22/06/2019 11:52 GMT+7

Anna Fisher - người mẹ đầu tiên bay vào vũ trụ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bà Anna Fisher là phi hành gia làm mẹ đầu tiên ở NASA. Lịch sử Nasa ghi nhận sự can đảm của người mẹ này. Cách nào khiến bà Anna Fisher trở thành người mẹ đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ?

Anna Fisher - người mẹ đầu tiên bay vào vũ trụ  - Ảnh 1.

Nữ phi hành gia Anna Fisher hôn con gái Kristin trong thời gian huấn luyện tại Houston năm 1985 - Ảnh: NASA

Giây phút mong chờ nhất trong cuộc đời đến với bà Anna Lee Fisher trong một chiều hè năm 1983. Đó là khi người sếp mời vợ chồng bà tới văn phòng để thông báo việc họ đã quyết định cử bà lên làm việc tại trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Có con vẫn làm tốt việc

Phải mất 5 năm kể từ khi bà Fisher cùng 5 phụ nữ khác được lựa chọn để tham gia khóa đào tạo trở thành các nữ phi hành gia đầu tiên của NASA (Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) thì khoảnh khắc chờ đợi nhất cuối cùng mới đến với người phụ nữ 33 tuổi trong chiều hôm đó. 

Dĩ nhiên, khi nghe sếp thông báo về quyết định quan trọng, bà quá đỗi sung sướng. Song vẫn còn một điều phải cân nhắc vì bà đang là thai phụ với cái bầu 8 tháng rưỡi. Bà đã quyết định. Và bà Anna Fisher trở thành người mẹ đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ. Vài tuần sau khi được lựa chọn là thành viên cho sứ mệnh mới của NASA, bà hạ sinh cô con gái Kristin.

Bà sinh con ngày thứ sáu thì thứ hai kế tiếp đã phải trở lại NASA, mang theo chiếc gối hình tròn để có thể ngồi xuống trong lúc họp cùng nhóm công tác. Bà gửi thông điệp tới những người đồng nghiệp nam, cả các sếp của mình: "Cô ấy có thể có một đứa con, nhưng vẫn sẽ đảm nhiệm được công việc".

Bà Fisher luôn sẵn sàng tâm thế có một gia đình, thậm chí cũng đã nói với ủy ban tuyển chọn các nữ phi hành gia về kế hoạch này trong khi trả lời phỏng vấn năm 1977. Chỉ có 6 phụ nữ trong khóa đào tạo 35 phi hành gia năm đó và bà đã làm được.

Trong suốt 14 tháng trước chuyến bay vào vũ trụ, bà Fisher tất bật giữa các công việc của kỳ huấn luyện đặc biệt cùng các yêu cầu của NASA, cả những lo toan trong thiên chức làm mẹ.

Trong công việc, bà phải học cách để đảm nhiệm công việc của một "capcom" - một thành viên trong nhóm hỗ trợ mặt đất của nhóm làm việc trên tàu vũ trụ. Người này chịu trách nhiệm liên lạc qua sóng radio với phi hành đoàn đang làm việc trong quỹ đạo. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi những ca trực dài, căng thẳng. 

Chỉ khi xong việc, bà Fisher mới lại chạy ào vào nhà vệ sinh, vắt bớt sữa để dành lại cho con khi căng tức ngực. Khi được giao nhiệm vụ thiết kế miếng phù hiệu đại diện cho chuyến bay của đoàn, chuyến STS-51-A, bà đã đặt 6 ngôi sao lên đó: mỗi phi hành gia là một ngôi sao, và một ngôi nữa cho bé Kristin.

"Mẹ yêu con rất nhiều"

Nhiều tuần trước khi khởi hành chuyến tàu vào vũ trụ tháng 11-1984, bà Fisher ghi lại hàng chục đoạn video của mình với con gái. Trong nhiều ngày trước khi đi, bà viết cho con một bức thư, trong đó viết: "Nếu có bất cứ điều gì xảy ra với mẹ, hãy nhớ rằng mẹ yêu con rất nhiều. Cha con và bà ngoại sẽ chăm sóc con. Và mẹ sẽ luôn dõi theo con". 

Chuyến bay của bà mới chỉ là chuyến du hành lần thứ 2 sử dụng tàu vũ trụ Discovery của NASA. Bà hiểu rõ những rủi ro sẽ phải đối mặt.

Chuyến bay năm đó kéo dài 7 ngày và 23 giờ, chủ yếu để thu hồi, phóng đi các vệ tinh. Không giống với các phi hành gia ngày nay vẫn có thể gọi điện video cho các con, thời ấy bà Fisher không có cách nào để liên lạc với gia đình trong suốt thời gian ở trên tàu vũ trụ. 

Trong ký ức của nữ phi hành gia, những ngày "trên trời" đó bà chỉ còn biết ngồi bên cửa sổ của tàu vũ trụ nhìn xuống Trái đất, nghe đoạn băng ghi âm tiếng nói còn ngọng nghịu của cô con gái nhỏ Kristin "I luh, I luh" (Con yêu mẹ) trong chiếc máy Walkman.

Cất những lá thư

Sau khi vượt qua hành trình 3,3 triệu dặm, bà Fisher trở về nhà an toàn. Bà bỏ lá thư đã viết trước đó cho Kristin vào hộp đựng đồ trang sức để cô con gái sẽ không bao giờ đọc được nó. Nhưng bà cũng đã chuẩn bị để viết một bức khác nếu lần tới bà lại được bay vào vũ trụ.

Trong vòng một tháng sau, bà được giao tham gia một chuyến bay khác. Sáu tuần trước khi chuyến bay khởi hành, tàu vũ trụ Challenger phát nổ. Một trong 6 người của phi hành đoàn đã thiệt mạng hôm đó là bà Judy Resnik - một người bạn của bà Fisher, cũng là người đã tham gia chương trình huấn luyện phi hành gia với bà.

Sau này bà trở thành lãnh đạo của nhánh trạm không gian của NASA và là một trong những phi hành gia có thời gian làm việc lâu nhất trong lịch sử của cơ quan này. Năm 2017, bà nghỉ hưu tại NASA ở tuổi 67.

Hình tượng của các bà mẹ trên thế giới

fisher va con gai chau ngoai

Bà Anna Fisher (trái) cùng con gái và cháu ngoại ở Washington Ảnh: WASHINGTON POST

Năm nay là kỷ niệm 35 năm nữ phi hành gia làm mẹ đầu tiên của nước Mỹ bay vào vũ trụ. Cũng là ngày bà Fisher trở thành một hình tượng truyền cảm hứng cho những bà mẹ đang làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, trong đó có cả chính cô con gái năm xưa. Kristin giờ đã là một nhà báo làm việc tại thủ đô Washington D.C cho Đài Fox News và cô cũng đang là mẹ của một bé gái 16 tháng tuổi.

Theo báo Washington Post, tới nay đã có 50 nữ phi hành gia Mỹ đã bay vào vũ trụ và nhiều người là những bà mẹ. Nhiều người trong số họ cho biết khi họ còn là những đứa trẻ, họ đã viết thư cho bà Fisher và đã nhận được thư hồi đáp gồm cả ảnh và chữ ký của bà ngày đó.

Ai là người phụ nữ Việt truyền cảm hứng cho ông Obama trong năm qua?

TTO - Nếu bạn muốn chứng kiến những thay đổi tích cực trong năm mới 2019, hãy xắn tay áo lên và bắt tay hành động, đó là thông điệp trước thềm năm mới 2019 của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.


D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp