Bằng chứng về bức ảnh ghép của tác giả Bùi Vy Vân được ban tổ chức cuộc thi ISF đăng trên website |
SIPA (Siena International photo awards) và ISF (Image sans frontiène) đều công bố giải thưởng hồi đầu tháng 11-2016. Trong đó, giải ISF được chấm bởi năm ban giám khảo độc lập từ Việt Nam, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Macedonia.
Tuy nhiên, ngày 9-11, ban tổ chức cuộc thi ISF đã thông báo trên trang web rằng một bức ảnh của tác giả Bùi Vy Vân được bằng danh dự của Ban giám khảo Ý đã bị loại ra khỏi cuộc thi với lý do ảnh ghép. Ban tổ chức dựa trên thể lệ dự thi để ra thông báo: “Ảnh tham dự phải do chính tác giả thực hiện, chứ không thể kết hợp thêm các yếu tố của tác giả khác!”.
Trao đổi về bức ảnh bị loại này, nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho hay sau khi kiểm tra trên internet đã phát hiện con chó trong bức ảnh được lấy từ một bức ảnh khác trên mạng. Do vậy, tác giả đã vi phạm thể lệ cuộc thi.
Trong khi đó, tác giả Bùi Vy Vân cho hay anh chưa biết quyết định trên. Nhưng khi được hỏi anh có ghép ảnh không thì anh tránh trả lời trực tiếp mà chỉ nói: “Bức ảnh này tôi chụp ở Gia Lai. Còn quyết định đó (loại bức ảnh - PV) là của ban tổ chức, tôi không có ý kiến gì!”.
Những “lùm xùm” của giải ISF chưa hết, khi một bức ảnh của tác giả Danny Yen Sing Won (Malaysia) chụp các cô gái mặc áo dài trắng đi trên đồi cát Mũi Né được vào chung khảo của Ban giám khảo Tây Ban Nha cũng gây tranh cãi. Các nhiếp ảnh gia lên tiếng rằng đây là sự sắp đặt phi thực tế, không am hiểu văn hóa Việt Nam của tác giả Malaysia.
Bức ảnh chụp áo dài trên đồi cát Mũi Né của Danny Yen Sin Won ở giải ISF bị cho là dàn dựng phi thực tế |
Nhiếp ảnh gia Phạm Tỵ đưa ra ý kiến: “Tác giả không rành phong tục địa phương, ai đời gánh trên đồi cát mà mặc áo dài trắng !”.
Theo dõi nhiếp ảnh nhiều năm, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc cũng lên tiếng: “Bức ảnh này phạm một lỗi trước đây nhiều nghệ sĩ Việt Nam vấp phải khi chụp đồi cát: đó là sự gán ghép một cách phi lí vào trong bối cảnh. Chẳng ai mặc những chiếc áo dài trắng tinh này để gồng gánh qua đồi cát cả. Tuy nhiên, nhiếp ảnh Việt Nam cũng không thiếu những tấm ảnh được dàn dựng kiểu này, cũng không thiếu nhiều bức ảnh loại này đã đoạt nhiều giải”.
Ở giải ISF của Ban giám khảo Pháp cũng có bức ảnh đồi cát của tác giả người Pháp André Torrès vào chung khảo, với hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba và người đàn ông cầm lưới qua đồi cát. Tác phẩm này chưa bị ai nói là phi thực tế, nhưng bức ảnh của tác giả người Malaysia thì bị “đặt vấn đề” bởi tính phi lý của nó.
Một bức ảnh chụp đồi cát của André Torrès (Pháp) vào chung khảo giải ISF |
Tác giả Malaysia sinh năm 1973 - Danny Yen Sing Won - là người từng đi chụp ảnh nhiều nơi như Nepal, Tây Tạng, châu Phi, Đông Nam Á…
Ở giải SIPA năm nay, bức ảnh chụp đan lưới ở Phan Rang của Danny Yen Sing Won được trao giải Open color, một trong những hạng mục chính của SIPA. Một bức ảnh chụp áo dài đi qua đồi cát Mũi Né khác của Danny Yen Sing Won cũng được trao giải Open Monochrome.
Một bức áo dài trên đồi cát khác của Danny Yen Sing Won đoạt giải cuộc thi SIPA (Ý) |
Ở giải ISF, bức ảnh đan lưới ở Phan Rang của Danny Yen Sing Won tiếp tục “càn quét” giải thưởng khi vào chung khảo của Ban giám khảo Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Mecedonia. Như vậy, không thể đặt vấn đề “trình độ” với tác giả Malaysia này được.
Lý do: phải chăng trước đây nhiều tác giả Việt Nam chụp ảnh áo dài gánh đôi quang gánh trên vai qua đồi cát rồi gửi thi quốc tế, khiến các nhiếp ảnh gia nước ngoài tưởng đó là hình ảnh Việt Nam thực. Để rồi khi đến Việt Nam, họ chụp đúng theo kiểu nhiếp ảnh gia Việt Nam!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận