09/02/2017 22:31 GMT+7

Áo dài cách tân - nhà thiết kế làm gì thay vì chỉ trích?

NGUYỄN THỊ HỒNG
NGUYỄN THỊ HỒNG

TTO - Áo dài cách tân năm nay có thể nói đã gây nhiều tranh cãi và như bao câu chuyện khác thể nào cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, phản đối lẫn lơ lửng sao cũng được.

Chúng ta dù muốn dù không cũng không thể ngăn cản sự sáng tạo của ai đó, đặc biệt là những người trẻ, nhưng cũng không thể thờ ơ vì những sáng tạo đó giờ đây không còn đứng bên ngoài ngôi nhà của mình.

Ủng hộ hay phản đối là quyền của riêng ta nhưng có lẽ thay vì tiếp tục tranh cãi, chúng ta hãy cùng nhau nhìn về sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam trong vài thập kỷ qua cũng như tương lai phát triển được dự báo như thế nào so với ngành thời trang các nước lân cận cũng như ngành thời trang thế giới khi dòng thời trang này đang có xu hướng lấn át ngành thời trang nội địa.

Đây mới thật sự là vấn đề quan trọng mà các nhà thiết kế thời trang Việt cần chú trọng thay vì lên tiếng chỉ trích những “sáng tạo cho vui” của giới trẻ. 

Đừng mất quá nhiều thời gian cho phê phán

Thời trang luôn đi cùng những thay đổi thời cuộc, kinh tế, văn hóa, giáo dục cùng nhiều yếu tố khác nên thường có sự giống nhau về ý tưởng và được các nhà thiết kế đặt lên sản phẩm thời trang nào đó.

Việc giống nhau của áo dài cách tân với trang phục một số nước láng giềng cũng là điều dễ hiểu, có điều sau những kỳ lễ hội thiết kế cách tân nào còn tồn tại và được nhiều người sử dụng cũng tùy thuộc vào lứa tuổi, nghề nghiệp, môi trường làm việc…

Thực tế cũng cho thấy những gì đi ngược thuần phong mỹ tục sẽ dần dần bị loại bỏ khỏi đám đông nên có lẽ chúng ta đừng mất thời gian cho việc phê phán sáng tạo của giới trẻ, nhất là những ai yêu thích thời trang.

Nếu yêu thiết kế nào đó bạn có thể sở hữu và nếu không thì chắc hẳn không ai có thể bắt buộc bạn sử dụng trừ khi bạn không dám lên tiếng phản đối. Đặc biệt khi bạn là nhà thiết kế thì có lẽ phê phán sáng tạo của các nhà thiết kế khác là điều cần nên tránh.

Mối bận tâm của chúng ta có lẽ nên động viên họ sáng tạo nhiều hơn nhằm mục đích đưa thiết kế Việt sang môi trường các nước láng giềng và nhiều nơi trên thế giới. Việc nhà thiết kế Hoàng Hải là tác giả của những bộ váy đẹp lộng lẫy của tân Hoa hậu Hoàn vũ thứ 65 người Pháp Iris Mittenaere là những gì mà giới thiết kế mơ ước, dù rằng con đường đi đến vinh dự này chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Có bao giờ giới thiết kế thời trang ngồi cùng nhau để bàn việc đưa những thiết kế Việt vào thương trường các quốc gia khác và góp phần vào công việc phát triển ngành thời trang theo hướng mang tính ứng dụng cao như H&M, TopShop, Zara, Mango cùng rất nhiều nhãn hàng thời trang khác hay chưa?

Những tăng trưởng ngoạn mục, những cửa hàng kinh doanh thời trang mang nhãn hiệu nước ngoài đang dần dần thay chỗ cho các thương hiệu Việt ở rất nhiều trung tâm thương mại lớn nhỏ có làm các nhà thiết kế thời trang chúng ta bận lòng như áo dài cách tân như vừa rồi hay không?

Và báo động cho khâu sản xuất của thời trang Việt 

Ngành thời trang Việt dù tăng trưởng trong nhiều năm qua nhưng phần lớn lại nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, sản phẩm phần nhiều cũng gia công là chính nên rất cần những giải pháp hữu hiệu để thay đổi cục diện hiện tại khi cán cân xuất khẩu nhiều năm đều nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.  

Nhiều hội thảo nhằm bàn đến vấn đề giúp ngành công nghiệp phụ trợ dệt may phát triển nhưng xem ra kết quả chưa như kỳ vọng. Những thiết kế và nguồn cung nguyên liệu cho ngành thời trang trong nước vẫn còn khoảng cách rất lớn so với yêu cầu của doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu nên tỉ trọng nhập khẩu vải cũng như nguyên phụ liệu vẫn tăng đều mỗi năm.

Ngay bản thân các nhà thiết kế danh tiếng của chúng ta cũng thường nhập nguyên liệu từ nước ngoài thay cho việc sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước thì việc quảng bá hàng Việt Nam đến người Việt Nam cũng khó, nên thật sự vấn đề tăng tỉ trọng hàng nội địa trong mặt hàng dệt may vẫn là bài toán khó chưa tìm được lời giải thích hợp.

Điều này rất cần sự quan tâm của các nhà thiết kế Việt, vì hơn ai hết họ là những người đầy tính sáng tạo, có kinh nghiệm tiếp cận những xu hướng thời trang thế giới cũng như nhìn ra những bất cập mà ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi để hòa nhập với xu hướng tiêu dùng các nước láng giềng lẫn thế giới.

Tóm lại, rất mong các nhà thiết kế Việt  hãy cùng nhau tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp góp ý với các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp dệt may đang kỳ vọng gia tăng tỉ trọng xuất khẩu hàng Việt cũng như xây dựng những thương hiệu thời trang, mở rộng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Điều đó mới thật sự quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối giữa nhà thiết kế, nhà sản xuất và mạng lưới kinh doanh phân phối những sản phẩm hàng Việt đúng nghĩa, thay vì tiếp tục bị xem là thị trường lao động giá rẻ, lao động giản đơn, lao động chỉ tham gia vào giai đoạn gia công cho những nhãn hàng nước ngoài thay cho các thương hiệu mang tên Việt Nam.  

NGUYỄN THỊ HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp