và sự lặp lại nhàm chán - Ảnh 1.

Tiết mục Thôi miên người bay trên nước cao 4m của thí sinh Trần Anh Dũng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có những tiết mục biểu diễn chỉ chú ý phần kỹ thuật mà chưa chú trọng phong cách biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, sự giao lưu với khán giả... nên còn bộc lộ tính nghiệp dư.

NSND Tạ Duy Ánh (thành viên ban giám khảo)

Tiếng là liên hoan toàn quốc nhưng phía Bắc chỉ có Liên đoàn Xiếc VN tham gia với tiết mục duy nhất. Lác đác vài tiết mục đến từ Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk và Quảng Trị.

Bội thực với gậy, hoa, bồ câu...

Thời gian dự thi vỏn vẹn trong 3 buổi. Số lượng tiết mục ít nhưng lại trùng lắp nội dung khiến người xem... chóng mặt! Đếm sơ sơ, ít nhất trên 20 tiết mục có bồ câu, gậy, hoa, khăn, dù... Các kỹ thuật biểu diễn cũng lặp lại một cách nhàm chán, thấy thí sinh túm một chùm khăn sẽ biết ngay chuẩn bị "biến" ra bồ câu, lồng chim hay dù.

Hình ảnh chiếc ghế bành ở giữa sân khấu, thí sinh choàng mảnh vải nhún nhún vài giây "hô biến" ra một cô gái liên tục "truyền" từ tiết mục này sang tiết mục khác. Rồi đạo cụ lớn, máy "cắt" người cứ được đẩy ra đẩy vô trên sân khấu không biết bao nhiêu lần...

Dự liên hoan ảo thuật mang tầm vóc toàn quốc nhưng không ít tiết mục có vẻ rất... nghiệp dư. Thí sinh vụng về và để lộ nhiều lỗi rất buồn cười trên sân khấu.

Tiết mục đoạt huy chương bạc của ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú - Video: QUANG ĐỊNH

Có những thí sinh đến với liên hoan bằng một bài thi sơ sài, chủ yếu làm vài trò ảo thuật không hề có một ý tưởng xuyên suốt, không có sự phối hợp tốt giữa âm thanh, âm nhạc, đạo cụ và các thủ thuật làm khán giả mê hoặc. Không ít thí sinh kết thúc bài thi mà khán giả vẫn còn ngơ ngác: Hết rồi ư? Bạn thi gì vậy?

Xem đầy đủ ba buổi thi, Nguyễn Việt Duy (CLB Ảo thuật TP.HCM) bày tỏ: "Tôi đến liên hoan với mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi khá buồn khi thấy không ít tiết mục chưa được đầu tư đúng mức, người dự thi còn quá non kinh nghiệm. Tôi nghĩ có lẽ ở những lần sau ban tổ chức nên có sự thẩm định trước để sàng lọc thật tốt những tiết mục dự thi, không để ảnh hưởng đến chất lượng của một liên hoan mang tầm cỡ toàn quốc".

Tiết mục đoạt huy chương vàng của ảo thuật gia Trần Anh Dũng - Video: QUANG ĐỊNH

Cái khó "bó" sáng tạo?

Trong 36 tiết mục tham gia liên hoan năm nay, số lượng tiết mục tương đối có sự khác biệt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra như tiết mục ảo thuật tương tác với màn hình LED của Nguyễn Mạnh Phương (CLB Ảo thuật Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM), tiết mục Một thoáng hương Chăm của Lê Tuấn Anh (Quảng Trị), tiết mục Thôi miên người bay trên nước của Trần Anh Dũng (CLB Ảo thuật TP.HCM), Ảo thuật tương tác của Nguyễn Việt Duy (CLB Ảo thuật TP.HCM)...

Nguyễn Việt Duy tạo sự khác biệt khi chọn phong cách ảo thuật tương tác với khán giả, có khả năng nói tiếng Anh tốt và biết làm chủ tình thế để "dẫn dụ" và làm khán giả được mời lên sân khấu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Anh chia sẻ một thực tế: "Ở VN, cơ sở sản xuất những máy móc (gọi là đạo cụ lớn) cho tiết mục ảo thuật rất ít, lại không chuyên nghiệp, giá thành cao, khoảng vài chục triệu đồng một máy. Vì vậy, không ít anh em phải đi thuê biểu diễn, mà đồ thuê sao hiểu được tính ý máy móc nên thường diễn không "nhuyễn".

Điều đó lý giải vì sao người ta cứ chọn bồ câu, gậy, dù, hoa... cho chắc ăn. Quan trọng là với những đạo cụ "vừa tầm" này, bạn có ý tưởng xây dựng một câu chuyện riêng với một phong cách biểu diễn thu hút, hấp dẫn sẽ không khiến khán giả bị nhàm chán".

Cái khó đó của người làm nghề cũng được anh Nguyễn Văn Cường (Lâm Đồng) nhìn nhận: "Tôi theo nghề ảo thuật 20 năm. Phải nói còn tồn tại với nghề đến bây giờ chỉ có thể lý giải là đam mê.

Có nhiều lúc cũng rất khó khăn, đến nay khi tạo được chút tên tuổi, mỗi tháng có sô đều đặn với thu nhập những tháng cao điểm chừng 30-40 triệu đồng, nhìn vào tưởng nhiều nhưng đầu tư máy móc, đạo cụ cho ảo thuật rất tốn kém, có những máy tốn tới 50-70 triệu đồng.

Hiện nay có rất nhiều ảo thuật gia, mình mà không tìm tòi sáng tạo sẽ bị đào thải ngay. Vì vậy, tôi rất thông cảm với những anh em trẻ, thu nhập chừng 5-7 triệu đồng/tháng sống đã chật vật, tiền đâu đầu tư cho đạo cụ để có thêm những tiết mục hấp dẫn...".

Nguyễn Mạnh Phương (nghệ danh Nguyễn Phương, Tuổi Trẻ ngày 8-9) - chủ nhiệm CLB Ảo thuật Trường cao đẳng Lý Tự Trọng - là ảo thuật gia gây chú ý hiện nay, "chuyên trị" những màn ảo thuật tương tác với màn hình LED. Đã đoạt vài giải thưởng quốc tế và cũng được xác lập kỷ lục VN, nhưng Phương tham gia liên hoan với tinh thần vui cùng anh em nghề và khuyến khích tinh thần vài học trò của anh cũng góp mặt tại liên hoan.

Đang dạy ảo thuật miễn phí cho khoảng 100 học viên, anh chia sẻ: "Bộ môn ảo thuật rất được các em sinh viên yêu thích, bởi rất dễ sử dụng biểu diễn trong các hoạt động đoàn thể ở trường học. Tuy nhiên, trong hơn 100 em chỉ có vài em có khả năng chuyên sâu nghề".

Theo anh, để nâng chất nghệ thuật cho những màn ảo thuật, "một tiết mục không chỉ là những trò diễn mà cần phải có sự kết hợp tốt của những ý tưởng riêng, xuyên suốt, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, sự phối hợp ăn ý của âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, đạo cụ và kỹ thuật phải thật nhuần nhuyễn".

Kịch xiếc: vùng đất mới cho người trẻ

TTO - Vào nghề xiếc lúc còn là học trò cấp I, cấp II rồi lớn lên cùng xiếc với những khổ luyện và rất nhiều bôn ba, nay không ít người trẻ chuyển hướng sang kịch xiếc - một vùng đất mới, thay thế cho xiếc truyền thống.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp