Giải nhì hạng mục Ảnh môi trường (ảnh đơn)- Ảnh: Wally Skalij
Bức ảnh này được tác giả Wally Skalij đặt tên là "Sơ tán", mô tả những con ngựa được sơ tán khỏi đám cháy rừng ở Malibu, California, Mỹ vào ngày 10-11-2018. Hai con ngựa được buộc vào một cây cột, không xa chúng là khói bốc lên nghi ngút từ đám cháy rừng.
Mùa cháy rừng năm 2018 ở California được đánh giá là tàn khốc và tàn phá nhất trong lịch sử bang, với hơn 676.000 ha diện tích bị thiêu cháy. Trong khi các nhà khoa học nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu gây cháy rừng, Tổng thống Mỹ Donald Trump quy trách nhiệm cho khâu quản lý rừng.
Giải ba (ảnh đơn) - Ảnh: Angel Fitor
Trong ảnh trên là một loài sứa lược ngoài khơi Alicante, Tây Ban Nha tên Leucothea multicornis. Cũng như các loài sứa lược khác, loài này khá phàm ăn, bắt con mồi bằng cách sử dụng các tế bào dính thay vì chích chúng.
Hiện con người biết khá ít về loài này bởi chúng rất mỏng manh và phản ứng với cả những rung động nhỏ nhất, do đó rất khó nghiên cứu và chụp ảnh chúng.
"Akashinga - Những chiến binh dũng cảm" - giải nhất Ảnh môi trường (ảnh đơn) - Ảnh: Brent Stirton
Trong ảnh là Petronella Chigumbura (30 tuổi), thành viên đơn vị chống săn trộm toàn nữ có tên là Akashinga. Cô đang tham gia khóa huấn luyện tại Công viên hoang dã Phundundu, Zimbabwe.
Akashinga được thành lập nhằm hợp tác với cư dân địa phương trong cuộc chiến bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ môi trường.
'Hạc đi vớ' - giải nhì (ảnh đơn) - Ảnh: V (Jasper Doest)
Con chim hồng hạc Caribbean đang nhìn "đôi vớ" do con người tạo ra để giúp chữa vết thương trên chân nó. Con chim này được đưa bằng máy bay từ đảo Bonaire tới Trung tâm chăm sóc động vật hoang dã Fundashon Dier en Onderwijs Cariben ở Curaçao, Hà Lan. Sau vài tuần chăm sóc, nó đã được đưa trở lại Bonaire.
Có khoảng 3.000 cặp chim hồng hạc Caribbean sinh sản ở Bonaire, trong khi ở Curaçao có 200-300 con.
"Gặp Bob" - giải nhì Ảnh thiên nhiên (loạt ảnh) - Ảnh: Jasper Doest
Bob là tên một con hồng hạc Caribbean, được một nhân viên Trung tâm chăm sóc động vật hoang dã Fundashon Dier en Onderwijs Cariben (FDOC) cứu và chăm sóc.
Trong quá trình giúp Bob hồi phục, nhân viên trung tâm phát hiện nó đã quen thuộc với con người và không thể sống sót nếu trở về tự nhiên. Vậy là Bob trở thành "đại sứ" cho FDOC trong việc nâng cao nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ đời sống hoang dã.
Giải ba Ảnh thiên nhiên (loạt ảnh) - Ảnh: Ingo Arndt
Báo sư tử, còn được gọi là sư tử núi, được tìm thấy ở khu vực từ Yukon Canada đến miền nam Andes. Chúng có thể sống sót trong nhiều môi trường khác nhau, từ sa mạc, thảo nguyên đến rừng và núi tuyết.
Nhìn chung chúng khá nhút nhát và hay lẩn tránh con người. Chúng là loài săn mồi mai phục, rình rập con mồi khoảng một giờ trở lên trước khi tấn công.
Vùng Torres del Paine ở Chile Patagonia được cho là có nhiều báo sư tử nhất thế giới. Ở đây thức ăn chủ yếu của chúng là guanacos, loài có quan hệ chặt chẽ với lạc đà không bướu.
Giải nhì Ảnh môi trường (loạt ảnh) - Ảnh: Nadia Shira Cohen
Những người nuôi ong ở Tinúm, Yucatán, Mexico đang chăm sóc tổ ong. Hiện việc nuôi ong của họ đang bị đe dọa khi người ta mở trang trại trồng đậu nành gần đó kéo theo nạn phá rừng lấy đất, chưa kể đậu nành biến đổi gen và việc dùng thuốc diệt cỏ glyphosate gây nguy hiểm cho sức khỏe, làm ô nhiễm cây trồng và làm giảm giá trị thị trường của mật ong.
Giải ảnh báo chí danh giá nhất
Được trao từ năm 1955, (World Press Photo) được xem là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay, cũng là giải quốc tế duy nhất với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia khắp thế giới.
Năm nay, cuộc thi thu hút 4.738 tác giả với 78.801 ảnh dự thi, trong đó nhiếp ảnh gia John Moore (Getty Images) giành giải cao nhất với bức ảnh gây rúng động về cô bé người Honduras đứng khóc trong màn đêm, hướng về phía mẹ đang bị nhân viên cửa khẩu Mỹ chặn lại và khám soát khi vượt biên trái phép từ Mexico sang Mỹ. Bức ảnh đã lan truyền khắp thế giới.
Bức ảnh gây ấn tượng mạnh của nhiếp ảnh gia John Moore
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận