17/04/2023 11:25 GMT+7

Áo dài và tiếng Việt Nam trên thảm đỏ thế giới

Điện ảnh là cánh cửa quan trọng đưa cái tên Việt Nam hiện diện trong mắt bạn bè quốc tế với hình ảnh đẹp và trân trọng.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mặc áo dài ở LHP Venice 2014 - Ảnh: VBlock

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mặc áo dài ở LHP Venice 2014 - Ảnh: VBlock

Cái tên Việt Nam dần quen thuộc hơn với cộng đồng điện ảnh thế giới qua những bộ phim được lựa chọn tham dự chính thức, những bài bình luận trên báo quốc tế, tà áo dài Việt bay trên thảm đỏ...

Quan trọng là phim Việt phải hay

Thời gian đầu dự thảm đỏ quốc tế, dù với tư cách gì, nghệ sĩ Việt có xu hướng chọn áo dài hay trang phục truyền thống cách tân, như Thanh Hằng, Anh Thư, Hồng Ánh, Mỹ Duyên... tại Liên hoan phim Cannes 2011, hay Angela Phương Trinh tại Liên hoan phim Cannes 2016 (đầm thêu họa tiết tranh Đông Hồ).

Trên một thảm đỏ đa dạng sắc tộc và văn hóa như Cannes, Venice hay Berlin, người ta luôn khao khát thể hiện những nét đặc trưng của quốc gia, dân tộc mình.

Nhưng về sau, trên thảm đỏ LHP quốc tế, các diễn viên - nhà làm phim Việt Nam diện các trang phục đa dạng. Gần đây nhất, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng dàn diễn viên Tro tàn rực rỡ (Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Lê Công Hoàng, Bảo Ngọc Doling...) dự thảm đỏ Liên hoan phim Tokyo 2022.

Phim này sau đó cũng đoạt giải cao nhất (giải Khí cầu đốt lửa vàng) tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp). Trên thảm đỏ, các diễn viên mặc đầm, vest đa dạng đến từ các nhà thiết kế nổi bật hiện nay.

Hình ảnh tà áo dài chỉ là một biểu tượng. Còn sự hiện diện của cái tên Việt Nam, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cần nhiều nỗ lực đa dạng hơn. Và gốc rễ của niềm tự hào vẫn là những bộ phim hay.

Đạo diễn Phan Đăng Di

Giờ muốn được thấy lại áo dài, giới làm phim chúng tôi cũng chỉ còn cách tạo ra các bộ phim đủ mạnh để được mời chính thức thôi. Điện ảnh Việt Nam mình vẫn còn là nền điện ảnh gần như chưa được nhận diện trên trường quốc tế. Để các gương mặt diễn viên, nghệ sĩ Việt được biết đến thì việc xuất hiện trong những sự kiện thảm đỏ, gala screening tại liên hoan phim Cannes, Berlin hay Venice - nơi truyền thông toàn cầu đổ về - phải là nỗ lực, là mục tiêu lớn của toàn bộ nền điện ảnh.

Và niềm tự hào vẫn tiếp nối khi danh sách các phim Việt được mời tham dự vẫn đang nối dài. Memento Mori, Miền ký ức dự tranh giải chính thức tại Busan 2022; hay Tro tàn rực rỡ dự tranh giải chính thức tại Tokyo, chiến thắng ở Ba châu lục 2022...

Trên phương diện chuyên môn, các bộ phim này đều nhận được những lời phê bình khen ngợi trên các trang điện ảnh uy tín, theo dõi lâu năm về các liên hoan phim.

Ngoài các phim do những đạo diễn Việt Nam thực hiện, phim của các đạo diễn gốc Việt khi tham dự các liên hoan phim quốc tế cũng đáng tự hào. Gần đây, bộ phim mới La Passion de Dodin Bouffant (The Passion of Dodin Bouffant) của đạo diễn Trần Anh Hùng được chọn tranh Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Phan Đăng Di nói về Trần Anh Hùng: "Anh là một nhà làm phim có uy tín quốc tế nhưng cũng là một người anh, một đồng nghiệp chân thành, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước. T

ại "Gặp gỡ mùa thu" của chúng tôi, anh Hùng là người thầy uyên bác và truyền cảm hứng của nhiều thế hệ làm phim trẻ Việt Nam và châu Á. Việc phim của anh đến Cannes để tranh Cành cọ vàng là niềm hân hoan của nhiều người trong chúng tôi mấy ngày gần đây".

Lãnh Thanh trên thảm đỏ Busan 2019 - Ảnh: A.G.

Lãnh Thanh trên thảm đỏ Busan 2019 - Ảnh: A.G.

Tà áo dài như ngôn ngữ Việt Nam

Nguyễn Hoàng Điệp, Thùy Anh, Đỗ Thị Hải Yến, Lãnh Thanh hay Marcus Mạnh Cường Vũ là những nghệ sĩ Việt từng mang tà áo dài Việt Nam lên thảm đỏ liên hoan phim quốc tế. Đó là Liên hoan phim Venice (Ý) 2014, Berlin (Đức) năm 2015, Busan (Hàn Quốc) năm 2019 và Busan năm 2022.

Nguyễn Hoàng Điệp, Thùy Anh là đạo diễn và diễn viên phim Đập cánh giữa không trung - giải phim hay nhất tại Tuần lễ phê bình quốc tế ở Liên hoan phim Venice năm 2014. Đỗ Thị Hải Yến là diễn viên chính và đồng sản xuất Cha và con và... - phim tranh giải Gấu vàng tại Berlin năm 2015 của đạo diễn Phan Đăng Di.

Chiếc áo dài Hải Yến chọn cho thảm đỏ Berlin đến từ Defined Moment, thương hiệu thời trang Pháp của một nhà thiết kế Việt (Tran Thi Thanh Nga), khi đó Hải Yến đang mang bầu những tháng cuối.

Còn Lãnh Thanh đóng chính Thưa mẹ con đi - bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được trình chiếu tại Busan 2019. Lãnh Thanh chọn tà áo dài nam màu xanh mang hơi hướng truyền thống. Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ mặc áo dài nam màu đen tại lễ bế mạc Liên hoan phim Busan năm 2022.

Tà áo dài Việt là một biểu tượng đẹp. Đạo diễn Phan Đăng Di hồi tưởng lại kỷ niệm đẹp từ thảm đỏ Berlin 2015, nơi Đỗ Thị Hải Yến mặc chiếc áo dài trắng khi đang mang bầu.

Anh nói với Tuổi Trẻ: "Tôi luôn có một mong muốn khá "sến", khá "cliché" (nhàm chán) là hễ phim mình vào Competition (hạng mục dự thi chính thức) của mấy liên hoan phim lớn thì tôi sẽ muốn thấy các nữ diễn viên của tôi diện áo dài trên thảm đỏ.

Năm 2015, cơ hội được sến cũng đến khi đoàn phim Cha và con và... được mời ra mắt trên thảm đỏ Liên hoan phim Berlin. Nhưng một tình huống ngoài dự kiến xuất hiện, cả diễn viên và nhà sản xuất chính của phim Trần Thị Bích Ngọc đều đang mang bầu.

Lúc đó tôi đã nghĩ thôi sến sao được nữa, ai mà diện nổi áo dài với bụng bầu tháng cuối chứ. Nhưng Đỗ Thị Hải Yến rất đồng cảm với mong muốn của tôi, cô quyết diện áo dài dù phải cách tân áo dài cho hợp hoàn cảnh.

Ê kíp của Đỗ Thị Hải Yến đã sáng tạo ra một bộ áo dài bằng lông chim trắng, mất cả tháng để kết, đến tận giờ ra thảm đỏ họ vẫn còn cố đính nốt những chiếc lông cuối cùng. Nói chung là phức tạp ngoài sức tưởng tượng. May quá, khoảnh khắc Yến diện áo dài lông chim ở Berlin làm tôi nhớ mãi vì nó đặc biệt khác biệt...".

Đỗ Thị Hải Yến mặc áo dài lông chim tại Berlin năm 2015 - Ảnh: BTC LHP Berlin

Đỗ Thị Hải Yến mặc áo dài lông chim tại Berlin năm 2015 - Ảnh: BTC LHP Berlin

Diễn viên Lãnh Thanh, người hiếm hoi mang tà áo dài nam giới Việt Nam lên thảm đỏ quốc tế, cho biết đây là mong ước của chính anh. Năm 2019, anh đã mời nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn may chiếc áo dài hai lớp trắng - xanh để dự thảm đỏ Busan.

"Tôi muốn mặc một bộ áo dài mang khí chất của người đàn ông Việt Nam, chứa đựng những đặc trưng văn hóa như hoa sen hay cây tre Việt Nam. Lớp áo trắng bên trong là màu hoa sen, thanh thoát như phong thái của con người.

Lớp áo mỏng màu xanh bên ngoài là biểu tượng của cây tre. Khi tôi mặc áo dài trên thảm đỏ, những người Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều chú ý. Khi tôi giới thiệu bản thân, họ biết tôi đến từ Việt Nam. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất sự nghiệp của tôi" - Lãnh Thanh chia sẻ.

Lãnh Thanh tiết lộ trong năm nay anh sẽ lại có cơ hội bước trên một thảm đỏ quốc tế. Anh sẽ vẫn chuẩn bị áo dài để mặc tại sự kiện này.

Phim của các nhà làm phim gốc Việt từng tham dự liên hoan phim quốc tế: Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Rừng Na Uy, La Passion de Dodin Bouffant (Trần Anh Hùng), Ba mùa (Tony Bùi), Đó hay đây?, Homostratus - Căn phòng của mẹ (Síu Phạm), Be Water (Bảo Nguyễn)...
Phim của các nhà làm phim Việt Nam từng tham dự liên hoan phim quốc tế: Chơi vơi, Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung, Cha và con và..., Thưa mẹ con đi, Bắc Kim Thang, Bí mật của gió, Ròm, Anh trai yêu quái, Memento Mori: Đất, Miền ký ức, Tro tàn rực rỡ...
Dàn sao Việt dự thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà NộiDàn sao Việt dự thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

TTO - Thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm nay có sự góp mặt của nhiều mỹ nhân Việt cũng như các nghệ sĩ, diễn viên. Tuy nhiên, số lượng khách trong nước và quốc tế giảm so với các kỳ liên hoan trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp