(linhxjnhhy@...)
ThS Nguyễn Ngọc Thái (chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Từ năm 2008, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong khoảng hai năm gần đây có những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê gần 12.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trước đây đã hoạt động trở lại. Đây là nơi tiếp nhận nguồn nhân lực của các ngành nói chung và ngành kinh tế nói riêng.
Mặt khác, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến tình hình kinh tế thế giới và kinh tế quốc gia, thường xuyên có những tác động đến nền kinh tế quốc gia thông qua các chính sách vĩ mô vì mục tiêu phát triển đất nước. Nếu yêu thích lĩnh vực kinh tế, em có thể chọn ngành này hôm nay, có nghĩa em đang chọn lĩnh vực làm việc của mình cho bốn năm sau. Hi vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn và nhu cầu nhân lực sẽ nhiều hơn.
* Ngành ngữ văn Đức của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), khối D5, sẽ xét điểm chuẩn như thế nào? Chỉ tiêu là 50 thì lấy 40 thí sinh thi D1 và 10 thí sinh thi D5 hay mỗi khối thi sẽ có mức điểm riêng?
(babykute...@...)
TS Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM): Về nguyên tắc, nhà trường sẽ phân bố chỉ tiêu theo từng khối thi. Việc phân bố chỉ tiêu này dựa vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào từng ngành cụ thể. Trong từng ngành, khối thi nào có nhiều thí sinh đăng ký dự thi thì chỉ tiêu dành cho khối thi đó sẽ nhiều hơn và ngược lại. Do đó, điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành của từng khối thi cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, năm 2013 điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Đức (khối thi D1 là 24,5 và D6 là 23; điểm trúng tuyển đã nhân đôi hệ số môn ngoại ngữ). Em yên tâm nhé.
* Thưa thầy, em rất có hứng thú về luật pháp và cũng học khá môn tiếng Anh, nên năm nay em quyết định thi vào ngành Anh văn pháp lý Trường ĐH Luật TP.HCM. Xin thầy hãy cho em thêm thông tin về ngành học này. Năm nay em cần có ít nhất bao nhiêu điểm mới có cơ hội trúng tuyển ngành này? Và sau khi ra trường em có thể xin việc làm ở những đâu? Sau khi học xong ngành này, em có thể trở thành một thẩm phán hay không ạ?
(thongkieuanh...@...)
ThS Lê Văn Hiển (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM): Nội dung chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Anh và luật, làm nền tảng nghề nghiệp cho những người công tác trong môi trường đầu tư, kinh doanh, dịch vụ pháp lý có yếu tố nước ngoài. Trong chương trình đào tạo, ngoài những học phần trang bị kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Anh, sinh viên còn được học một số học phần thuộc chuyên ngành luật bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh và có thể làm việc trong các lĩnh vực như: các hiệp hội ngành nghề, các loại hình công ty trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, đầu tư và thương mại quốc tế để đảm nhận vai trò, sứ mệnh trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý trong năm 2014 phụ thuộc số lượng thí sinh đăng ký dự thi, chất lượng thí sinh dự thi và đề thi nên chưa thể cho em biết được bao nhiêu điểm thì có cơ hội trúng tuyển. Để trở thành thẩm phán, em phải có bằng cử nhân ngành luật. Do vậy, nếu em đăng ký học ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý thì khi ra trường em sẽ được cấp bằng tương ứng với ngành học là ngôn ngữ Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận