Một thành viên tham dự một cuộc đối thoại kinh tế EU - Trung Quốc tại Bắc kinh năm 2018 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi sẽ yêu cầu tham gia cuộc tham vấn WTO của EU về các biện pháp này (kiện Trung Quốc) trong vai trò là bên thứ ba nhằm đảm bảo chúng ta cùng nhau chống lại sự cưỡng ép kinh tế trong thương mại”, Bộ trưởng Thương mại Anh Anne-Marie Trevelyan viết trên mạng xã hội Twitter ngày 7-2.
Trước đó, ngày 27-1, EU cho biết đã khởi kiện Trung Quốc tại WTO. "Những hành động của Trung Quốc dường như mang tính phân biệt đối xử và bất hợp pháp theo quy định của WTO. Chúng đang gây hại cho các nhà xuất khẩu ở Lithuania và những nơi khác trong khối EU" - EU nhấn mạnh.
Mỹ, Úc và Đài Loan đều tỏ ý muốn tham gia các cuộc tham vấn của EU. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Lithuania, EU, các đồng minh cùng chí hướng và đối tác để đẩy lùi hành vi ức hiếp về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Adam Hodge của đại diện thương mại Mỹ nói.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Lithuania (thành viên EU) trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Baltic này cho phép mở văn phòng đại diện của vùng lãnh thổ Đài Loan tại thủ đô Vilnius. Cụ thể, Đài Loan mở văn phòng đại diện ở Vilnius dưới tên "Đài Loan" thay vì "Đài Bắc". Bắc Kinh coi động thái này của Lithuania là sự thách thức đối với chủ quyền của họ.
Không chỉ triệu hồi đại sứ và hạ cấp quan hệ với Lithuania, Trung Quốc được cho là đã bắt đầu chặn các sản phẩm của Lithuania và một số hàng hóa khác của châu Âu có chứa hàng hóa của Lithuania tại cơ quan hải quan vào tháng 12-2021.
Phía Trung Quốc cho rằng các cáo buộc của EU là "vô căn cứ" và "vấn đề giữa Trung Quốc và Lithuania là vấn đề chính trị, chứ không phải kinh tế".
Theo quy định của WTO, các bên (EU và Trung Quốc) có 60 ngày để dàn xếp thỏa thuận. Nếu không đạt được thỏa thuận, WTO sẽ lập một ban xem xét tranh chấp. Một quan chức của tổ chức này cho biết sự tham gia của các quốc gia phương Tây khác sẽ "có ích" trong vụ việc.
Tuy nhiên, động thái của EU phần lớn mang tính biểu tượng vì sẽ mất vài năm để vụ việc được giải quyết thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Ngay cả khi có phán quyết ban đầu, Trung Quốc về cơ bản có thể phủ quyết bằng cách kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận