Các động thái được Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly thông báo trước Quốc hội nước này ngày 8-5.
"Chúng tôi sẽ trục xuất tùy viên quốc phòng Nga. Đó là một sĩ quan tình báo quân sự đội lốt. Đồng thời sẽ xóa bỏ tư cách cơ sở ngoại giao khỏi một số nơi có liên quan đến Nga ở Anh.
Sẽ có những hạn chế mới đối với thị thực ngoại giao của Nga, bao gồm việc giới hạn thời gian các nhà ngoại giao Nga có thể ở Anh", ông Cleverly nhấn mạnh.
Nối dài các cáo buộc nhắm vào Nga
Bộ trưởng Cleverly, người trước đó là ngoại trưởng, biện minh những hành động trên là hệ quả của các hoạt động ác ý mà Nga tiến hành trên khắp nước Anh và châu Âu.
Chẳng hạn, vào tuần trước, các thành viên NATO bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hoạt động mà họ cho do Nga thực hiện, ảnh hưởng đến Cộng hòa Czech, Estonia, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan và Anh
Tại Anh, hồi tháng 4 rồi, một người đàn ông Anh bị truy tố vì các hoạt động thù địch nhằm mang lại lợi ích cho Nga. Ông này được cho đã chiêu mộ những người khác đốt phá một cơ sở thương mại có liên quan đến Ukraine ở London.
Xa hơn nữa, tháng 9-2023, truyền thông Anh loan tin một gián điệp Nga đã luồn sâu vào bộ máy chính quyền nước này sau khi xin tị nạn ở Anh.
Người này được cho đã che giấu thân phận, vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh và có cơ hội gặp một loạt quan chức cấp cao, bao gồm cả nhà vua Charles III khi ông còn là thái tử.
Nga cảnh báo đáp trả thích đáng
Trước Quốc hội Anh ngày 8-5, ông Cleverly nhấn mạnh Anh là "một môi trường hoạt động cực kỳ thách thức đối với các cơ quan tình báo Nga". Các biện pháp mới chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng ứng phó của Anh "trước mối đe dọa từ Nga".
Cleverly thừa nhận ông biết chắc những quyết định trên sẽ dẫn tới các phát ngôn mang tính cáo buộc như nước Anh bài Nga, nhưng Chính phủ Anh sẽ "không để mình bị coi là kẻ ngốc".
Gần như ngay lập tức sau các phát ngôn của ông Cleverly, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Matxcơva sẽ có "phản ứng thích đáng" trước quyết định của Anh.
Trong tuyên bố được Hãng tin RIA Novosti dẫn lại ngày 8-5, bà Zakharova cũng mô tả các cáo buộc của Anh không có căn cứ và cho rằng đây là một phần của cuộc chiến thông tin chống lại Nga.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ tháng 2-2022, vấn đề gián điệp trở nên được chú ý hơn. Nhiều vụ bắt người bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga đã xảy ra ở các nước châu Âu, trong đó có Anh.
Anh đã đưa ra một số đợt trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Nga kể từ đó và theo Bộ trưởng Cleverly, chính phủ do Đảng Bảo thủ nắm quyền sẽ không chùn bước trong việc hỗ trợ Ukraine.
Tin tặc được tình báo Nga hậu thuẫn tấn công Ba Lan?
Ngày 8-5, Viện Nghiên cứu quốc gia (NASK) Ba Lan tuyên bố nước này đã trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công mạng do một nhóm tin tặc liên quan Nga thực hiện.
"Phần mềm độc hại nhắm vào các cơ quan của Chính phủ Ba Lan được phát tán trong tuần này bởi nhóm APT28, vốn được biết có liên kết với các cơ quan tình báo của Nga", NASK nhấn mạnh.
Hiện Đại sứ quán Nga tại Ba Lan chưa đưa ra bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận