08/03/2012 08:34 GMT+7

Ao hồ Hà Nội bị "bức tử"

Ông PHẠM VĂN KHÁNH(phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội)
Ông PHẠM VĂN KHÁNH(phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội)

TT - Hà Nội có tổng cộng 111 ao hồ nhưng hiện chỉ 10 hồ được cải tạo đưa vào sử dụng, còn lại hàng chục hồ chưa có dự án cải tạo hoặc đã có dự án nhưng còn ì ạch, dở dang.

gwTBHzAh.jpgPhóng to
Xung quanh hồ Đầm Hồng (Q.Thanh Xuân) là điểm nóng về nạn lấn chiếm - Ảnh: lâm Hoài

Hầu hết ao hồ ở Hà Nội đang bị “bức tử” bởi nạn xả thải, đổ phế thải trộm và lấn chiếm bừa bãi.

Ô nhiễm, lấn chiếm

"Hiện nay việc phân cấp quản lý hồ còn bất cập, chồng chéo. Trách nhiệm bảo vệ hồ, chống đổ phế thải thuộc về quận huyện. Quản lý nhà nước về hồ trong khu vực nội thành là Sở Xây dựng. Quản lý mực nước là Công ty Thoát nước. Quản lý về vấn đề môi trường là Sở Tài nguyên - môi trường. Quản lý chồng chéo như vậy nên nạn xả thải, đổ phế thải, san lấp, lấn chiếm hồ vẫn diễn ra rất nhiều"

Hồ Đầm Hồng (hồ Khương Trung I) ở P.Khương Đình và P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân nhiều năm nay là điểm nóng về nạn đổ phế thải, san lấp nền trái phép. Ngày 6-3, có mặt tại khu đầm này chúng tôi thấy mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, rác, phế thải xây dựng ngập ngụa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Tương tự, tại hồ Hạ Đình (Q.Thanh Xuân), nạn lấn chiếm diễn ra nghiêm trọng, hàng loạt khu đất sát hồ được san nền, làm móng để chiếm chỗ, thậm chí một dãy nhà cấp bốn lụp xụp đã được dựng lên từ lâu, phía trong có người sinh sống.

Cách đó không xa, hồ Rẻ Quạt biến thành một bãi rác khổng lồ, nước hồ đen kịt, đặc quánh. Nhiều người dân sống lân cận cho hay mỗi khi trời nắng hoặc gió lùa, mùi hôi từ hồ bốc lên ngột ngạt, khó chịu. Một số hồ như Tam Trinh (Q.Hoàng Mai), Phương Liệt (Q.Thanh Xuân), Tứ Liên (Q.Tây Hồ), Linh Quang (Q.Đống Đa) cũng ô nhiễm nặng, nạn xả thải, đổ trộm phế thải diễn ra thường xuyên...

Ông Nguyễn Lê, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, cho biết theo kết quả quan trắc của công ty, hầu hết các hồ chưa cải tạo bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ số oxy cần thiết để oxy hóa các chất hữu cơ rất thấp, các chỉ tiêu phú dưỡng như nitơ, phôtpho đều vượt tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần. Theo Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, nạn xả nước thải trực tiếp vào hồ, không nạo vét bùn lòng hồ, không có trạm xử lý nước thải, nuôi cá trong hồ là nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm.

Theo ông Phạm Văn Khánh - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, từ chỉ đạo của TP, trong hai năm 2009, 2010 sở đã cơ bản xử lý tình trạng ô nhiễm nặng tại 12 hồ bức xúc nhất của TP bằng công nghệ vi sinh, bè thủy sinh. Hiện còn nhiều hồ tiếp tục ô nhiễm nặng và một số hồ có dấu hiệu tái ô nhiễm sau xử lý do cơ sở hạ tầng của hồ kém và việc xả thải bừa bãi từ khu vực dân cư kế cận. Nhiều hồ hằng ngày phải hứng lượng nước không qua xử lý lên tới hàng nghìn mét khối.

Ông Khánh cho biết thời gian tới Chi cục Bảo vệ môi trường của sở sẽ tiếp tục khảo sát, lấy mẫu và đánh giá môi trường nền tại các hồ, sau đó tiếp tục áp dụng các công nghệ xử lý đã thí điểm hiệu quả để xử lý ô nhiễm.

Kêu gọi xã hội hóa

Dự án xây dựng hồ điều hòa Hạ Đình đã triển khai hơn mười năm, nhưng hiện vẫn còn dang dở do khiếu kiện kéo dài của người dân liên quan đến những vướng mắc trong quá trình lập, triển khai dự án, giải phóng mặt bằng... Hồ Đầm Hồng hiện vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường bắt đầu từ cuối năm 2009 tại đây vẫn ì ạch.

Năm 2009 có bảy hồ được TP thí điểm xử lý ô nhiễm gồm: hồ Xã Đàn, hồ Kim Liên (Q.Đống Đa), hồ Ngọc Khánh, hồ Đình Ngọc Hà (Q.Ba Đình), hồ Hai Bà Trưng, hồ Quỳnh (Q.Hai Bà Trưng) và hồ Dài nhưng đến nay môi trường ở các hồ này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Hồ Đình Ngọc Hà hiện giờ vẫn còn thi công cải tạo dang dở, hồ Quỳnh đang có dấu hiệu ô nhiễm trở lại.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nội thành Hà Nội có 111 hồ với tổng diện tích hơn 1.000ha, trong đó rất nhiều hồ ô nhiễm trầm trọng, bị vùi lấp, lấn chiếm. Từ năm 2010, UBND TP đã giao Sở Xây dựng TP chủ trì xây dựng đề án cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội, trong đó giai đoạn 2010-2015 ưu tiên cải tạo 23 hồ bức xúc nhất.

Theo chủ trương xã hội hóa, công tác cải tạo hồ của TP, doanh nghiệp có thể tham gia dưới nhiều hình thức: đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc hỗ trợ hoàn toàn chi phí cải tạo hồ. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được ưu ái nhiều mặt như miễn giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được phép khai thác sử dụng các công trình đã đầu tư như mặt nước, hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ, vay vốn tín dụng đầu tư và không phải lo chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông PHẠM VĂN KHÁNH(phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp