Bí thư - thầy giáo Nguyễn Quốc Đoàn (thứ ba, từ phải qua) hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành - Ảnh: Q.L.
Từng đi làm ở công ty xe khách, nhưng cái duyên đưa anh đến với công việc quản lý học sinh, rồi làm cán bộ Đoàn và giờ là "anh thầy" kiêm bí thư Đoàn Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7, TP.HCM).
Người thầy - người bạn
Nguyễn Quốc Đoàn hiện là phó trưởng khoa cơ khí, khoa có số lượng học sinh chiếm gần một nửa số tuyển sinh hằng năm trong 24 ngành nghề đào tạo của trường. Hành trình đi đến con đường hôm nay với anh là cả sự nỗ lực không ngơi nghỉ.
Đoàn thi rớt đại học. Gia đình khi ấy cũng khó khăn lắm. Cha theo những chuyến đánh bắt ngoài biển, lo khâu sửa chữa máy tàu có khi 2-3 tháng mới vào đất liền. Mẹ làm may ở nhà nên lo cho hai anh em Đoàn cùng đi học cực đủ bề.
"Không đủ điểm vào đại học, cảnh nhà vậy nữa nên tôi chọn vào ngôi trường này. Bởi cũng ham táy máy máy móc, sửa xe nên chọn nghề cơ khí" - anh nhớ lại.
Ra trường, đã làm được vài tháng ở một công ty xe khách, nhưng khi nghe trường tuyển người quản lý học sinh, Đoàn nộp hồ sơ quay về. Cái duyên gắn với học sinh bắt đầu từ đó! Và đi học thêm vì anh muốn được đứng lớp.
Vậy mà vừa công tác, Đoàn vừa tranh thủ học cao đẳng, rồi liên thông đại học và đã hoàn thành cao học, anh là một trong các ứng viên được chọn và hoàn thành chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM, nhận bằng thạc sĩ quản lý giáo dục.
Hai cậu học trò Phạm Quốc Hảo và Đàm Chí Hùng (lớp TCO16B) nói thầy Đoàn làm việc rất nghiêm, thẳng thắn, nhưng gần gũi, thương học trò. Làm chủ nhiệm, lớp có bao nhiêu bạn, hoàn cảnh và tính tình thế nào, thầy Đoàn biết và hiểu từng đứa.
"Học sinh có khi hơi cá tính một chút, ở cái tuổi chưa lớn mà cũng không còn nhỏ nên muốn góp ý gì mình luôn chọn cách nói chuyện, tâm tình riêng, không bao giờ đem ra trước tập thể" - anh Đoàn bộc bạch.
"Mình học ở thầy cách ăn nói, giao tiếp sao cho khéo và làm việc nào ra việc nấy" - Hảo khoe. Còn Hùng tâm đắc: "Thầy quan tâm và theo sát học sinh lắm, bạn nào trong lớp bỏ học là thầy tìm cho bằng được, động viên nhiều cách để bạn phải quay lại học".
Dù chưa tốt nghiệp, Hảo và Hùng đã được một chủ cửa hàng dịch vụ chăm sóc ôtô quen với Đoàn nhận vào làm, gửi đi đào tạo để thành thợ chính khi cửa hàng khai trương sắp tới.
Kiến tạo phong trào
Đều đặn các năm qua, ngôi trường này luôn có nhiều học sinh đạt chuẩn "Học sinh 3 rèn luyện" được cấp thành và trung ương tuyên dương. Điều này một phần nhờ kết quả hội thi giỏi nghề trường tổ chức hằng năm. Chính sân chơi này đã tạo môi trường rèn nghề đầu tiên, kích thích niềm yêu nghề trong mỗi bạn.
Đoàn quan niệm học hay hoạt động phong trào gì cũng phải thực chất, học sinh thấy có ích tức khắc sẽ tham gia.
Vì thế, các bạn luôn thích mỗi chuyến đi thực tế tại nhà máy, công ty gắn với nghề nghiệp, công việc sẽ làm sau khi ra trường. Chưa kể các hành trình về nguồn, câu lạc bộ học thuật vốn không nhiều học sinh trường nghề hào hứng thì nay là một trong những hoạt động hấp dẫn của Đoàn trường.
Đoàn kể: "Sau mỗi chuyến đi, các bạn tâm sự nhờ tham gia mà biết thêm thông tin về điểm di tích lịch sử, văn hóa đó chứ trước đây thì không. Với người làm phong trào, nghe vậy đủ vui rồi".
Theo thạc sĩ Bùi Hồng Phong (phó hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh), thầy Đoàn luôn năng động tìm kiếm chương trình, hoạt động mới khi là thủ lĩnh thanh niên; Đoàn trường có công lớn trong việc thiết kế hội thi học sinh giỏi nghề, từ đó trường chọn được nhân tố nổi bật dự thi cấp TP, rồi được tin tưởng trao đăng cai tổ chức thi bốn nghề trong khuôn khổ hội thi toàn thành.
"Phải nói rằng trường có được nhiều gương "Học sinh 3 rèn luyện" cấp TP và trung ương chính nhờ sự năng động, sáng tạo trong việc tạo môi trường, sân chơi cho học sinh rèn luyện của Đoàn trường và cá nhân thầy bí thư" - ông Phong nhận định.
Vinh danh sự nỗ lực
Ngoài giải thưởng Lý Tự Trọng được nhận dịp 26-3 năm nay, Nguyễn Quốc Đoàn còn là một trong những gương mặt "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp trung ương lần đầu tiên giải được bình chọn với quy mô toàn quốc năm 2019. Giải thưởng ấy vinh danh các nhà giáo trẻ có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, phẩm chất đạo đức tốt và nhiều đóng góp trong các hoạt động vì cộng đồng.
Anh cũng được Trung ương Đoàn tặng kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ, nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì đóng góp xuất sắc vào công tác giáo dục nghề nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận