Người tị nạn ở một khu trại trên đảo Lesbos, Hi Lạp - Ảnh: Reuters |
Các biện pháp được Hội đồng quốc gia Áo thông qua với đa số ủng hộ, cho phép chính phủ nước này ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong trường hợp dòng người tị nạn vượt ngoài tầm kiểm soát và đe dọa đến “an ninh quốc gia”.
Khi đó, hầu hết trường hợp xin tị nạn ở khu vực biên giới đều bị cấm, bao gồm cả người tị nạn chiến tranh từ Syria, và người tị nạn sẽ bị đưa trở lại “một quốc gia láng giềng an toàn”. Biên giới chỉ mở cửa trong một số trường hợp người tị nạn bị đe dọa hoặc có người thân sống ở Áo.
Các trường hợp được xét tị nạn thành công cũng chỉ được phép ở lại trong ba năm. Với các biện pháp mới này, Áo hiện được xem là một trong số quốc gia có luật tị nạn hà khắc nhất trong Liên minh châu Âu.
Bất chấp các chỉ trích, Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka khẳng định nước này không còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đã thất bại trong việc kiềm chế dòng người tị nạn. “Chúng tôi không thể choàng gánh nặng của cả thế giới” - ông Sobotka nói.
Áo trước đó đã áp đặt mức trần tiếp nhận không quá 37.500 người trong năm nay sau khi có hơn 90.000 người đổ vào nước này trong năm ngoái.
Theo Reuters, các quan chức Áo cho biết cũng đang cân nhắc việc dựng một hàng rào dài dọc biên giới với Ý, được coi là tuyến đường quan trọng nối Bắc và Nam Âu, làm gia tăng căng thẳng hai nước trong giải quyết khủng hoảng nhập cư.
Kế hoạch này vấp phải sự phản ứng kịch liệt của nước láng giềng Ý. Thủ tướng Ý Matteo Renzi khẳng định việc Áo xây một hệ thống rào chắn ở đèo Brenner là “đáng xấu hổ” và “chống lại các luật lệ của châu Âu, chống lại lịch sử và chống lại tương lai”.
Một người phát ngôn cảnh sát Áo sau đó cho biết việc có xây dựng hàng rào hay không sẽ được quyết định sau cuộc thảo luận giữa bộ trưởng nội vụ hai nước tại Rome trong ngày 28-4, giờ địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận